Nhà báo - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng: Những bức ảnh đánh đổi bằng cuộc sống

Lưu Quang Định Thứ tư, ngày 29/04/2015 07:00 AM (GMT+7)
Đúng vào sáng 1.5.1972, khi những chiếc xe tăng của Quân giải phóng tiến vào thị xã Quảng Trị, thì cách đó ít cây số,  nhà báo - nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng ngã xuống trên một cồn cát trắng ở xã Hải Trường, huyện Hải Lăng. 
Bình luận 0

3 lần chết hụt

img
Nhà báo Lương Nghĩa Dũng cùng vợ và hai con đầu (ảnh chụp 1967).  Ảnh: Tư liệu gia đình

Khi tin về cái chết của ông được báo về, các đồng nghiệp ở Thông tấn xã Việt Nam còn không tin: “Tay này đồn chết bao nhiêu lần rồi, có sao đâu!...” Đúng vậy, những lần Lương Nghĩa Dũng suýt… chết nhiều không kể xiết. Trung tá Hứa Kiểm – phóng viên ảnh của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, kể:

Chỉ trong 1 năm (1966) được đi cùng Lương Nghĩa Dũng, ông tận mắt chứng kiến 3 lần nhà nhiếp ảnh này chết hụt. Lần thứ nhất ở Vĩnh Linh, báo động, hai nhà báo vừa buông bát cơm, vớ máy ảnh, xông ra trận địa pháo, chạy được chừng 40m thì bom nổ. Quay lưng lại, cái hầm đã bị bom đánh trúng. Đồng chí anh nuôi hy sinh ngay tại chỗ.

Lần thứ hai ở ga Quán Hành, Nghệ An trên Quốc lộ 1. Một trái bom tọa độ hất tung một bụi tre lớn lên nằm giữa hai người. Nếu chỉ lệch đi một chút, bụi tre đè lên một trong hai người thì có lẽ phải huy động cả trung đội dân quân đào bới mới tìm được xác. Và lần thứ ba là ở chân cầu Phú Lương (Hải Dương). Một quả bom xuyên qua hầm chuồng gà, nơi nhà báo Lương Nghĩa Dũng đang đứng trên để chụp ảnh.

Bom hất tung chuồng gà lên, kèm theo cả ông. Chính trị viên đại đội đã hô to: “Trả thù cho đồng chí nhà báo, toàn đơn vị nhằm thẳng quân thù, bắn!..”. Vậy mà tan khói lửa, ông lại bò dậy, vẹn nguyên…

Lương Nghĩa Dũng vốn là một giáo viên vật lý ở Trường Bổ túc văn hóa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1965, khi cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ bắt đầu ác liệt, trước nhu cầu cần có những bức ảnh ghi lại chân thực những khoảnh khắc bi tráng của cuộc chiến, ông được cử đi học một lớp nghiệp vụ phóng viên ảnh ngắn ngày của TTXVN.

Và ngay lập tức, cùng với hàng chục đồng đội khác, ông được tung ngay vào các chiến trường: Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Hòn Ngư, đường Trường Sơn, cánh đồng Chum – Mường Xùi (Lào), chiến dịch đường 9 Nam Lào, mặt trận Quảng Trị…

Chỉ trong 6 năm trời, ông đã đi hàng vạn cây số, có mặt khắp các quân binh chủng từ Hải quân, Không quân, Bộ binh, Tăng thiết giáp, Pháo cao xạ… Chiếc xe đạp sứt sẹo đầy mảnh đạn. Cả mấy chiếc máy ảnh đeo bên người cũng “thương tích” đầy mình. Bạn bè đều nhớ về ông Lương Nghĩa Dũng- một người hiền lành, ít nói, dáng gầy, nước da đen sạm. Nhưng vào trận thì sự dũng cảm, gan dạ, thậm chí đến mức liều lĩnh của ông gần như đã trở thành huyền thoại.

Nhìn thẳng vào họng súng và khói bom

img
Phút nghỉ ngơi trên đường hành quân ở mặt trận Quảng Trị.

Thời đó, những nhà báo, đặc biệt nhà báo nhiếp ảnh, cũng phải chịu đựng nguy hiểm như những người lính. Thậm chí ở một góc độ nào đó, còn nguy hiểm hơn những người lính.

Vì trong bom đạn, họ vẫn phải đứng, phải tìm vị trí, tìm góc chụp tốt nhất để bắt được những khoảnh khắc sống động của trận đánh. Ngoài chiếc máy ảnh trên tay, họ không có gì để tự vệ. Chính vì thế mà trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chỉ riêng ở TTXVN đã có 262 nhà báo hy sinh, trong đó có hơn 40 người là phóng viên ảnh.

Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành- nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, một người đồng đội của Lương Nghĩa Dũng thời chiến tranh, đánh giá về ông: “Lương Nghĩa Dũng thuộc vào những nhà nhiếp ảnh chiến tranh lớn của thế kỷ XX – những nhà nhiếp ảnh sinh ra để để sẵn sàng đem tính mạng của mình đổi lấy những bức ảnh máu lửa, chân thật. Nghĩa Dũng như một định mệnh để làm công việc hệ trọng này.

Chỉ có anh và những người như anh mới đủ sức lăn đi, lộn lại nơi khói lửa, ngẩng cao đầu giữa những làn bom đạn của hai phía mà chụp ảnh. Chỉ có anh và những người như anh mới nhìn thẳng vào họng súng và cột khói bom, thu vào ống kính những ánh chớp, những quầng lửa hào hùng và bi tráng của cuộc chiến…”.

Đêm 26 tháng Chạp trước Tết năm 1972, trước khi lên đường vào chiến trường, Nghĩa Dũng tạt về thăm gia đình ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, Phú Xuyên (Hà Tây, nay là Hà Nội). 4 đứa con lít nhít trứng gà trứng vịt của ông đã ngủ say trên phản. Vợ ông tiễn ông lên tận đường cái. Lúc chia tay, ông dặn bà: “Nếu tớ không về nhớ nuôi các con học hành đến nơi đến chốn…”.

Hai mươi lăm năm sau ngày ông mất, năm 1997, gia đình mới tìm được phần mộ của ông được quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Trường.

Cùng công tác với Lương Xuân Trường trong một cơ quan Báo NTNN (nay anh chuyển sang Tạp chí Nông Thôn Mới), gần đây chúng tôi mới biết vết sẹo trên cằm anh có từ khi 3- 4 tuổi, trong một lần hấp tấp chạy từ lớp mẫu giáo về nhà đón bố, vấp vào cửa ngã…

Đó có lẽ là một trong những kỷ niệm cuối cùng của cậu bé Lương Xuân Trường đối với người cha anh hùng của mình. Phóng viên ảnh Lương Xuân Trường thừa hưởng từ người cha cái nết chịu đi và vô cùng máu lửa với nghề.

Bạn bè đều nhớ về ông Lương Nghĩa Dũng như một người hiền lành, ít nói, dáng gầy, nước da đen sạm. Nhưng vào trận thì sự dũng cảm, gan dạ, thậm chí đến mức liều lĩnh của ông gần như đã trở thành huyền thoại. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem