Nhà văn xa xứ Cấn Vân Khánh: Thiếu bàn tay phụ nữ thì đâu còn là Tết

Thứ tư, ngày 18/02/2015 16:00 PM (GMT+7)
Cấn Vân Khánh đang sống ở Mỹ cùng gia đình gồm chồng và hai con gái. Chị hay viết về tình yêu, tình dục, nhưng khi được hỏi về ngày Tết, nữ nhà văn có vẻ ngoài hiện đại bày tỏ quan điểm rất truyền thống.
Bình luận 0
Trong văn Cấn Vân Khánh, dù chủ đề là ngoại tình hay tình dục, vẫn có bóng dáng một phụ nữ truyền thống trân trọng các giá trị gia đình. Thể thao & Văn hóa trò chuyện với chị khi chỉ một tuần nữa là đến Tết nguyên đán, cái Tết đầu tiên chị xa xứ.

Không lẽ ai cũng đặt vé đi chơi trốn Tết?

Gần đây, nhà văn Trang Hạ khởi xướng cuộc tranh luận về nỗi vất vả của phụ nữ ngày Tết, rằng vẫn tồn tại bất công và định kiến rằng phụ nữ Tết phải cắm mặt vào đám nồi xong, thực phẩm. Quan điểm của chị thế nào?

- Thú thật ngày xưa, khi tôi bắt đầu biết làm việc nhà phụ mẹ là tôi rất sợ ngày 30 Tết, vì ngày đó mẹ tôi luôn tất bật với việc mua sắm thực phẩm, trang hoàng nhà cửa, mà tôi cũng như những đứa trẻ ham vui khác chỉ thích xem ti vi nên mỗi lần bị mẹ sai việc, dù lặt vặt thì rất khó chịu. Khi tôi lớn dần lên thì mẹ tôi đã chuẩn bị tết sớm hơn, không dồn vào ngày 30 Tết nữa nên tôi cũng thảnh thơi hẳn. Bây giờ khi đã là mẹ của hai cô con gái thì tôi lại sẵn sàng vất vả một chút để lo việc tết nhất cho gia đình.

Tôi nghĩ mỗi người có một ý kiến riêng, nhưng ngày Tết nếu thiếu đi bàn tay của phụ nữ thì đâu còn là ngày Tết nữa. Không lẽ chúng ta ai ai cũng đặt vé đi du lịch để “trốn” Tết, hoặc yêu cầu đức ông chồng phải chia sẻ việc làm mứt, mua bánh chưng, bày mâm ngũ quả hoặc luộc gà hay sao?

img

Nhà văn Cấn Vân Khánh

Nhưng còn quan điểm phụ nữ bị áp lực bởi danh hiệu “đảm đang” thì sao?

- Bà và mẹ tôi là những người phụ nữ thuộc thế hệ đi trước, hoàn toàn không vì mong được gán danh hiệu đảm đang mà họ lăn vào bếp ngày Tết. Tôi nghĩ họ đúng là mẫu phụ nữ truyền thống, chịu đựng vất vả, chỉ cần những người xung quanh được vui vẻ thì họ mới yên tâm. Thế hệ 7x, 8x chúng tôi có khác hơn là, vừa quán xuyến việc nhà vừa tận hưởng và thư giãn những lúc rảnh rỗi, có thể làm đẹp hoặc nghe nhạc, xem phim, dành nguyên một ngày Tết để đi chơi chẳng hạn.

Ở Mỹ, hàng tuần tôi vẫn đi chợ Việt Nam, thấy mứt tết, quất cảnh bày bán rất nhiều mà thấy lòng nôn nao. Tôi sống ở tiểu bang Cali, nơi tập trung rất nhiều người Việt nên chẳng thiếu thứ gì. Tuy vậy, chỉ khi xa nhà tôi mới thấy ngày Tết ở Việt Nam sao mà thiêng liêng và quý giá đến thế. Tôi hiểu vì sao những người con xa xứ mỗi dịp tết đến lại mua vé về Việt Nam để hưởng trọn cái tết ở quê nhà.

Có cách nào để người Việt Nam đón Tết mà không xảy ra tình trạng người thì làm việc nhà quần quật, người thì thảnh thơi vui chơi?

- Gia đình nào cũng nên sắp xếp công việc một cách hợp lý, ví dụ người chồng có thể lo những việc nặng hơn như dọn dẹp nhà cửa, mua sắm cây cảnh…, còn tề gia nội trợ tôi nghĩ vẫn nên thuộc về người phụ nữ trừ phi người chồng có khả năng “chung tay” với vợ.

(Theo Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem