Đạo diễn Trần Văn Thủy: Tiếc khi tết nay không còn hồn như tết xưa

Mỵ Lương (thực hiện) Thứ hai, ngày 15/02/2016 15:48 PM (GMT+7)
"Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ tâm trạng của những người già nói chúng, khi trả lời câu hỏi về đề tài tết xưa và tết nay chắc chắn đều có ít nhiều nuối tiếc khi tết nay không còn cái hồn vía, không khí của đời sống tinh thần, tâm linh như ngày tết xưa", đạo diễn Trần Văn Thủy nói.
Bình luận 0

Lời tòa soạn: Ngày tết có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt tự xa xưa. Cuộc sống, với những áp lực, lo toan vật chất thường ngày, đã vô tình cuốn đi ít nhiều những tình cảm giữa người với người. Chính vì thế, dịp tết giờ càng có ý nghĩa hơn khi nó trở thành cơ hội hiếm hoi để người Việt lắng lòng lại giữa nhịp đời hối hả, xích lại gần nhau, gắn kết với nhau hơn để cùng quan tâm, sẻ chia và yêu thương đồng loại...

Chuyên trang “Xuân yêu thương - Xuân gắn kết”  là một nhịp cầu nối liền tình cảm những người Việt khắp nơi, vì nhiều lý do, khác nhau không thể sum họp bên gia đình ngày tết.

Đạo diễn Trần Văn Thủy, người không xa lạ với công chúng Việt Nam với những bộ phim tài liệu gần gũi, chân thực về thân phận con người, trong đó có nhiều thước phim ghi lại những hình ảnh sống động về tết, chia sẻ với PV Báo NTNN nhân dịp tết nguyên đán.

Linh hồn của giá trị truyền thống

Mỗi dịp tết đến xuân về, mọi người thường hay đề cập đến việc đón tết cổ truyền, đón tết yêu thương. Ông đánh giá thế nào về giá trị của tết truyền thống?

img

Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy

- Người Việt Nam xa xưa coi tết là quan trọng, là linh hồn của những giá trị truyền thống. Những người có tuổi luôn hoài cổ, luyến tiếc những giá trị tốt đẹp về đạo đức, gia phong, sự hiếu thảo và lòng nhân ái. Tết là một chủ đề cụ thể, nói rộng ra tết thuộc về giá trị tinh thần và tư tưởng, là những điều thuộc về tâm trí, thuộc về đời sống tâm linh của con người.

Tôi nghĩ ngày tết cổ truyền hướng ta nhớ về nguồn cội, tưởng nhớ đến những người đã khuất. Giá trị của tết khuyên con người ta sống tốt đẹp hơn, có ích hơn. Và ngày tết mang một ý nghĩa nhất định, cho đến bây giờ được gìn giữ, phong tục không có gì thay đổi nhiều. Cha ông chúng ta đã tích lũy qua nhiều đời, nhiều thế kỷ tạo ra nền nếp, phong tục trong ngày tết không phải bỗng dưng có. Tất cả đều có ý nghĩa sâu xa của nó.

Nhưng đời sống tâm linh bây giờ cũng khác xưa nhiều do những lo toan đời thường lấn át?

- Theo tôi, tâm linh không chỉ là vấn đề cúng bái, hương khói mà phải được xuất phát từ tấm lòng. Ví như ngày giỗ, tết mình nhớ đến tiên tổ, các bậc sinh thành.

Người xưa vẫn có câu “có cúng có thiêng, có kiêng có lành”. Phương diện khoa học sẽ lý giải đúng hơn về điều đó. Theo tôi, tốt nhất con người phải có một chỗ nương tựa về mặt tinh thần để hướng về những điều tốt đẹp. Tất cả việc hương khói, lên chùa, đi nhà thờ… đều hướng con người ta sống thiện, sống tử tế và làm những việc nhân đức. Nên khi con người ta không biết tin vào cái gì thì đó là một điều đáng suy ngẫm.

Những người già cả thường thề thốt: “Ôi! Tôi thề với ông, với bà có quỷ thần hai vai chứng kiến tôi không nói điều ấy, không làm điều ấy”.  Bây giờ có ai thề như thế đâu. Vì họ không tin vào quỷ thân hai vai, không tin vào Chúa, không tin vào Đức Phật.

Con người nếu như không biết sợ thì đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Chí ít cái sợ vu vơ như người ta bảo: Hãy ăn ở lương thiện đi để được lên thiên đàng, lên cõi Niết Bàn. Thật ra, chưa ai từ thiên đàng, từ Niết Bàn về để nói rằng nơi ấy có thật. Xã hội vẫn tồn tại những giá trị ảo miễn là nó khuyên con người sống lương thiện.

Tôi có làm một bộ phim cho Đài truyền hình Anh nói về lòng tin con người có tên “Một cõi tâm linh” năm 1994. Thông qua bộ phim, tôi muốn chia sẻ rằng:  Người Việt Nam có 1 đặc điểm là ngoài cuộc sống hiện hữu ra người ta tin có một thế giới bên kia luôn luôn theo dõi, nâng đỡ, kiểm tra hành vi của người ta. Và người ta tin vào sự trường tồn của linh hồn, sự phù hộ của ông bà tổ tiên.

Tết là dịp gặp gỡ, tri ân

Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy  sinh năm 1940 tại Nam Định. Ông đã đạo diễn trên 20 phim, trong đó có nhiều phim tài liệu đoạt giải cao trong các liên hoan phim trong nước và quốc tế, đặc biệt là phim “Hà Nội trong mắt ai” - giải vàng LHP Việt Nam 1988. Trong khi đó “Chuyện tử tế” là bộ phim được đánh giá là tác phẩm đặc sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy, đoạt giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài gọi là "Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig"... 

Trải nghiệm đáng nhớ nhất về giá trị phẩm hạnh, đạo đức của con người xưa trong những thước phim tư liệu của ông là gì vậy? 

- Năm 1993, tôi làm một bộ phim kể về một làng nghèo, cực nghèo. Đó là làng Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc, nay là Bắc Ninh). Người làng đó chỉ làm đúng một nghề là nung đất từ thời cổ xưa. Đến bây giờ, họ vẫn đào đất lên, sau đó nặn chuốt, vuốt thành những chiếc chum vại. Làng nghèo nhưng tôi ngạc nhiên về tình cảm con người dành cho nhau. Cha thương con, vợ thương chồng, xóm giềng đùm bọc nhau, tình cảm dì ghẻ nuôi con chồng…

Tất cả những điều đó, tôi đã miêu tả chân thực như nó vốn diễn ra trong cuộc sống, rằng họ kiếm đồng tiền khó khăn ra sao. Dù đời sống vật chất khó khăn là vậy, đời sống tinh thần, tình làng nghĩa xóm, tình cảm con người đối xử với nhau lại tuyệt vời làm sao. Con người hiện nay mải mê lao vào làm giàu, tôn thờ giá trị vật chất.

Một xã hội trở nên thăng hoa, tốt đẹp là ở tình người. Hiện tại, có thể cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng tình người không ấm áp, tốt đẹp như xưa nữa. Những việc đơn giản như “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” đã thưa vắng nhiều. Chính vì thế, dịp tết giờ càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi nó trở thành cơ hội hiếm hoi để người Việt cùng lắng lòng lại giữa nhịp đời hối hả, kết nối với nhau, xích lại gần nhau hơn, cùng thăm hỏi, quan tâm nhau qua phong tục đi chúc tết, mừng tuổi cho con trẻ...

Với những người xa quê, tết đến xuân về dường như nỗi nhớ quê, nhớ người càng thêm quay quắt. Ông đã từng nếm trải những khoảnh khắc đó?

- Tôi có hoàn cảnh khá thiệt thòi, mất mát khi phải xa quê hương, xa gia đình rất nhiều. Có thể kể về chặng đường xa nhà 5 năm liền sống ở Tây Bắc từ năm 1960-1965. Tiếp đó, tôi tham gia quay phim ở chiến trường miền Nam 5 năm rồi ra miền Bắc năm 1970. Sau đó tôi ở Nga 5 năm nên không biết tết quê hương ra sao vì ít có dịp về nhà ăn tết.

Những năm đó, mỗi lần xuân về, nỗi nhớ quê đặc biệt cồn cào. Dường như tất cả những kỷ niệm, hạnh phúc bên người thân yêu, ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình đều như bừng sống lại. Có đi xa mới thấy tết quê nhà thiêng liêng và đáng trân trọng.

Còn bây giờ, với tôi, ngày tết việc thăm hỏi là thiêng liêng vì cả năm làm việc, tết là dịp gặp gỡ, hỏi thăm và tri ân. Đây là một trong những gạch đầu dòng quan trọng khi nhắc đến tết ở Việt Nam mình.

Vậy điều gì khiến ông tiếc nuối về sự mất mát, mai một bản sắc của ngày tết truyền thống?

- Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ tâm trạng của những người già nói chúng, khi trả lời câu hỏi về đề tài tết xưa và tết nay chắc chắn đều có ít nhiều nuối tiếc khi tết nay không còn cái hồn vía, không khí của đời sống tinh thần, tâm linh như ngày tết xưa.

Khi bình tĩnh suy nghĩ về sự thay đổi, ta thấy đó cũng là một quy luật khách quan của loài người. Có điều bản thân mỗi người dân, người có tri thức, cao hơn nữa là những nhà lãnh đạo phải có những việc làm, những quyết sách để giữ lại giá trị tinh thần trong đời sống con người. 

- Xin cảm ơn đạo diễn!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem