Hãng phim kêu cứu: Hội Điện ảnh gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ

Huy Hoàng Thứ hai, ngày 18/09/2017 14:52 PM (GMT+7)
NSND Đạo diễn Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, ngày mai Hội sẽ có văn bản gửi tới Bộ VHTTDL; Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính phủ... đề nghị làm rõ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Bình luận 0

Mới đây, Chi hội điện ảnh của Hãng phim truyện VN làm đơn kêu cứu gửi tới Hội Điện ảnh VN về quá trình cổ phần hóa Hãng phim đã khiến các nghệ sĩ không có lương, đạo cụ kịch bản bị di chuyển. Sáng ngày 18.9, Ban chấp hành Hội điện ảnh VN cùng với đại diện Chi hội điện ảnh của Hãng phim truyện VN đã có cuộc họp về vấn đề này.

img

NSND, Đạo diễn Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam trả lời báo Dân  Việt sáng ngày 18.9. Ảnh Thành Hà

NSND, Đạo diễn Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh VN cho biết: “Trước hết, tôi cho rằng, việc chi hội điện ảnh Hãng phim truyện VN có lá đơn gửi tới Hội điện ảnh VN, nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động là một hành động đúng. Về Ban chấp hành, ngay khi nhận đơn vào ngày 12.9, ngày 13.9, tôi đã mang đơn của Chi hội điện ảnh Hãng phim truyện VN tới các đồng chí ở phía Nam, yêu cầu các đồng chí đọc và cho ý kiến. Ngày 18.9, Ban chấp hành Hội điện ảnh đã họp, thảo luận cùng với đại diện Chi hội Điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam.

Ban chấp hành Hội và Chi hội đã thảo luận và xem xét cặn kẽ toàn bộ sự việc những gì chủ đầu tư đã thực hiện trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện VN. Trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ soạn thảo xong văn bản. Ngày mai Hội sẽ gửi văn bản tới các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể Hội điện ảnh VN sẽ gửi tới Bộ VHTTDL; Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn phòng Chính phủ... đề nghị làm rõ quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam đã hợp lệ chưa, đã công bằng chưa. Đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động, văn nghệ sĩ. Bảo vệ thương hiệu điện ảnh đã có bề dày lịch sử, giá trị hơn 60 năm”, NSND Đặng Xuân Hải nói.

Trước đó, trong mấy ngày gần đây, đồng loạt rất nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng bức xúc quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện VN. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết ban đầu đưa ra với Bộ VHTTDL.

img

Các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam tụ họp chia sẻ bức xúc với báo chí ngày 15.9

Nhà biên kịch Hồng Ngát chia sẻ trên trang cá nhân với một sự xót xa khi Hãng phim truyện đi vào hoạt động cổ phần hóa được hai tháng nhưng nhà đầu tư đã tìm cách xé các phòng để có cớ cho thuê mặt bằng.

Vậy thì nhà nước có nên cứ để như thế này mãi ??? Cứ làm ngơ được mãi ??? Phải có cách nào chứ ??? Chưa cổ phần anh em còn bảo nhau tìm cách nọ, cách kia nuôi nhau . Nay cổ phần quyền thuộc về họ - mà họ lại không hiểu gì về sản xuất phim, tiềm lực kinh tế thì như vậy. Tình trạng số 4 Thuỵ Khuê ngày càng khó khăn, bế tắc là điều tất yếu xảy ra…Những người vì lẽ phải mà lo lắng cho số 4 Thụy Khuê (Hãng phim truyện Việt Nam) , thì cũng nên tỉnh táo nhìn rõ vấn đề. Trông chờ cam kết của họ là dành 20% vốn của Vivaso cho sản xuất phim chỉ có trên giấy thôi …”, nhà biên kịch viết.

Với họa sĩ Vũ Huy thì cho hay anh em nghệ sĩ ủng hộ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Nhưng quá trình cổ phần hóa với chủ đầu tư Tổng công ty vận tải thủy đã không đi đúng hướng, không thực hiện đúng cam kết. Vì vậy việc định giá giá trị đất đai và giá trị thương hiệu bằng 0.

Thực tế sau chưa đầy hai tháng cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam 4 Thuỵ Khuê dã hoàn toàn bị xoá sổ, phần lớn mặt bằng bị cho thuê làm các hiệu bún, chân gà nướng... Các nghệ sỹ không được trả lương và họ bị ban lãnh đạo công ty chính thức được yêu cầu tự tìm công việc khác ”, họa sĩ Vũ Huy viết.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã có những phân tích khá kỹ về quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: "Chúng tôi cũng đồng ý rằng theo nguyên tắc cổ phần hoá, ông chủ mới của doanh nghiệp cũng có rất nhiều quyền. Nhưng xin thưa ông không có một quyền mà ông đang xử dụng đó là quyền hủy hoại doanh nghiệp mà ông vừa chiếm dụng bằng con đường khuất tất. Cổ phần hóa để phát triển, chấn hưng doanh nghiệp điện ảnh lớn nhất nước, chứ không phải để xoá sổ nó. Tiền bạc của các ông không thể làm được điều đó đâu".

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: “Thương các anh chị tiền bối điện ảnh nước nhà phải viết kiến nghị nức nở như thế này. Mới đầu nghĩ, ừ thì cổ phần hoá sẽ có lợi, đơn vị kinh tế nào làm chủ Hãng phim thì họ sẽ tạo thêm sức mạnh cho điện ảnh, rồi sẽ có thêm sân rộng cho các nghệ sĩ thể hiện, thay vì phải làm phim kế hoạch cúng cụ, sẽ có nhiều tác phẩm điện ảnh xứng tầm.

Nhưng hỡi ôi, người ta coi đất vàng 4 Thuỵ Khuê mới là "tác phẩm", người ta quay lưng ngoảnh mặt với Hãng phim, đến như kịch bản, đạo cụ, thiết bị, phòng làm việc cũng đã bị "đuổi" thẳng tay, mặt tiền lập tức lên phương án cho thuê, bún cháo bia hơi rồi sẽ nghênh ngang ngồi xổm trên nghệ thuật, ngồi xổm trên cam kết, ngồi xổm banh càng trên những khuôn dấu đỏ và chữ ký chưa ráo mực.

Chưa đâu, sẽ không lâu nữa, hãng phim sẽ bị thay vào siêu thị, cao ốc để những ông chủ mới nhem nhẻm đếm tiền. Chưa đâu, rồi đội ngũ những nghệ sĩ điện ảnh tài danh bị thay thế bằng lực lượng lanh chanh làm bảo vệ, tiếp viên... Nhà nước rồi sẽ mất trắng một hãng phim, mất trắng một đội ngũ làm nghề. Dù biết việc xảy ra từ nhiệm kỳ Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhưng chắc chắc bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không thể buông tay, vì nếu buông tay là ông buông trách nhiệm.

Tôi tin bộ trưởng Thiện sẽ phải có những hành động mạnh mẽ với chính phủ: Kiểm tra lại tính minh bạch cổ phần hoá này, đánh giá đúng giá trị tài sản và giá trị thương hiệu, khi phát hiện sai sót phải tổ chức lại việc cổ phần hoá, và cổ phần hoá gì thì Bộ VHTTDL phải nắm chủ sở hữu. 

Một phương án tối ưu nhất lúc này là cổ phần lại, nhà nước và chính hãng phim, tổ chức lại nhân sự và phương thức sản xuất phim, thay vì luôn bao cấp thì mở ra hướng làm phim mới, nhà nước cùng hãng phim đồng hành, phim nào đặt hàng, phim nào tự chủ tài chính, rành mạch và thông thoáng về cơ chế. Một hãng phim chứ không phải cơ sở gạch ngói mà ai cũng có thể vào làm ông chủ, ngoài tiền còn là nghề, là tài năng, tâm huyết và hiểu biết. Cổ phần là để làm phim chứ không phải cơ hội cho ai đó chia phần lấy cổ, thưa các vị. Hãy học cách cổ phần của Hãng phim Giải phóng, ổn định, tăng trưởng vì vẫn làm phim và doanh thu dịch vụ gia tăng nhờ phim".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem