Huế phá bỏ biệt thự tuyệt mĩ kiến trúc Pháp hơn 100 năm tuổi

An Sơn Thứ hai, ngày 03/04/2017 18:25 PM (GMT+7)
Mặc dù các nhà chuyên môn, nhà văn hóa đề nghị tôn tạo để giữ lại nhưng ngôi biệt thự kiến trúc Pháp tuyệt mĩ hơn 100 năm tuổi ở TP. Huế (Thừa Thiên- Huế) vẫn bị phá bỏ.
Bình luận 0

Bỏ qua ý kiến nhà chuyên môn

Những ngày gần đây, ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp có tuổi đời hơn 100 năm tại khu đất số 5 Lý Thường Kiệt, TP.Huế bị phá bỏ khiến nhiều chuyên gia văn hóa, kiến trúc tại Huế bức xúc. Ngôi biệt thự này thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt (Công ty Thành Đạt) và việc phá bỏ là nhằm để mở rộng khách sạn Heritage của doanh nghiệp này. Hoạt động phá bỏ ngôi biệt thự được thực hiện trên cơ sở sự đồng ý, hướng dẫn của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, UBND TP.Huế và Sở Xây dựng tỉnh.

Vào năm 2016, sau khi Công ty Thành Đạt có văn bản xin UBND TP.Huế cho phép phá dỡ ngôi biệt thự này với lý do công trình xuống cấp, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên- Huế đã họp bàn với Sở Văn hóa- Thông tin, UBND TP.Huế, Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh để đánh giá về công trình. Tại cuộc họp, đa số ý kiến cho rằng các đường nét kiến trúc, hoa văn, họa tiết… của ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp tại Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. Công trình được được cho là có giá trị lịch sử, phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực. Trên cơ sở đó, đa số các ý kiến đề nghị giữ lại ngôi biệt thự mặc dù không nằm trong danh mục các di tích lịch sử văn hóa được công nhận.

img

Biệt thự kiến trúc Pháp hơn 100 năm tuổi đang bị phá bỏ. Ảnh: An Sơn.

Ông Lê Phùng- Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Khi được mời họp để lấy ý kiến, ông và những nhà văn hóa, nhà chuyên môn khác không ai đồng tình phá bỏ ngôi biệt thự này. Lúc đó, các ý kiến đều cho rằng nên tôn tạo công trình để giữ lại vẻ đẹp cho Huế. “Đó là một công trình kiến trúc tuyệt mĩ. Mặc dù nó xuống cấp nhưng chưa đến mức đổ sập, nên vẫn có thể đầu tư tôn tạo để giữ lại”- ông Phùng đánh giá.

Làm phai mờ dấu tích lịch sử

Theo ông Phùng, ngôi biệt thự này là công trình tiêu biểu trong chuỗi tiến trình phát triển kiến trúc của Huế, từ kiến trúc cung đình đến kiến trúc Pháp cho đến đương đại. Việc chính quyền không lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà văn hóa khi cho phá bỏ công trình này là vô cùng đáng tiếc, bởi nó khiến các biệt thự Pháp tại Huế ngày một thưa dần, diện mạo Huế vì thế ngày càng thay đổi.

Chung quan điểm với ông Phùng, TS.KTS Trần Đình Hiếu- Trưởng Khoa Kiến trúc Đại học Khoa học (Đại học Huế) cho biết, ngôi biệt thự trên là một kiệt tác thời kỳ Pháp thuộc, đặc trưng cho nền văn hóa, chính trị hay kiến trúc thời đó. "Ngôi biệt thự như vậy mà đập bỏ đồng nghĩa với việc dấu ấn lịch sử bị phai mờ, nét đặc trưng thời kỳ đó mà công trình ghi giữ nay không còn nữa”- ông Hiếu tiếc nuối.

img

Việc phá bỏ ngôi biệt thự có giá trị lịch sử này khiến nhiều nhà văn hóa, nhà chuyên môn ở Huế bức xúc. Ảnh: An Sơn.

Ông Nguyễn Việt Tiến- Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên- Huế, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh- đánh giá: Việc cơ quan chức năng của tỉnh chậm triển khai kiểm kê, đánh giá quỹ kiến trúc Pháp tại Huế để bảo tồn và phát huy giá trị là nguyên nhân khiến các ngôi biệt thự cổ theo dạng kiến trúc này mất dần. “Nếu tỉnh không sớm kiểm kê, đưa ra chính sách bảo tồn thì việc đập bỏ những ngôi biệt thự Pháp như trường hợp ngôi biệt thự ở khu đất số 5 Lý Thường Kiệt sẽ còn tiếp tục xảy ra”- ông Tiến nói.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Vĩnh, hiện ở Huế có khoảng 200 nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp và đều đang trong tình trạng xuống cấp. Đây là những công trình cấu thành một bộ phận không thể tách rời đối với di sản kiến trúc Huế nên cần được tôn tạo, bảo tồn để giữ lại vẻ đẹp cho Huế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem