“Giai điệu Tự hào” hay nhưng chưa đủ

Mai An Thứ bảy, ngày 27/12/2014 11:59 AM (GMT+7)
Cả một chương trình toàn các hành khúc phơi phới, hào hùng nên kết cục lại thành thiếu điểm nhấn.
Bình luận 0

Tháng 12 là tháng có một dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước, đó là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, vì thế chương trình Giai điệu Tự hào đã dành riêng một số phát sóng cho chủ đề “Vì nhân dân quên mình”.

img

 

Tốp ca trình diễn ca khúc “Vì nhân dân quên mình”

 

Chọn thể loại hành khúc, chương trình giới thiệu 6 ca khúc đã quen thuộc với khán giả như “Chiến sĩ Việt Nam”,  “Đoàn Vệ quốc quân”, “Vì nhân dân quên mình”, “Mỗi bước ta đi”, “Tiến bước dưới quân kỳ” và liên khúc “Chào anh Giải phóng quân, Chào mùa xuân đại thắng” – “Người chiến sĩ ấy”.

Trong 6 phần trình diễn các tiết mục này, các ca sĩ Trọng Tấn- Đăng Dương- Việt Hoàn- Cao Minh đã đem đến cho khán giả một cảm xúc tươi mới với bài hát “Vì nhân dân quên mình” của nhạc sĩ Doãn Quang Khải.

Nhóm nhạc MTV cũng là một điểm sáng khác của chương trình với “Đoàn Vệ quốc quân”, ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã được dàn dựng trên sân khấu như một khúc tráng ca của đoàn quân hùng anh ra đi thề chết không về.

Thật đáng tiếc là ca khúc “Mỗi bước ta đi” của nhạc sĩ Thuận Yến qua thể hiện của tam ca nữ Bích Việt, Rơ Chăm Phieng, Thúy Mỵ lại khá đơn giản và không tạo được cảm xúc mạnh cho khán giả. Phần phối khí thiếu cao trào, giọng hát thiếu sức nặng của 3 nữ nghệ sĩ không gây được nhiều ấn tượng.  

Việc ê-kip thực hiện chương trình có chủ ý chọn để dàn dựng các ca khúc trong chương trình theo thể loại hành khúc để làm nổi bật tính chất oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam có lẽ không phải là một ý tưởng tồi. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tiếp nhận của khán giả thì vẫn có điều nên cân nhắc kỹ.

img

 

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy trong chương trình “Giai điệu Tự hào” tháng 12. Ảnh: Phương Thảo

 

 

Cả một chương trình toàn các hành khúc phơi phới, hào hùng nên kết cục lại thành thiếu điểm nhấn. Giai điệu Tự hào “Vì nhân dân quên mình” giống như một bộ phim chỉ toàn đại cảnh, chỉ thấy lớp lớp người mà không thấy rõ khuôn mặt của một người lính cụ thể nào.

Cũng may, phần cuối chương trình có ca khúc “Người chiến sĩ ấy”của Đức Tuấn  đã kéo lại điều này, tuy nhiên vẫn chưa đủ. Nếu là một bức chân dung về những người lính, thì có lẽ chỉ một ca khúc vẫn là chưa đủ. Giá như những ca khúc đi sâu vào cái tôi của người lính được lựa chọn nhiều hơn, ấn tượng của khán giả về chương trình sẽ trọn vẹn hơn.

Khán giả Trương Bình ở 562 đường Láng (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi cũng là một cựu quân nhân, được biết Giai điệu Tự hào có chương trình dành riêng cho người lính nên tôi rất háo hức đón xem.

Chương trình rất hào hùng thế nhưng tôi vẫn thấy tiếc vì những ca khúc nói về đời sống tình cảm của người chiến sĩ dành cho quê hương, hậu phương lại vắng mặt. Tôi rất muốn được nghe lại những bài như “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” hay “ Về thăm mẹ”, đó là những bài hát có thể khiến ai cũng xúc động chảy nước mắt”.

Phần bình luận của các khách mời trong chương trình Giai điệu Tự hào tháng 12 “Vì nhân dân quên mình” vẫn như mọi khi, cho thấy sự mâu thuẫn, cách biệt giữa hai thế hệ của hai hội đồng khách mời lớn tuổi và trẻ tuổi.

Hoa hậu Thu Thủy vừa bày tỏ quan điểm rằng ca khúc “Vì nhân dân quên mình” an toàn quá, chưa thỏa mãn được cô thì ngay lập tức đã bị đạo diễn Trần Vịnh phản pháo gay gắt khi ông nói rằng: “Ca khúc không thể uốn mình cho các chị. Các chị phải học lịch sử, phải nghiên cứu, để thấy cha ông, chiến đấu như thế nào!”.

Giai điệu Tự hào đã nỗ lực để khắc họa hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam bằng một chương trình âm nhạc hay, thế nhưng rõ ràng để có một bức chân dung đầy đủ, sinh động hơn thì những nét vẽ đó vẫn chưa thực sự đầy đủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem