Dòng chảy bất thường

Nguyễn Quang Thân Chủ nhật, ngày 30/08/2015 07:13 AM (GMT+7)
Có hai dòng chảy đang thịnh hành nhiều năm nay. Dòng thứ nhất là bệnh nhân nông thôn từ thôn xã, lên huyện, lên tỉnh và đích cuối cùng là bệnh viện tuyến cao nhất ở các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Dòng thứ hai là học sinh các tỉnh, không chỉ sinh viên đại học, cao đẳng đã đành mà cả học sinh mầm non, cấp một.
Bình luận 0

Lý do thật đơn giản và rất có lý, có bệnh thì phải đến bệnh viện giỏi, có tiếng, có phương tiện tối tân mà chữa. Học thì phải tìm trường tìm thầy xịn, có thương hiệu, có uy tín, có khả năng đào tạo học sinh giỏi.

Dù chính sách hộ khẩu lỗi thời vẫn còn hiệu lực, Bộ Y tế và Bộ GDĐT đã có chính sách hạn chế, nhưng vẫn không ngăn nổi hai dòng chảy tự nhiên về con người đó. Hậu quả là, các thành phố lớn phải è cổ ra mà lo trường lớp, lo bệnh viện cho hai đòng nhập cư với số lượng to lớn đó. Trước tình hình dự báo số học sinh tăng gần mười vạn em nhập cư mỗi năm, ông Chủ tịch UBND TP.HCM vẫn tuyên bố thành phố cam kết sẽ không để cho bất kỳ em học sinh nào không có chỗ học! Nhưng liệu có “lực bất tòng tâm”? 

Bệnh viện tuyến trên cũng căng thẳng không kém. Bộ Y tế đã có trăm phương ngàn kế, nhưng bệnh nhân tuyến dưới vẫn đùn lên không ngừng, trong khi giường bệnh và bác sĩ không thể tăng theo tốc độ phi mã. Và bệnh viện, y bác sĩ cũng không thể từ chối bệnh nhân khi họ đến gõ cửa mình.

Nguyên nhân khá rõ ràng ai cũng nhận thấy. Đó là niềm tin vào giáo dục và y tế nông thôn của nông dân rất thấp. Dù đã có một hệ thống phòng chữa bệnh từ xã đến huyện, nhưng rất nhiều người dân vẫn không tin là các vị y bác sĩ của hệ thống ấy đủ trình độ và y đức để chữa bệnh cho họ, dù chỉ là một cái nhọt hay cái đinh râu. Thậm chí cả bệnh viện các tỉnh cũng chung số phận, bị đặt lên bàn cân của lòng tin vốn bị tổn thương từ lâu bởi những sai sót, tiêu cực chết người. Sẽ là bất công nếu vơ đũa cả nắm, không phải bệnh xá, bệnh viện nông thôn, tỉnh lẻ đều tồi tệ, nhưng quả thật y tế nông thôn đã đánh mất lòng tin của dân từ lâu.

Ngành giáo dục cũng chẳng khá gì hơn. Mặc dù nhiều xã đã có hệ thống từ tiểu học đến trường THPT, các trường mầm non, mẫu giáo nơi nào cũng có, cũng sẵn. Nhưng kết quả thi cử nhãn tiền nhiều năm là một thẩm định giá trị cho chất lượng hệ thống giáo dục nông thôn hiện nay. Rất nhiều thủ khoa tốt nghiệp THPT hay giải thưởng Olympia hàng năm xuất thân từ con em nông dân không đủ để bào chữa cho chất lượng dạy và học nông thôn. Thế là có một cuộc dịch chuyển âm thầm nhưng mạnh mẽ không thể ngăn cản. Bố mẹ nghèo rớt mùng tơi, bỏ nhà, bỏ ruộng ra thành phố làm thuê, một công đôi việc, vừa kiếm tiền gấp nhiều lần ở làng, vừa có một chỗ học cho con ở thành phố lớn. Với nhiều nông dân nghèo, đó là con đường để đổi đời, chống lại số phận an bài trăm năm.

Cư dân các vùng đô thị sẽ tự điều chỉnh theo quy luật thị trường. Nhưng muốn ngăn hai dòng chảy thuộc lĩnh vực văn hóa ấy chỉ còn một cách duy nhất- phải làm sao để bệnh xá, bệnh viện cũng như trường học nông thôn có chất lượng không thua kém thành phố. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem