Nguy cơ méo mó vốn cổ di sản: Khẩn cấp tiếp sức cho nghệ nhân

Mỵ Lương (thực hiện) Thứ bảy, ngày 12/09/2015 08:10 AM (GMT+7)
Làm thế nào để bảo tồn, phát huy mà vẫn đảm bảo được tính nguyên bản giá trị những di sản phi vật thể ? NTNN trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh (ảnh)- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam.
Bình luận 0

Thưa GS, có một điều nhận thấy khá rõ là dù có nhiều di sản phi vật thể trong những năm gần đây được vinh danh song thực tế là cũng không ít giá trị quý báu vô hình đang bị mai một, sai lệch. GS đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Phải nói rằng mấy năm nay Việt Nam có những biện pháp tích cực trong công tác bảo tồn, gìn giữ di sản phi vật thể. Điều này thể hiện ở việc quan tâm về con người, đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn, khuyến khích tạo điều kiện thực hành những hoạt động di sản.

img

Các nghệ nhân quan họ Bắc Ninh cao tuổi đang truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ảnh: T.L

Trong 4 năm liên tiếp, nhiều vốn quý của ta được vinh danh là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận. Có thể kể đến như: Năm 2010 là Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng; năm 2011 Hát xoan; năm 2012 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; năm 2013 có Đờn ca tài tử Nam Bộ; năm 2014 là Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh... Và chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những giá trị được tôn vinh. Đó là những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát huy truyền giữ di sản. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những giá trị của một số loại di sản như truyền khẩu, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn và tập quán xã hội trong dân gian đang khẩn cấp cần được bảo vệ. Làm hồ sơ để trình UNESCO để quảng bá với thế giới về kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại là việc nên làm để các loại hình văn hóa phi vật thể này không bị mai một, thất truyền.

Có ý kiến cho rằng nhiều di sản phi vật thể hiện nay thay đổi để phù hợp hơn với sự phát triển của thời đại, những biến đổi này sẽ làm mất đi tính nguyên bản trong giá trị của di sản. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này như thế nào?


 img

"Nếu bây giờ không có những động thái khẩn cấp, tích cực, đặc biệt là với những di sản độc bản đang được một số nghệ nhân nắm giữ thì chỉ trong vòng 1 thập niên tới, chúng ta sẽ chẳng còn gì nữa mà bảo vệ”. 
GS Ngô Thịnh Đức

- Cũng như nghiên cứu, việc bảo tồn, phát huy luôn đặt nhiệm vụ giữ gìn đúng bản chất giá trị lên hàng đầu. Ở góc độ khác, tính chất xã hội luôn tồn tại những quy luật vận động phát triển. Sự thay đổi mang tính tất yếu do cộng đồng để xã hội phát triển lên.

Trong di sản văn hóa phi vật thể, những biến đổi còn thể hiện sự sống của di sản đó. Chính biến đổi mới tạo ra phát triển được để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Vậy ta nên bảo vệ di sản phi vật thể như thế nào?

-Cái gì cũng có những thay đổi nhất định nhưng con người phải giữ được cái gốc và phải tìm ra những biện pháp phù hợp. Điều này không phải là ai cũng biết và có thể thực hiện. Thay đổi đồng thời vẫn phải giữ được nét đẹp riêng, nội dung cơ bản, tính truyền thống vốn có từ bao đời trong các di sản văn hóa phi vật thể thì mới có giá trị. Thử hình dung, bây giờ rước kiệu làng mà dùng ôtô để rước thì còn gì là lễ hội dân gian nữa? Hội làng mà có hát nhạc rock, múa ballet... cũng chẳng còn gì ý nghĩa!

Vậy cần phải làm gì để những di sản văn hóa phi vật thể nhận được sự quan tâm tích cực trong việc bảo tồn đồng thời không bị biến tướng?

-Như tôi đã nói, bảo vệ di sản phi vật thể cần chú trọng bảo vệ nghệ nhân - những người trực tiếp gìn giữ di sản. Nhiều năm chúng ta cứ nói mãi về việc phong danh hiệu nghệ nhân. Đó là việc làm để bảo vệ con người bởi hiện nay, nhiều nghệ nhân đã già, rất già, một sự ghi nhận đến sớm cũng là liều thuốc quý, cần kíp để an ủi động viên. Cũng có thực tế nhiều người chưa kịp có một danh hiệu gì thì đã ra đi mãi mãi... Họ sẽ mang theo luôn cả tài sản quý báu, những giá trị di sản phi vật thể nếu như nó không trao truyền cho thế hệ kế cận.

Trong khi đó, để duy trì, phát triển di sản văn hóa phi vật thể một phần không nhỏ do những người làm công tác văn hóa, quản lý di sản. Người nào tâm huyết mà đặt vai trò giữ gìn lên trên thì họ sẽ có cách bảo tồn di sản rất tốt phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng địa phương. Điều này cũng đòi hỏi cộng đồng phải có nhận thức đầy đủ mới nhận diện được vốn quý. Hiện nay có quá nhiều di sản đang trong danh sách cần được “cấp cứu” trước khi quá muộn.

Văn hóa phi vật thể là những giá trị tiềm ẩn trong con người, trong môi trường diễn xướng. Phi vật thể liên quan đến con người, bảo vệ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người, mà đời sống con người thì hữu hạn. Vì vậy nếu bây giờ không có những động thái khẩn cấp, tích cực, đặc biệt là với những di sản độc bản đang được một số nghệ nhân nắm giữ thì chỉ trong 1 thập niên tới, chúng ta sẽ chẳng còn gì nữa mà bảo vệ.

Xin cảm ơn GS!

Ông Nguyễn Hoài Nam - hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Làm kiểu chống chế thì vô tác dụng

Xã hội không còn mặn mà với nhu cầu diễn xướng cũng là nguyên nhân khiến không ít di sản phi vật thể đã và đang rơi vào tình trạng chìm lắng. Trong khi đó tài liệu về những di sản này không nhiều, lớp nghệ nhân gìn giữ di sản ngày càng vắng bóng. Hoặc những người còn nắm giữ thì tuổi đã cao và không phải lúc nào họ cũng nhớ được chính xác. Để tìm được người tâm huyết có khả năng gìn giữ vốn cổ là cả một quá trình. Việc kiểm tra rà soát di sản phi vật thể đương nhiên phải làm nhưng vấn đề là kiểm tra thế nào? Và rà soát ra làm sao cho có hiệu quả? Còn làm theo kiểu chống chế cho có hoặc chỉ ghi tên nó vào danh sách mà không có những biện pháp bảo tồn thì vô tác dụng.

Bà Bùi Thị Phấn - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hoá,  Sở VHTTDL Hưng Yên: Đi kiểm kê nhưng không biết gì về nhạc

Những người làm công tác kiểm kê, quản lý di sản có vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia vào quá trình gìn giữ di sản. Vì vậy, họ cần phải có trình độ chuyên môn nhất định. Tại Sở chúng tôi, biên chế 50 người mà không có một nhạc sĩ nào. Nhà văn hóa tỉnh có 2 nhạc sĩ được đào tạo ở nhạc viện, còn các bộ phận khác hầu như không. Ði kiểm kê mà không biết gì về nhạc thì làm sao kiểm kê được. Người dân hát điệu “Lý chiều chiều”, người đi kiểm kê lại bảo là "ca trù"; các bác hát “Cô ba cô bảy”, cán bộ lại bảo là hát Dâng hương cửa đình…

Bà Nguyễn Thị Luyên - Phó trưởng Phòng Di sản, Sở VHTTDL Bắc Ninh: Hỗ trợ về vật chất rất quan trọng

Đối với chế độ đãi ngộ nghệ nhân, Bắc Ninh thực hiện quy chế gần như đi đầu trong cả nước. Theo đó, những người được công nhận nghệ nhân sẽ được tặng bằng công nhận, kèm theo tiền thưởng một lần trị giá 5.000.000 đồng và hưởng chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ (trợ cấp) với mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm, được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước. Chúng tôi thấy chế độ về vật chất rất quan trọng, bởi dù ít dù nhiều, nó cũng là sự ghi nhận, động viên tinh thần xứng đáng với các nghệ nhân. 

Bùi Mỵ (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem