Đất Tổ lại vang điệu hát xoan

NGUYỄN HỒNG SÁNG Thứ tư, ngày 28/01/2015 08:02 AM (GMT+7)
Với mục tiêu đến năm 2016 sẽ đưa hát xoan ra khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp”, cơ quan chức năng và nghệ nhân ở Phú Thọ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn  và phát huy giá trị của di sản này trong cuộc sống đương đại.
Bình luận 0

Tre già lo cho măng

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch, 66 tuổi, ở thôn An Thái, xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì, vào một chiều cuối đông. Mới bước qua chiếc cổng gỗ đơn sơ, chúng tôi đã nghe thấy tiếng đàn, tiếng nhạc cùng những giai điệu chân chất, mộc mạc quen thuộc của làn điệu xoan Phú Thọ. Học viên lớp học hát xoan của nghệ nhân Lịch chủ yếu là các em thiếu nhi. Trò chuyện với chúng tôi, bà cho biết: “Khi mới tập học hát xoan, không ít cháu cảm thấy nản, định bỏ cuộc, vì lời ca và giai điệu của xoan cổ vốn vừa dài, vừa khó nhớ…

Tuy nhiên, khi được truyền dạy đủ 14 lời quả cách (điệu thức trong hát xoan), thì cháu nào cũng cảm thấy hứng thú bởi giai điệu mộc mạc, giản dị của nó. Chúng tôi rất kỳ vọng vào lực lượng kế cận này, vì lớp nghệ nhân như chúng tôi đều có tuổi cả rồi, chẳng biết còn được bao lâu nữa…”.

img
Trình diễn hát Xoan trong khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2014. Ảnh: H.S

Trao đổi với ông Nguyễn Bá Khiêm- Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được biết thêm, sau khi hát xoan được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào tháng 11.2011, đến nay những làn điệu xoan đã dần đi vào đời sống xã hội, được cả nước và bạn bè quốc tế biết đến.

Tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành chương trình hành động về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - hát xoan Phú Thọ (giai đoạn 2012-2015)”. Các cấp, ngành, đoàn thể và các địa phương đã cùng chung tay giữ gìn nét văn hóa đẹp không chỉ cho vùng đất Tổ mà còn cho cả nhân loại.

 

Từ năm 2012 đến nay, Phú Thọ đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn, quảng bá hát xoan trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương. Trong đó có nhiều chương trình biểu diễn lớn phục vụ không chỉ khán giả trong nước mà cả các đoàn ngoại giao. Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cũng phối hợp các chuyên gia, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu tiến hành sưu tầm, biên tập và xuất bản hàng nghìn đĩa CD và trên 5.000 cuốn sách về “Hát xoan Phú Thọ”, vừa nhằm mục đích tuyên truyền vừa làm nguồn tư liệu cho các nghệ nhân sử dụng khi truyền dạy.

Một số di tích có liên quan đến hát xoan cũng đang được tỉnh quan tâm, khảo sát và khôi phục. Nghệ nhân Lê Thị Đá, vừa tròn 100 tuổi, trú tại khu 4, xã Kim Đức, TP.Việt Trì bộc bạch những lời ruột gan: “Trước đây, lớp nghệ nhân già chúng tôi cứ lo khi khuất bóng, xoan sẽ dần mất đi trong đời sống cộng đồng. Nhưng thật vui mừng, tự vì hát xoan đã được vinh danh. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng truyền lại hát xoan cho thế hệ trẻ, để sau này, làn điệu xoan của quê hương đất Tổ có thể đến được khắp các miền quê trong cả nước”.

Đãi ngộ xứng đáng với nghệ nhân

Theo ông Nguyễn Bá Khiêm, nhân kỷ niệm 1 năm hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, UBND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành phong tặng và cấp bằng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân hát xoan Phú Thọ”, kèm theo tiền thưởng 5 triệu đồng cho 34 người, (trong đó 31 người ở Phú Thọ; 3 người ở Vĩnh Phúc), đồng thời tổ chức vinh danh, khen thưởng đối với các nghệ nhân và những người có công nghiên cứu, xây dựng hồ sơ và truyền dạy di sản hát xoan Phú Thọ. Trong đó 7 nghệ nhân được tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương; 59 cá nhân được tặng bằng khen của tỉnh gồm 26 nghệ nhân, 33 cán bộ làm công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, 12 tập thể đã có thành tích sưu tầm, tuyên truyền, quảng bá hát xoan. Việc 34 nghệ nhân hát xoan được vinh danh chính là sự ghi nhận những đóng góp của họ trong giữ gìn, bảo tồn hát xoan, động viên họ tiếp tục việc truyền dạy nét văn hoá đặc sắc này cho thế hệ kế tiếp.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn 13 huyện, thành thị của tỉnh Phú Thọ có tới 115 câu lạc bộ hát xoan với trên 1.235 hội viên. Từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, phường, thị trấn đều duy trì có hiệu quả việc truyền dạy hát xoan. Trong đó, cấp huyện tổ chức được 2 đến 5 lớp/năm, mỗi lớp 25 – 30 học viên. Cấp tỉnh tổ chức được 3 lớp/ năm, cộng với 4 lớp tại cộng đồng xoan gốc với trên 100 học viên đủ các lứa tuổi. Cũng theo ông Nguyễn Bá Khiêm, năm 2013, nhằm tạo điều kiện cho 4 phường xoan gốc duy trì các hoạt động bảo tồn, truyền dạy trong cộng đồng, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí 75 triệu đồng/phường.

Đặc biệt, “Hát Xoan Phú Thọ” là di sản phi vật thể duy nhất được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 – 2020). Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL thẩm định trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 19 trường hợp, trong đó có 2 nghệ nhân hát ghẹo và 17 nghệ nhân hát xoan.

Theo ông Hà Kế San- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, trong thời gian tới, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn với thực hành hát xoan trong cộng đồng địa phương sẽ được phục hồi và đẩy mạnh. Giai đoạn 2016-2020, việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ gắn với hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ (thông qua các hoạt động trình diễn tại các phường hát xoan, các di tích hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương); tăng cường đưa hát xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể.

Tỉnh Phú Thọ đang phấn đấu đến năm 2020, các lễ hội, tục lệ hát xoan truyền thống sẽ được khôi phục; từ đó, xây dựng thành không gian văn hóa hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem