Người lính “tay ngang” viết hồi ức xôn xao giới văn chương

Khánh Thư Thứ bảy, ngày 30/04/2016 19:11 PM (GMT+7)
Cái tên Vũ Công Chiến bỗng trở thành một hiện tượng xuất bản khi cuốn “Hồi ức Lính” của ông đã nhận được sự chào đón nhiệt tình của đông đảo bạn đọc và sự trân quý, ghi nhận của chính giới văn chương dành cho một cây viết chưa hề có tên tuổi.
Bình luận 0

Tác giả Vũ Công Chiến (sinh năm 1953) vốn là một kỹ sư điện tử của Đại học Bách Khoa Hà Nội, một cán bộ Viện Khoa học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công Thương. Ông nhập ngũ vào năm 1971, là bộ đội Trường Sơn, chiến trường Nam Lào, mặt trận B3 Tây Nguyên, Đắk Lắk. 6 năm trong cuộc đời quân ngũ, chỉ là một lát cắt trong cuộc sống của Vũ Công Chiến nhưng đó là phần đời dữ dội, có sức ám ảnh rất lớn. Từ cuối năm 2013, ông bắt đầu chia sẻ về cuộc sống ở chiến trường trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ trên trang Facebook cá nhân bằng con mắt nhìn của một người lính bình thường kể lại những điều đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó.

“Lúc bấy giờ tôi không nghĩ là mình viết thành sách đâu, mà chỉ nghĩ là phải viết cho hẳn hoi để những người đọc thấy được ngày đó chúng tôi đi lính là đi đánh nhau thật, chứ không phải cứ thấy sống trở về mà nghĩ rằng “ông đi ông chẳng làm gì”. Thế là tôi cứ viết” – tác giả Vũ Công Chiến chia sẻ rất thật tại cuộc giao lưu “Ngàn ngày sống trong thử thách chiến tranh” do NXB Trẻ tổ chức chiều 29.4 tại Hà Nội nhân dịp giới thiệu cuốn “Hồi ức Lính” mới ra mắt.

img

Từ trái qua: PGS.TS Lưu Khánh Thơ, tác giả Vũ Công Chiến và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên giao lưu cùng bạn đọc "Hồi ức Lính" chiều 29.4. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Thật bất ngờ khi những mẩu ghi chép của Vũ Công Chiến ngay từ lúc vừa xuất hiện đã được bạn đọc khắp mọi miền đất nước và bạn đọc ở nước ngoài yêu thích ủng hộ, trong đó có không ít những bạn trẻ chưa từng trải qua chiến tranh. Chính sự khích lệ từ bạn đọc, sự động viên từ đồng đội là động lực để một người lính vốn “tay ngang” trong lĩnh vực viết lách có thể hoàn thành đến những trang viết cuối cùng.

Và một cái duyên, cũng là sự may mắn cho tác giả và bạn đọc khi những ghi chép đó tình cờ lọt vào mắt của một người có nghề. PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) lại chính là em gái của một người bạn chiến đấu của Vũ Công Chiến đã được anh trai và chị dâu mình nhiệt tình “tiếp thị” về những ghi chép này, để rồi bà lại giới thiệu chúng với một “bà đỡ giàu kinh nghiệm” là NXB Trẻ. Trong bối cảnh thực tế hiện nay những cuốn sách to dầy thường kén bạn đọc và khó bán, biên tập viên Hoàng Anh của nhà xuất bản vẫn đưa ra một quyết định khá táo bạo khi để in cả một cuốn sách dày hơn 700 trang khổ lớn với cỡ chữ nhỏ, chỉ với lý do rất đơn giản: “Vì cắt chỗ nào cũng thấy tiếc!”.

“Nghề của chúng tôi là nghiên cứu văn học nên chúng tôi rất nhạy với giá trị tự thân của một tác phẩm nào đó. Khi tôi đọc trên Facebook ghi chép của anh Chiến, ngay lập tức đã có gì đấy rất cuốn hút và tôi nghĩ ngay trong đầu: Tác phẩm này phải đến được với bạn đọc, nhất là những người trẻ”, PGS.TS Lưu Khánh Thơ chia sẻ.

Coi “Hồi ức Lính” là món quà 30.4 quý giá nhất nhận được năm nay, nhà văn Bảo Ninh – tác giả tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” được coi như một tượng đài viết về chiến tranh đã không biết bình luận thế nào về tác phẩm này cho thật thỏa lòng mình hay chọn những từ ngữ nào để nói về một tác phẩm văn học đích thực văn chương và đích thực là viết về chiến tranh và người lính bộ binh hay như cuốn này. Ông đưa ra lời khuyên cho những người sáng tác trước khi bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết hoặc làm một bộ phim về cuộc kháng chiến và về anh bộ đội thì điều phải làm trước tiên là đọc kỹ “Hồi ức lính”.

Cuộc giao lưu với tác giả “Hồi ức Lính” không chỉ có sự tham gia đông đảo của những bạn đọc yêu mến “Hồi ức lính” và những người đồng đội của tác giả Vũ Công Chiến mà có sự góp mặt của cả những nhà văn đã đi qua chiến tranh và từng viết về chiến tranh. Dù đã kịp đọc hết cuốn sách hay kể cả người mới chỉ có cơ hội đọc vài chương hoặc vài trang, họ cũng đều dành cho “Hồi ức lính” những lời trân quý.

Tác giả truyện ngắn “Họ đã trở thành đàn ông” – nhà văn Phạm Ngọc Tiến bày tỏ: “Nhà văn chuyên nghiệp chúng tôi được một bài học từ cuốn sách này, đó là sự chân thành. Như người lính thì mãi mãi là người lính, không bao giờ thay đổi.  Giới làm văn học phải học cuốn sách này. Tôi xin bày tỏ tâm tư, đồng cảm giữa những trang sách từ đáy lòng mình”.

Nhà văn Ngô Thảo – tác giả của “Thư chiến trường” xúc động nói: “Tôi coi anh Chiến như người hiện ra trong giấc mơ của một người lính. Anh đã ra trận và có thể kể được về cuộc đời người lính để mọi người biết chúng tôi đã sống trong sáng thế nào, lý tưởng thế nào, giá trị đạo đức mà chúng tôi đã được giáo dục trong thế hệ của mình. Cùng với đó là những điều nghịch ngợm, quậy phá của lính tráng có rất nhiều và là những kỷ niệm thú vị đáng yêu. Cuốn sách là tư liệu sống động của cuộc chiến tranh, rất có công không chỉ với cuộc kháng chiến mà cả với nền văn học nước nhà”.

img

Tác giả Vũ Công Chiến hạnh phúc trong sự ủng hộ của đông đảo đồng đội và bạn đọc yêu mến "Hồi ức Lính". Ảnh: Cử Tạ

Những câu chuyện và chi tiết tươi ròng sự sống và đặc biệt là yếu tố chân thực đã được “kiểm định” bằng chính những người đồng đội đã từng sát cánh cùng Vũ Công Chiến để đi qua cuộc chiến tranh. Ông Lưu Quang Điền – anh trai PGS.TS Lưu Khánh Thơ kể lại: “Khi anh Chiến đăng bài lên Facebook, các đồng đội chúng tôi đã động viên rất nhiều rằng “thôi ông thay mặt chúng tôi để ghi lại chuyện chiến trường ngày đó, chỉ có một yêu cầu là đừng có bịa, bốc phét”. Vì chúng tôi xem nhiều phim nói về người lính thấy không đúng, không giống. Rất may là anh Chiến viết rất chân thực. Đây không phải hồi ức riêng của anh Chiến mà là hồi ức của chúng tôi”.

So sánh “Hồi ức Lính” với cuốn “Quân khu Nam Đồng” đình đám khi ra mắt hồi năm ngoái, nhà báo Hữu Việt đã chỉ ra điểm chung của hai cuốn sách này, đó là đều của những người chưa viết lách bao giờ, nhưng tác phẩm của họ lại rất hấp dẫn và hút bạn đọc bởi những câu chuyện hết sức chân thực, phi hư cấu. Anh cũng nhắn nhủ tới bạn đọc rằng đừng ngại đọc sách dầy, bởi sách dầy hay mỏng là do nội dung của nó thế nào mà thôi. “Các bạn hãy đọc “Hồi ức Lính” để tìm thấy niềm tin ở những người lính – một thế hệ đã làm nên những hình ảnh đẹp nhất, đáng tự hào của đất nước Việt Nam”.

Biên tập viên Lê Hoàng Anh (NXB Trẻ) chia sẻ: “Ngoài nội dung hấp dẫn một cách từ tốn, khiến đã đọc là khó dứt vì nhiều chi tiết đắt giá có lẽ không ai có thể tưởng tượng được trừ cuộc sống, làm nên hình dung về đời lính rõ như một cuốn phim, thì nội dung từ hàng ngàn comments (bình luận) đi theo các bài đăng trên Facebook của anh Chiến - trong đó phải kể đến comments của rất nhiều bạn trẻ - cũng là lý do khiến NXB Trẻ mạnh dạn quyết định in cuốn sách dù số chữ từ bản thảo gốc rất nhiều - hơn 375.000 chữ, thực tế đã thành 715 trang sách khổ lớn 16x 24cm. Điểm đặc biệt nữa của cuốn sách là đã in tràn 5 trang comments được trích từ hàng ngàn bình luận của bạn đọc với cỡ chữ rất nhỏ, làm thành  một phụ lục độc đáo cho cuốn sách của tác giả - người lính Vũ Công Chiến”. 

img

Ảnh chân dung hồi trẻ và những kỷ vật chiến trường của tác giả "Hồi ức Lính" đặt ở một góc trang trọng tại cuộc giao lưu. Ảnh: Cử Tạ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem