Nhà báo "khoa học" Hàm Châu qua đời ở tuổi 83

Thứ ba, ngày 02/08/2016 11:56 AM (GMT+7)
Nhà báo, nhà văn Hàm Châu - cây bút nổi tiếng viết về chân dung các nhà khoa học Việt Nam vừa qua đời ở tuổi 83 tại Hà Nội sau một cơn đột quỵ. Sự ra đi của ông đã khiến khá nhiều nhà khoa học Việt Nam bất ngờ bởi ông vẫn đang rất hăng say với nghề báo.
Bình luận 0

Nhà báo - nhà văn Hàm Châu, tên thật là Nguyễn Hàm Châu. Ông sinh ra và lớn lên trong một dòng họ trí thức Nho gia ở vùng đất khoa bảng Nam Đàn, Nghệ An. Ông nội ông đỗ Phó bảng năm 1894; cha ông đỗ tú tài Nho học trong khoa thi chữ Hán cuối cùng khi mới 19 tuổi. Mẹ ông là vợ thứ, xuất thân từ một gia tộc danh tiếng ở Cố đô Huế. Sinh ra từ một gia đình dòng dõi như thế nên ông được cho học hành tới nơi tới chốn.

img

Nhà báo, nhà văn Hàm Châu. Ảnh: Đinh Nhung.

Sau khi tốt nghiệp Trường Kinh tế - Tài chính Trung ương (tiền thân của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), Hàm Châu đã không đi theo công việc liên quan đến lĩnh vực này mà lại chuyển qua nghề báo. Đó là một lần gặp gỡ nhà báo Đinh Nho Khôi - Tổng biên tập Báo Thủ Đô (tiền thân của Báo Hà Nội mới) thời ấy và ông được nhắm vào vị trí viết tin và bình luận quốc tế bởi ông có vốn ngoại ngữ khá tốt. Nghề viết gắn với ông như một mối lương duyên từ đó.

Sau này ông còn làm Tổng biên tập Tạp chí Tổ Quốc, phóng viên cao cấp phụ trách Báo Nhân Dân cuối tuần, phó chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí đối ngoại tiếng Anh Vietnam Cultural Window (Cửa sổ văn hóa Việt Nam) và cộng tác viên của rất nhiều tờ báo trong nước, nước ngoài.

Trong những năm làm báo, Hàm Châu đã là tác giả của hơn 2.500 bài báo, 10 đầu sách in riêng, 23 đầu sách in chung. Tuy nhiên, người đọc biết đến ông chủ yếu qua các tác phẩm về khoa học và giáo dục, đặc biệt là các bài ký chân dung nhà khoa học -  một lĩnh vực khá gai góc, đòi hỏi vốn hiểu biết cần thiết về các chuyên ngành riêng biệt.

Những bài ký chân dung của ông về các nhà khoa học nổi tiếng như: GS Tạ Quang Bửu, GS Trần Đại Nghĩa, GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Thúc Hào, GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Hà Văn Tấn, GS Đặng Thai Mai, GS Trần Đức Thảo, GS Nguyễn Tài Thu, GS Ngô Bảo Châu… đã được giới khoa học trong và ngoài nước vô cùng thích thú.

Ông từng được mời dự Gặp gỡ Blois về Sự ra đời của các thiên hà (Pháp, 1998), rồi dự các hội nghị vật lý quốc tế ở Italy, Pháp, LB Nga trong những năm 2001 - 2002, Hội nghị quốc tế Lepton  Photon (Mỹ, 2003), Hội nghị quốc tế lần thứ 32 về vật lý hạt (Trung Quốc, 2004), Hội nghị quốc tế vật lý năng lượng cao (Daegu, Hàn Quốc, 2007)... Hàm Châu là nhà báo đầu tiên có mặt tại Fermilab -  trung tâm nghiên cứu vật lý năng lượng cao của Mỹ, lớn bậc nhất thế giới (nơi đặt cỗ máy gia tốc proton  phản proton mạnh nhất thế giới đầu những năm 2000).

Phong cách viết báo về khoa học của Hàm Châu là không quá đi sâu vào kiến thức chuyên ngành, mà chủ yếu khắc họa chân dung người làm khoa học, với ngôn từ dung dị, giàu cảm xúc, đậm màu sắc văn chương và triết luận, khiến người đọc dễ dàng tiếp nhận và suy tư. Ông thường tìm hiểu rất kỹ nhân vật, thu thập tài liệu về nhân vật đến mức nhiều nhất có thể, rồi mới bắt đầu cầm bút viết.

Hà Tùng Long (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem