Nhà hát tuồng, chèo... tự chủ: Hoang mang khi dứt 'bầu sữa mẹ'

Thanh Hà Thứ ba, ngày 24/05/2016 06:37 AM (GMT+7)
Theo tìm hiểu của NTNN/Dân Việt, sau hơn 3 tháng thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, rất nhiều nhà hát - nhất là tuồng, chèo, múa rối... - đã cảm thấy lúng túng và hoang mang không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào khi bị dứt “bầu sữa mẹ”.
Bình luận 0

Rườm rà thủ tục

Ngày 9.8.2012 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40 về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp. Sau khi có nghị quyết này, Bộ VHTTDL đã có chương trình hành động thực hiện theo lộ trình xã hội hóa đối với 7 trong số 12 nhà hát trực thuộc Bộ, như: Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam… Theo đó, bắt đầu từ 1.1.2016, Bộ VHTTDL sẽ cắt giảm 30% chi phí chi thường xuyên và chuyển sang cơ chế đặt hàng tác phẩm, lộ trình đến năm 2020 các nhà hát phải tự chủ hoàn toàn.

img

Nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam thể hiện vở “Bắc Lệ đền thiêng”.    ảnh: NHCC

Thực tế, cơ chế mới nói trên khiến các đơn vị nghệ thuật truyền thống đang cảm thấy rất lúng túng. Ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho hay, nhà hát vốn đã gặp những khó khăn về tổ chức biểu diễn, về đưa các tác phẩm đến với khán giả, khó khăn về xây dựng tiết mục. Giờ đây lại tiếp tục gặp khó khăn về cơ chế mới khiến cán bộ, nhân viên nhà hát cảm thấy vô cùng áp lực.

Cụ thể theo ông  Tuấn, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã vấp phải vấn đề duyệt tác phẩm. Với tuồng, việc xây dựng tác phẩm rất khó, trước hết là vấn đề tác giả, biên kịch gần như không có trong tay. Nhà hát Tuồng Việt Nam thường xuyên phải lấy kịch bản văn học chuyển thể sang kịch bản tuồng. Đấy là chưa kể người chuyển thể kịch bản văn học sang tuồng cũng đang trong quá trình nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn. Điểm danh sách những người viết kịch bản tuồng trên toàn quốc hiện nay chỉ được vài ba người (người viết nhiều nhất là nghệ sĩ Sỹ Chức ở tỉnh Khánh Hòa). Chính vì vậy, kịch bản tuồng dường như không có, mà đã không có kịch bản thì lấy đâu đơn đặt hàng. 

"Hiện chúng ta không có tác giả ở nhiều loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, dân ca, múa rối... Sau những khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật truyền thống đang gặp phải lâu nay chưa có cách giải quyết, thì giờ đây với cơ chế tự chủ, họ tiếp tục gặp khó khăn hơn nữa trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống”.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu chia sẻ

Trong khi với cơ chế mới để có tiền cho tác phẩm, bắt buộc phải có kịch bản và phải được sự kiểm duyệt, đồng ý từ phía Cục Nghệ thuật biểu diễn và được phép dựng thì lúc ấy mới được giải ngân. Sau khi đã được giải ngân mới tiếp tục lên kế hoạch dự toán chi phí, triển khai các việc luyện tập cho diễn viên, đạo diễn, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, phông nền… để hình thành nên một tác phẩm sân khấu.

Tiếp đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại một lần nữa xem để duyệt có đạt hay không đạt. Nếu tác phẩm sân khấu đó đạt thì có nghĩa toàn bộ dự toán, và đời sống anh em, bồi dưỡng luyện tập cho diễn viên theo Quyết định 14 mới được thông qua, còn trong trường hợp ngược lại, vở diễn sẽ coi như bị đổ bể toàn bộ.

“Như vậy là một tác phẩm đặt hàng phải qua 2 lần duyệt. Điều này khiến cho một tác phẩm sân khấu ra đời bị chậm lại gấp đôi thời gian cũ. Hiện nay Nhà hát Tuồng đang hợp tác với đoàn nghệ thuật của Pháp xây dựng vở diễn “Mùa lúa”. Tuy nhiên khi gửi kịch bản lên Cục Nghệ thuật biểu diễn duyệt thì nhận được phản hồi trả lời không đồng ý duyệt. Trong khi vở diễn này đã được hai bên xây dựng, chuẩn bị từ cuối năm 2015. Chúng tôi gặp rất nhiều phiền phức, thậm chí mất cả uy tín với đoàn nghệ thuật nước bạn” - ông Phạm Ngọc Tuấn tâm sự.

Không muốn rời “bầu sữa”

Về cơ chế tự chủ, NSƯT Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng, vấn đề gì cũng có hai mặt, nếu như với một nhóm người hoặc một cá nhân mà năng nổ, bắt nhịp được với thời cuộc thì có thể vận dụng ngay theo hướng tích cực về việc tự chủ, tự hoạch định doanh thu. Nhưng đối với nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, tuồng, rối… thì tự chủ lại là một vấn đề hóc búa. Bởi, đối với nghệ thuật truyền thống, mục đích yêu cầu trước hết là  bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Thế nhưng mỗi khi rạp hát đỏ đèn, vé xem chèo bán được quá ít, thậm chí chỉ bán được 5 vé/đêm thì không thể bù lỗ cho mỗi lần biểu diễn đó được.

img

Cảnh trong vở chèo “Nguyễn Tri Phương” của Nhà hát Chèo Việt Nam.   ảnh: T.L

“Với chủ trương mới về tự chủ, muốn thay đổi cơ chế, tôi nghĩ cần phải có lộ trình. Bởi nó liên quan tới tổ chức, đến nhiều con người. Tôi ví dụ, một người làm nghệ thuật dù chưa đến tuổi hưu nhưng tuổi nghề có thể là không còn phù hợp trên sân khấu thì chúng ta chỉ có thể vận động chứ không thể cưỡng chế họ về hưu sớm” - NSƯT Thanh Ngoan nói.

Bà Ngô Thanh Thủy – Giám đốc Nhà hát Múa  rối Việt Nam cho biết, bao nhiêu năm nhà hát này được sống trong “cái nôi” ấm áp. Bây giờ tự thân vận động nên lãnh đạo và diễn viên, nhân viên rất lo lắng. Bởi giờ nhà hát buộc phải rời khỏi “bầu sữa mẹ”, “tự bơi” trong  cơ chế thị trường, đối mặt hàng ngày chuyện “cơm áo gạo tiền”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi người...

Theo bà Thủy, cái khó khăn trong khâu quản lý là lâu nay, cơ chế bao cấp đã “đẻ ra” một “đứa con” dị dạng trong nghệ thuật- sự cào bằng. Các diễn viên tài năng, yêu nghề, tích cực đóng góp cho sự phát triển của nhà hát cũng hưởng mức thu nhập bổ đều theo đầu người. Mỗi nhà hát từ lâu luôn tồn tại một lượng diễn viên không diễn nhưng mỗi tháng vẫn đều đặn lĩnh lương.

Vì thế, khi được tự chủ, Ban lãnh đạo giám đốc đang loay hoay trong việc sắp xếp nhân sự sao cho ít nhân lực nhàn rỗi nhất. Như vậy, theo bà Thủy, với cơ chế mới như hiện nay, để ra đời một tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm nghệ thuật sân khấu truyền thống thì khó khăn sẽ chồng lên khó khăn. Chưa nói đến chuyện tìm được một kịch bản nghệ thuật truyền thống cực kỳ khó, khi mà các đơn vị nghệ thuật truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tác, thể hiện (tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn…).

img

Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn:

“Nghệ thuật truyền thống không thể vì tiền...”

“Các nhà hát nghệ thuật truyền thống bao nhiêu năm được bao cấp, nên đã đến lúc cần đổi mới, để cho các nhà hát tự bươn chải, năng động hơn”- ông Nguyễn Đăng Chương (ảnh) nói với NTNN.

Cơ chế xã hội hóa được thực thi từ ngày 1.1.2016, rất nhiều ý kiến nghệ sĩ cho rằng đang gây khó khăn khi duyệt kịch bản. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Cách đây không lâu, quyền thẩm định kịch bản, chịu trách nhiệm  được giao cho Ban giám đốc của các đơn vị nghệ thuật truyền thống. Nhưng sau đó, qua 3 năm tôi theo dõi  thấy chất lượng kịch bản để cho các đơn vị tự lo có vẻ rất thấp. Do vậy, Bộ VHTTDL đã yêu cầu tất cả các đơn vị nghệ thuật trực thuộc của bộ là trước khi dàn dựng vở thì phải thông qua Hội đồng kiểm duyệt của Cục Nghệ thuật biểu diễn để thẩm định.

Thời gian qua rất nhiều vở diễn của các nhà hát đã bị loại bỏ. Tôi cũng được biết một vài giám đốc nhà hát đã biện hộ cho việc kịch bản kém chất lượng rằng, cần phải chạy theo thị trường, theo xu thế thời đại. Tôi cho là không thể nói như vậy, bởi mình làm nghệ thuật truyền thống cần phải giữ quan điểm và có định hướng cho công chúng. Không thể vì tiền mà xây dựng những kịch bản kém chất lượng, nhạt, lăng nhăng chỉ để chiều theo một số bộ phận công chúng.

Tôi nghĩ việc thẩm định kịch bản là để định hướng cho các nhà hát, để ngăn chặn dàn dựng các tác phẩm kém chất lượng về nội dung và nghệ thuật, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

Nhiều nhà hát cho rằng với việc thực hiện cơ chế mới, họ bị quẳng ra bên ngoài, tự thân vận động là quá khó khăn cho họ?

- 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL đều thí điểm lộ trình tự chủ, trong đó có 2 nhà hát tự chủ 100% (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam và Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam), còn các nhà hát khác phải tự chủ có 30%. Cắt 30% kinh phí chi thường xuyên ấy, nhưng thực chất bộ không cắt tiền, mà lấy 30% ấy để đầu tư đặt hàng sáng tạo cho các nhà hát. Cụ thể là dùng tiền ấy để đầu tư các tác phẩm, để có các kịch bản mang chất lượng nghệ thuật cao hơn.

Nhiều nghệ sĩ hiểu tự chủ ở đây có nghĩa là quăng họ ra đường, nhưng hiểu như vậy là sai. Trong khi tự chủ ở đây có nghĩa là cho anh quyền chủ động để anh huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn, từ vấn đề sáng tạo tác phẩm, cho đến quảng bá tác phẩm…

Vậy yêu cầu các nhà hát thực hiện tự chủ vào thời điểm này liệu đã phù hợp?

- Vấn đề tự đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống là đúng với định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Khi mà cả thế giới đều đang hội nhập với quốc tế và tất cả tạo ra một thị trường, vậy thì tại sao nghệ thuật chúng ta lại không có thị trường.

Thực hiện tự chủ là để nêu cao trách nhiệm, trong hoạt động quản lý, tư duy sáng tạo, định hướng nghệ thuật, phương pháp nghệ thuật để phù hợp với đời sống hiện nay.

Huy Hoàng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem