Nhà văn Tô Hoài, hiện thực và hiện thực

Nhà thơ Vân Long Chủ nhật, ngày 06/07/2014 19:33 PM (GMT+7)
Thế mới biết đời người thật hữu hạn, nhưng những thứ con người làm ra hữu ích cho con người thì không có giới hạn nào. Nghe tin nhà văn Tô Hoài - cây đại thụ của làng văn - mất trưa nay (6.7), trong tôi bỗng trào lên biết bao nhiêu là kỷ niệm...
Bình luận 0
Trước những năm 60 của thế kỷ trước, tôi cư ngụ ở một nhà số chẵn phố Nguyễn Gia Thiều. Bên dẫy số lẻ trước mặt có một ông già nhỏ bé, luôn mặc bộ quần áo màu chàm. Nhờ đi họp khu phố, nghe bà con xì xào, tôi mới biết đó là cụ Vi Văn Định, từng là Tổng đốc Hà Đông, Tổng đốc Thái Bình khét tiếng một thời về tính hách dịch. Khi làm quan ở Thái Bình, buổi trưa ai lê guốc ngoài đường mà trong dinh nghe được là quan Tổng đốc cho lính bắt vào đánh, còn ở Hà Đông, quan ghét bèo Nhật, đến làng nào trông thấy bèo Nhật là quan bắt nọc lý trưởng, phó lý ra đánh đòn giữa sân đình.

Nhân vật như từ “cổ tích” ai hay lại nhỏ bé, hiền khô, rất chăm đi họp với bà con dân phố chúng tôi. Tôi rời khu phố ấy đi ở nơi khác, nhân vật “cổ tích” ngỡ mất dạng, chỉ còn le lói trong ký ức, không ngờ, tôi vẫn được gặp lại cụ trong trang văn của Tô Hoài với một sắc thái  lạ:

“Tôi trông thấy trong nhà thường đi ra một ông lão người nhỏ thó, mặt và râu nhợt nhạt, áo sơ mi trong áo vét tử tế nhưng đã cũ. Cụ ra vỉa hè, ngồi xuống vén ống quần. Mấy đứa trẻ như đã rình đằng kia, vừa chạy lại vừa la “Chúng mày ơi! Lại xem cụ đái... cụ sắp đái...”. Nghe chúng nó gọi nhau thế, cụ lại đứng lên, thong thả đi vào trong. Nhưng quả là có hôm khác tôi trông thấy cụ ngồi xuống, vạch quần ra đái tự nhiên. Người già cũng như trẻ con, đứng đâu đái chẳng được. Ta nhìn nhiều cũng đã quen. Chỉ còn ngượng, nếu khi nào đưa khách nước ngoài từ sân bay vào thành phố, thỉnh thoảng trông thấy các chị đi trên đê, đương gồng gánh tong tả, lại xắn quần, đứng dạng háng ra.

Cô Đàng công an hỏi tôi:

- Cụ ấy trước là cán bộ cao cấp đấy, bác đã bảo các cháu phải lễ phép chưa?

- Cô biết cụ là cán bộ gì...

- Trong sổ hộ khẩu tên cụ là Vi Văn Định...

- À thế thì cụ là quan đế quốc không phải cao cấp ta.
...

Ra cái cụ gầy còm lù khù ấy là Vi Văn Định. Cụ lại ra vỉa hè, lừ đừ thong thả đi.

- Chào cụ Vi!

Ông cụ nguớc mặt. Tôi nói:

- Tôi đã đuổi đám trẻ con hỗn với cụ, cụ cứ đái tự nhiên.

(trang 219-220 Chiều chiều của Tô Hoài, NXB Hội Nhà văn, 1999)

Cách viết của nhà văn Tô Hoài cứ tưng tửng như đùa mà ý nghĩa nhân văn thật lớn. Cô công an hộ khẩu  quá trẻ, chưa biết Vi Văn Định là ai, đồng nghiệp của cô thấy cũng không quan trọng gì với ông “quan đế quốc”, mặt và râu đã nhợt nhạt như dĩ vãng của ông ta nên chưa cần nhắc nhở đó là “kẻ thù giai cấp ngày xưa”, nên chắc cô cũng nghĩ được như nhà văn “Người già cũng như trẻ con, đứng đâu đái chẳng được” cho nên không lề luật gì với ông cụ đã lẫn (căn nhà tử tế như thế, có toalét tiện nghi là tất nhiên, việc gì phải đái đường!), cô chỉ quan tâm sự hỗn láo của trẻ nhỏ với người già nên nhắc nhở ông đại biểu dân phố Tô Hoài “bác đã bảo các cháu phải lễ phép chưa?”.

Cả hai vị có trách nhiệm với việc đẹp nhà sạch phố đều đặt sự tôn trọng người già lên trên hết. Ý nghĩa nhân văn lớn, nhưng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn đời thường của nhà văn khiến ta phải bật cười: “À! Thế thì cụ là quan đế quốc, không phải cao cấp ta! “Ông Đại biểu dân phố lại còn mời cụ... đái bậy “Tôi đã đuổi đám trẻ con hỗn với cụ, cụ cứ đái tự nhiên!”. Nào phải chữ nghĩa to tát gì mới nói được điều nhân ái, nét đẹp thường ngày của người dân!

 

img

Nhà văn Tô Hoài.

Tôi may mắn được là độc giả Dế mèn phiêu lưu ký của cụ từ năm lên bảy, lên tám (thế hệ độc giả nhỏ tuổi đầu tiên những năm 40 thế kỷ trước).

Tôi không thể nghĩ đến ngày chú Dế mèn ấy 70 tuổi, tôi lại được cầm trên tay bút tích của cụ kể về hoàn cảnh ra đời và ý đồ sáng tạo của cụ với tác phẩm để đời ấy, lại do chính tôi đặt cụ viết bài báo Tết. Chú Dế mèn của cụ 70 tuổi xuân thì chú bé độc giả năm xưa đã thành già lão! Thế mới biết đời người thật hữu hạn, nhưng những thứ con người làm ra hữu ích cho con người thì… không có giới hạn nào! Không thể biết có bao nhiêu triệu độc giả lớn bé được chú Dế mèn đất Việt kể truyện bằng mấy chục thứ ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ của chính họ. Nhà văn Tô Hoài khi được ông Vũ Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân mời viết tiếp truyện Con dế mèn đang ăn khách, đã nghĩ ngay đến cái xã hội quanh mình đang sôi sục các hội ái hữu thợ dệt, thợ may… những tiền đề đi đến thế giới đại đồng mà ông đang mơ màng và bước đầu tham gia… Thế là con Dế mèn của ông biết phiêu lưu, biết kết nghĩa muôn loài, con Dế mèn Dế trũi cùng bao la với thế giới đại đồng.

Ngoài đồng thoại Dế mèn phiêu lưu ký kể trên, cả đời viết của cụ gắn bó rất chặt với hiện thực xã hội, hiện thực cuộc sống ở nhiều dáng vẻ khác nhau.

Tháng 11.2005, tôi được dự buổi hội thảo khoa học Để có tác phẩm hay do Hội Văn nghệ Hải Phòng tổ chức, Nhiều nhà văn cho rằng sang giai đoạn mới, phương pháp hiện thực XHCN và cách viết hiện thực chưa đủ để các nhà văn sáng tạo. Có người nhắc đến một tổ chức quốc tế đã bình tác phẩm Đôn Kihôtê của Xécvăngtét là tác phẩm hay nhất của mọi thời đại. Thế mà nhân vật Đôn Kihôtê được nhà văn “bịa” hoàn toàn từ đầu thế kỷ 17, nhà văn phải thông qua cái nhìn thấy để viết cái cảm thấy...

Khi về Hà Nội, gặp nhà văn Tô Hoài, tôi kể sơ tình hình hội thảo. Cụ cười hóm hỉnh, đại lượng: “Ông Xécvăngtét có được Đôn Kihôtê cũng nhờ làm nghề thu thuế đi khắp đất nước! Hiện thực bao giờ chẳng là cái gốc của đời sống. Cao Hành Kiện có Linh Sơn cũng nhờ chuyến về thăm vùng phía bắc Trung Hoa. Có ngồi một chỗ mà bịa được đâu! Vả lại, người ta có thể biến tôi với ông thành quỷ cũng được, nhưng phải có cái gì để nhận ra Tô Hoài, Vân Long chứ!”.

Dẫu có cuộc trao đổi đó, khi đọc Ba người khác (NXB Đà Nẵng, 2006) tôi vẫn ngạc nhiên về sự mới mẻ trong bút pháp này của cụ. Cụ tả thực đến mức tàn nhẫn, miêu tả nhục cảm rất tự nhiên…

Có lẽ cứ từng chút, từng chút một bắt đầu bằng Dế mèn phiêu lưu ký, niềm say mê tuổi nhỏ của chúng tôi, qua giai đoạn hiện thực có xen bút pháp sử thi (như Vợ chồng A Phủ). Cuối đời cụ lại cho bật ra một nhành mới riêng và lạ: Cát bụi chân ai, Chiều chiều…viết cứ như chơi tưng tửng, đùa cợt mà vẫn hiện thực đến cốt lõi của đời sống. Giai đoạn này, nhà văn thực sự là một nhân chứng lớn của lịch sử!  

Nhân tôi hỏi về các nhà văn trẻ hiện nay, cụ thấy thế nào? Cụ khen một số cây bút trẻ có sự tươi mới, đã bước đầu có nét riêng, song phần đông chữ nghĩa còn “chểnh mảng” lắm!  

Tôi nhớ lại những chữ  “độc”, câu “độc” mới chỉ thấy Tô Hoài dùng. Tả buổi chiều thì “trong nhà nhoè nhoẹt xâm xẩm”, về sinh hoạt thì “Tôi quen ăn uống lôm loam sống xít”, “Tạng tôi cơm nước lúc nào cũng đểnh đoảng vậy thôi!”, tác phong ông đội trưởng cải cách “nói đến đoạn hăng, ông băm bổ, bàn tay liên liến”, một ông trung nông cố làm vẻ già nua để trốn đi dân công thì “Hai con mắt còn nhưng nháu thế kia, tôi đoán không thể lão đã lên ngôi cụ mà lão chỉ là người chơi nuôi râu”... Đại khái như vậy cũng đã làm nên văn phong riêng của cụ mà chúng tôi phải học cả đời!...

Một người tài hoa hết mực mà khiêm nhường hết mực như thế, đã ra đi, đã nhẹ bước khỏi thế giới này, để lại cho trần gian biết bao là tiếc nuối.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem