Đồng bằng sông Cửu Long: Gian nan bảo tồn văn hóa Khmer

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 11/07/2014 08:57 AM (GMT+7)
Khó khăn trong dạy và học nghệ thuật dân tộc, thiếu điều kiện để sáng tác văn học, chùa được công nhận di tích lịch sử bị xuống cấp không có kinh phí trùng tu… là những gì đã và đang diễn ra trên địa bàn có đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bình luận 0

Lụi tàn theo năm tháng

Thông qua các nguồn hỗ trợ như từ Chương trình 134, 135, chính sách cho người nghèo vay ưu đãi, các dự án phát triển nông nghiệp, tổ hợp tác…, thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã tích cực triển khai thực hiện lồng ghép nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Theo đó, diện mạo vùng nông thôn – nơi có đông người Khmer sinh sống ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng đi lên. Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa từ bao đời nay của người dân Khmer đang gặp nhiều trở ngại.

Rô Băm là loại hình sân khấu độc đáo do chính đồng bào Khmer Nam Bộ sáng tạo nhưng đang bị mai một đến mức báo động, nhiều đoàn Rô Băm đã tan rã, các nghệ nhân am hiểu sâu hầu hết đã qua đời. Còn sân khấu Dù Kê phục vụ cho các buổi sinh hoạt cộng đồng tại chùa cũng đang dần mai một. Việc tổ chức giảng dạy chữ Khmer còn thiếu về hệ thống trường lớp, tài liệu, chứng chỉ, bậc học, giáo viên…

Ông Thạch Mu Ni - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho biết: “Ngoài 2 lĩnh vực trên, đồng bào Khmer ĐBSCL còn thiếu điều kiện để sáng tác, in ấn được các tác phẩm văn học, truyện, thơ, lý luận phê bình văn học… bằng tiếng Khmer. Bên cạnh đó, vấn đề bức xúc hiện nay là một số chùa Khmer trong vùng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, đang bị xuống cấp nhưng việc hỗ trợ để tôn tạo, trùng tu rất hạn chế”.

Cần chính sách hỗ trợ cụ thể

Hiện nay, vùng ĐBSCL có khoảng 271.300 hộ đồng bào Khmer. Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vốn có của đồng bào dân tộc Khmer, theo Ban Dân tộc các địa phương vùng ĐBSCL, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của chính cộng đồng người Khmer thì rất cần đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bởi các chính sách về lĩnh vực này cho đến nay vẫn còn chung chung dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.


img
Ông Thạch Mu Ni
   
Khi đồng bào dân tộc phát triển về lĩnh vực kinh tế, hòa nhập vào xu thế phát triển chung thì cần phải có chính sách cụ thể để làm sao giúp đồng bào giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình mà không bị hòa tan”.

 
Ông Thạch Mu Ni cho biết: “Nhà nước không cần phải đưa ra các chính sách và quy định riêng mà nên dựa vào các chính sách chung, điều kiện sẵn có. Tuy nhiên, các chính sách và quy định này cần có định hướng rõ ràng hơn, có cách thực hiện rõ ràng hơn, tạo ra kết quả rõ nét hơn”. Cụ thể, đối với việc dạy và học tiếng Khmer đã diễn ra trong vài năm qua nên chỉ cần áp dụng theo chương trình ngoại ngữ hiện hành để giảng dạy. Việc đào tạo đội ngũ sáng tác, biểu diễn nghệ thuật phải theo mã ngành tại các trường được giao nhiệm vụ đào tạo.

 

“Riêng đối với một số loại hình sân khấu, Nhà nước và các địa phương cần quan tâm đến việc công nhận văn hóa phi vật thể, đặc biệt là kịch múa Rô Băm, sân khấu Dù Kê. Để từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho 2 loại hình này phát triển về kỹ năng diễn xướng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đồng bào Khmer và đông đảo người dân vùng ĐBSCL”- ông Mu Ni nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem