Đệ nhất danh cầm Nguyễn Vĩnh Bảo và nỗi trăn trở nghệ thuật truyền thống

Thứ tư, ngày 01/04/2015 15:33 PM (GMT+7)
Cách đây hai năm gặp nhạc sư Vĩnh Bảo trong căn nhà chật chội ở quận Bình Thạnh, TP HCM trong tiếng đờn tranh thánh thót vang lên. Mấy ngày rồi có dịp nghe lại tiếng đờn tranh của ông nhưng trong một không gian khác, rất trang trọng của lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VIII. Gần 500 người trong khán phòng lặng đi khi nghe tiếng đờn tranh từ “Đệ nhất danh cầm” Nguyễn Vĩnh Bảo ở tuổi xấp xỉ một trăm.
Bình luận 0

Nhạc sư Vĩnh Bảo vui vẻ nói: “Tôi rất vui khi nhận giải thưởng này và trân trọng nó. Bởi món quà ý nghĩa này mang tên của nhà chính trị lớn, nhà yêu nước lớn, nhà văn, nhà thơ Phan Châu Trinh”. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo bắt đầu học đàn từ năm 5 tuổi, nay đã 98 tuổi nhưng hằng ngày ông vẫn đờn, dạy đờn không chỉ cho người Việt Nam mà còn cho những ai ở khắp năm châu thích âm nhạc Việt Nam.

Đến bây giờ, ông có hàng trăm học trò trong nước và trên thế giới; cách truyền dạy của ông cũng rất sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn lối truyền khẩu, truyền ngón dân gian Việt Nam với lối dạy hiện đại hàm thụ qua thư từ và Internet hoặc giảng dạy trực tiếp ở nhiều trường đại học nước ngoài, Paris, Tokyo, Singapour, Illinois... Năm 2008, Tổng thống Pháp đã trao tặng nhạc sư Vĩnh Bảo Huy chương Officier des Arts et des Lettres, Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương.

img

Ông bảo: “Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi của nhiều người là nhạc Việt Nam có gì hay. Âm nhạc gắn liền với cuộc sống sâu kín của tôi. Tôi ôm chầm lấy nó. Mỗi khi đờn tôi ở trong trạng thái tĩnh lặng. Và trạng thái tĩnh lặng thì gần với thiền. Mà chính thiền cho tôi nghị lực để thắng được chính mình. Chấp nhận cái tối thiểu mà cuộc sống mang lại”.

Tuy nhiên, nhạc sư Vĩnh Bảo cũng bày tỏ nỗi băn khoăn, lo lắng, trăn trở khi âm nhạc nước ngoài vào Việt Nam thì có không ít bạn trẻ quay lưng với âm nhạc truyền thống. Mặc dù, ai cũng thấy nhu cầu tất yếu là bảo tồn kho tàng âm nhạc của truyền nhân để lại. Tuy nhiên, khi đề cập bảo tồn bằng cách nào thì chỉ nói qua loa. Do đó, giới trẻ không thấy được tầm quan trọng của nhạc dân tộc, nhạc dân tộc hay ở chỗ nào. Bên cạnh đó, có một số bậc cha mẹ cho rằng nhạc nước ngoài hay hơn và cấm đoán con học âm nhạc dân tộc.

Nhạc sư Vĩnh Bảo khẳng định, chúng ta không thể so sánh rằng nhạc nước này hay hơn nhạc nước kia, vì âm nhạc là sản phẩm của xã hội và là tiếng nói của dân tộc. Dân tộc nào khai sinh ra nhạc đó thì khi nghe họ sẽ thấm thía hơn. Vì thế, tinh thần vọng ngoại thường thấy ở những nước từng bị trị, bị đô hộ rất nặng nề, nhiều người luôn cổ súy nhạc Pháp hay, tiếng Pháp hay, tiếng Ăng-lê hay nhưng chúng ta quên rằng tiếng Việt rất hay, rất phong phú. Nhưng không ai nhắc nhở cho giới trẻ biết tiếng Việt hay và phong phú ở chỗ nào. Thật là đáng buồn.

Ông cho rằng, làm cho giới trẻ quay lại văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc rất quan trọng. Vì “thắng kẻ địch trên chiến trường tuy có gian nan nhưng dễ hơn mặt trận văn hóa. Một dân tộc mất đi nền văn hóa của mình thì sự mất nước e rằng khó tránh”, nhạc sư Vĩnh Bảo cảnh báo.

Trong thời toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa sâu rộng hiện nay thì văn hóa là nhịp cầu ngắn nhất và gần gũi nhất với nhau, tìm hiểu với nhau và học hỏi với nhau. Chúng ta phải làm sao để giới trẻ thấy cái hay, cái phong phú, cái đa dạng, cái độc đáo, cái đáng tự hào của văn hóa Việt Nam, âm nhạc Việt Nam… Từ việc thấy hay thì giới trẻ dẫn đến yêu mến và quyết tâm học để bảo vệ. Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: “Nhạc sư Vĩnh Bảo cho chúng ta bài học thật sâu sắc trong việc bảo vệ văn hóa dân tộc. Bảo vệ không phải là gìn giữ khư khư. Bảo vệ phải đi cùng với sáng tạo, bằng sáng tạo. Bảo vệ không mâu thuẫn với phát triển, bảo vệ để phát triển, phát triển để mà bảo vệ”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng Trần Văn Khê gọi ông là “Đệ nhất danh cầm”, biết sử dụng ở trình độ cao tất cả các nhạc khí chính của đờn ca tài tử, đặc biệt đặc sắc với đàn Tranh và đàn Kìm (đờn nguyệt) “có ngón đàn điêu luyện, gân guốc và sâu sắc”, đã từng hòa đờn cùng các danh cầm lớn nhất, biết rõ lai lịch của hầu hết nhạc sĩ, nhạc sư cả miền Nam. Còn nhà nghiên cứu âm nhạc, GS.TS Nguyễn Tuyết Phong thì gọi ông là “Người bảo vệ cuối cùng của truyền thống”.

Không những thế, nhạc sư Vĩnh Bảo còn là nhà sáng tạo nhạc khí tài năng; là tác giả đầu tiên của cây đàn tranh 17 dây (để về sau có thêm những cây đàn tranh 19, 21, 25 dây). “Đờn tranh Vĩnh Bảo” hoàn chỉnh, đặc sắc, nổi tiếng đến mức được nhà âm thanh học lừng danh Émile Leipp coi là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thanh học (accoutisme) và thậm chí được sánh với Violon Stradivarious huyền thoại của phương Tây.

Tiếng đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo trong đêm nhận giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh thấu tận tâm can biết bao người. Công việc giữ gìn văn hóa dân tộc, tinh thần tự hào dân tộc, giữ gìn âm nhạc Việt Nam phải là việc của nhiều người, trong đó có lớp trẻ thì như một khoảng trống vô hình, trong khi một “đệ nhất danh cầm” qua tuổi xưa nay hiếm vẫn còn trăn trở, đau đáu về công việc rất quan trọng này.

Chắc hẳn rằng, sau đêm đó, trong 500 người dự ấy sẽ có không ít người cảm thông với tâm sự của nhạc sư, cũng không ít người tự thấy xấu hổ cho cái tinh thần mặc cảm tự ti dân tộc quá lớn đã lấn át tất cả, trong đó có việc xem nhẹ âm nhạc Việt Nam.

Những tràng pháo tay dài và không ngớt dành cho nhạc sư Vĩnh Bảo vừa là lời tưởng thưởng cho một con người sống một đời thanh cao và tâm - trí luôn sáng người. Ông chính là chứng nhân lịch sử, là một người thầy của nhiều người thầy và là tấm gương cho giới trẻ học hỏi, noi theo.

(Theo PetroTimes)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem