“Hồi ức Lính” - Bởi chiến tranh không phải trò đùa

Khánh Thư Thứ tư, ngày 27/04/2016 16:01 PM (GMT+7)
Sáu năm trong cuộc đời quân ngũ, chỉ là một lát cắt trong cuộc sống của tác giả “Hồi ức Lính”, nhưng đó là phần đời dữ dội, có sức ám ảnh rất lớn. Đó là “món nợ” tinh thần của anh đối với đồng đội. Nó buộc anh phải ghi lại và chia sẻ.
Bình luận 0

“Hồi ức Lính” – một cuốn sách dày 714 trang với đề tài chiến tranh vốn bị cho là khô khan, lại của một cây viết “tay ngang”, tưởng như khó khiến bạn đọc sẵn sàng bỏ ra gần 200.000 đồng để mua về. Nhưng bất ngờ cho cả tác giả - người lính Vũ Công Chiến lẫn NXB Trẻ - đơn vị đỡ đầu cho cuốn sách này ra đời, khi cuốn sách này đã lập tức “cháy hàng” ngay lần đầu ra mắt tại Hội sách Ngày sách Việt Nam diễn ra tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) hồi tuần trước.

img

200 cuốn sách về trước đã bán hết ngay chỉ trong hai ngày hội sách. Điều đặc biệt là rất nhiều độc giả trẻ tìm mua cuốn sách với đề tài tưởng chừng chỉ có những bậc cha chú của họ - những người từng sống qua chiến tranh mới quan tâm.  Một cuốn sách dày vì biên tập viên "cắt chỗ nào cũng thấy tiếc", được chính một người lính trong cuộc viết ra với lượng thông tin dồi dào, trải nghiệm chân thực và cảm xúc không tô vẽ có lẽ đã thoả mãn nhiều thế hệ bạn đọc: cho người đã đi qua chiến tranh hồi tưởng những tháng ngày khốc liệt và cho người trẻ hôm nay hiểu thêm về thử thách chiến tranh.

img

Tác giả Vũ Công Chiến (trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn bè, đồng đội tại Hội sách Ngày sách Việt Nam

Và còn điều gì đã khiến cho những ghi chép của một người lính năm nào thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc cũng như cộng đồng Facebook đến thế?

Để phần nào giải đáp cho câu hỏi trên đây, Báo điện tử Dân Việt xin trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết dưới đây của PGS. TS. Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) về cuốn sách “Hồi ức Lính”.

Nhân dịp cuốn sách “Hồi ức Lính” ra mắt bạn đọc, NXB Trẻ tổ chức giao lưu cùng tác giả Vũ Công Chiến vào hồi 15h ngày 29.4.2016 tại Laca café, tầng 2, 24 Lý Quốc Sư (Hà Nội) với người dẫn chương trình là Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và khách mời là PGS. TS. Lưu Khánh Thơ.

******************

BỞI CHIẾN TRANH KHÔNG PHẢI TRÒ ĐÙA

Lưu Khánh Thơ

Tôi đã đọc “Hồi ức Lính” từ khi mới chỉ là những mẩu nhỏ ghi chép về cuộc sống ở chiến trường thời chống Mỹ, được đăng tải trên Facebook một người đồng đội của anh trai tôi. Ngay lập tức, những suy nghĩ mộc mạc nhưng không kém phần sâu sắc và những kỷ niệm của một thời trận mạc máu lửa được kể lại bằng một giọng chân thành, sôi nổi, pha trộn vẻ tinh nghịch của một chàng thanh niên Hà Nội với sự điềm tĩnh của một người đàn ông từng trải, đã cuốn hút tôi. 

Tác giả của “Hồi ức Lính” không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Anh viết tác phẩm của mình với suy nghĩ đơn giản: “Nếu những người trong cuộc không viết ra thì làm sao để mọi người biết, trong chiến tranh, chúng tôi đã sống và chiến đấu thực sự như thế nào. Bởi vậy với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi viết lại “Hồi ức Lính” này, để kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó…” Không có gì khiến người ta tin và xúc động bằng suy nghĩ trách nhiệm, giầu tính nhân văn như thế.

Có thể với kho tư liệu đầy ắp vốn sống thực tế này khi “vào tay”một nhà văn có nghề nó sẽ trở thành bộ tiểu thuyết đồ sộ hấp dẫn người đọc với rất nhiều những thủ pháp nghệ thuật này khác. Nhưng ở đây, với những câu chuyện và chi tiết tươi ròng sự sống, được nhìn với cự ly sát gần của người trong cuộc, nó lại có sức lôi cuốn riêng. Nó chinh phục chúng ta bằng sức mạnh của sự chân thực, bằng những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với cả một thế hệ thanh niên mà bước chân đầu tiên của họ khi vào đời là cuộc sống quân ngũ. Họ đã trở thành người lính trước khi đủ tuổi công dân. Họ bước vào cuộc chiến như một sự lựa chọn không thể khác trước hiện tình nước sôi lửa bỏng của đất nước. Những người lính các anh đã hăm hở đi vào chiến trường, không tính toán băn khoăn. Có chăng chỉ là nỗi nhớ Hà Nội và những kỷ niệm của tuổi học trò. Nỗi buồn đau lớn nhất khi lên đường vào mặt trận là những giọt nước mắt của Mẹ ngày chia ly. Người lính trẻ chỉ day dứt với suy nghĩ anh “ra đi đã mang theo cả cuộc đời của Mẹ”…

Và chiến tranh không phải trò đùa. Cuộc chiến thật sự bắt đầu. Đâu phải chỉ bom rơi đạn nổ. Rồi trận đánh đầu tiên, những hy sinh mất mát đầu tiên. Đói rét, bệnh tật. Sự thức tỉnh cay đắng khi nhận ra giới hạn trong bản thân mình và những người chung quanh. Họ có thể là đồng đội, là cấp trên và có khi trong cả người lính ở chiến tuyến bên kia. Những hoang mang, thất vọng. Những âm mưu, toan tính. Hiện thực sát gần cụ thể và thế giới tâm linh vô thức. Những cuộc tình đẹp và buồn hơn nước mắt, mong manh trước sự tàn khốc của chiến tranh. Những cung bậc ấy đã hòa trộn, đan cài trong cái bề bộn ngổn ngang qua từng trang viết.

Trong quầng sáng của chiến tranh, dường như mọi giá trị thật giả đều phơi bầy một cách trần trụi nhất. Dũng cảm và đớn hèn. Yêu thương và thù hận. Tin tưởng và thất vọng. Dục vọng bản năng và lý trí. Tất cả những trạng thái tâm lý rất thật của người lính đã được phơi trải đến tận cùng, không né tránh. Không khí chiến trận đã được miêu tả qua hàng loạt những quan sát, ghi nhận của một người lính trung thực, đầy ấn tượng.

Anh tái hiện bộ mặt của chiến tranh không chỉ bằng khả năng ghi nhớ mà bằng sự cảm nhận của tất cả các giác quan, và điều quan trọng hơn là bằng sự từng trải của người lính. Những trang viết ở đây được đảm bảo bằng máu. Máu của anh và của đồng đội. Những người lính trở về chìm khuất trong xô bồ náo nhiệt của cuộc sống đời thường. Và thiêng liêng hơn là những người lính đã nằm lại trong những cánh rừng Tây Nguyên hoặc trên đất nước bạn Lào xa xôi.

Chiến tranh là một sự bất bình thường của lịch sử, bởi vậy con người ở trong đó cũng không thể sống cuộc sống bình thường. Bước vào một cuộc chiến tranh đã khó, bước ra khỏi nó còn khó hơn bội phần. Người lính Vũ Công Chiến thật may mắn. Anh đã đi vào cuộc chiến với tâm thế nhẹ nhàng của một cậu học sinh vừa rời mái trường phổ thông và đi ra khỏi nó toàn vẹn với một “linh hồn lành lặn” đúng như ước nguyện của người mẹ, và có thể còn sâu xa hơn như mong đợi của một người con gái: “Anh phải trở về để…lấy em”.

Với một độ lùi thời gian hơn 40 năm, những suy tư, chiêm nghiệm của người trong cuộc đã có sự đằm sâu hơn. Sáu năm trong cuộc đời quân ngũ, chỉ là một lát cắt trong cuộc sống của tác giả “Hồi ức Lính”, nhưng đó là phần đời dữ dội, có sức ám ảnh rất lớn. Đó là “món nợ” tinh thần của anh đối với đồng đội. Nó buộc anh phải ghi lại và chia sẻ. Để những người lính thế hệ anh nhớ lại và tự hào về những năm tháng mình đã sống, đã hy sinh, chiến đấu vì đất nước. Để thế hệ sau có được một hình dung đầy đủ hơn chiến tích của một thời và cái giá của những ngày đang sống hôm nay. Phải chăng như thế, Vũ Công Chiến đã phần nào âm thầm thực hiện sứ mệnh của một nhà văn!

>> XEM THÊM: Người lính “tay ngang” viết hồi ức xôn xao giới văn chương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem