Nhạc sĩ Quốc Bảo, tuổi 50 và cuốn hồi ký không định xuất bản

Chủ nhật, ngày 30/07/2017 07:00 AM (GMT+7)
Không thấy một nhạc sĩ đa tình chìm đắm trong âm nhạc, mà thay vào đó đậm nét một người đàn ông sống hoài niệm, thiền tịnh, người trai đích tôn luôn hướng về họ tộc.
Bình luận 0

Lật giở từng trang "50- Hồi ký không định xuất bản", sẽ không tìm thấy một Quốc Bảo với làn da ngăm đen, mái đầu húi đinh và hàng ria mép phong trần ở tuổi trung niên. Cũng không thấy một nhạc sĩ đa tình chìm đắm trong âm nhạc, mà thay vào đó đậm nét một người đàn ông sống hoài niệm, thiền tịnh, người trai đích tôn luôn hướng về họ tộc, hơn hết anh luôn khao khát hình ảnh một người cha tốt. Sau khi thất bại với hôn nhân, tai tiếng nghề nghiệp, với mối quan hệ còn lại “Bà-bố-cháu” luôn tạo ra những khoảng cách ngầm, nhưng anh vẫn cố gắng hướng con trai đến sự hoàn thiện nhân cách bằng những bài học sâu sắc ở cuộc đời.

img

Nhạc sĩ Quốc Bảo (bìa phải). Trong cuốn hồi ký khiêm tốn của mình Bảo luôn dành nhiều cho những hoài niệm về Sài Gòn.

Bảo sinh năm 1967 tại Sài Gòn và trong một biến cố quân sự rúng động 1968, người cha của anh giã biệt cuộc đời khi anh chưa tròn một tuổi, đoạn anh viết về thân sinh chưa nhớ nổi dáng hình của mình chứa đầy cảm xúc khó tả: “Kỷ niệm về bố ít ỏi. Thuốc lá Pall Mall. Bật lửa Ronson mòn cũ. Xe Vespa màu thiên thanh. Kính Rayban. Lọ đựng nước hoa thuỷ tinh có gắn bong bóng hơi. Nhật ký sách vở tiếng Pháp. Bút máy Pilot nắp vàng. Những tờ nhạc bướm bố mua mà sau này chú tôi đóng thành bốn tập dày. Mối liên hệ văn nghệ xa gần cả văn lẫn nhạc. Những bước nhảy bay bướm ở hộp đêm. Đó là bố tôi, hay nói cách khác, đó là mảnh rời rạc vụn vỡ mà một đứa trẻ là tôi phải bỏ cả tuổi thơ chắp lại thành hình (…). Bố tôi mê văn nghệ, văn chương âm nhạc. Thích chơi kiểu thị dân hưởng thụ. Chẳng qua số phận đẩy ông vào khúc quanh định mệnh và ông chết trẻ, không kịp sống hết đoạn đời mơ ước. Vì vậy tôi trở thành nghệ sĩ thay vì bác sĩ hay doanh nhân cũng là việc hiếu: tiếp nối tâm nguyện của ông”.

Quốc Bảo xuất phát từ tầng lớp người Bắc di dân trước 1975, tâm trí anh đọng lại những câu hát ru của bà ngoại, cái miệng móm mém miếng trầu và chiếc khăn nhung vấn tròn trên mái đầu bà. Bảo nói giọng Bắc theo sự kiên định giữ gìn nét Bắc của mẹ anh, lẽ vì thế càng trưởng thành anh càng trân quý những gì thuộc về gốc gác quê nhà. Nhưng anh luôn khẳng định mình là người Sài Gòn toàn tòng, không phải vì phân biệt vùng miền mà vì tình yêu anh dành cho Sài Gòn, nơi anh được sinh ra và chính là nơi cha anh mất.

Trong cuốn hồi ký khiêm tốn của mình, Bảo luôn dành nhiều cho những hoài niệm về Sài Gòn hôm qua và cả hôm nay. Bảo có ông ngoại bán hàng ở thương xá Tax trước năm 1975, anh tưởng nhớ về những ngày khốn khó của cái thời Sài Gòn thống nhất với Hà Nội thành một dải non sông bằng cách riêng của mình. 50 đã qua nhưng vẫn hiện lên những tên đường đã bị thay đi, thấy được hình ảnh một người ông tặng cho đứa cháu những món quà từ thương xá. Chiếc kính Rayban thật ngầu, áo sơmi thêu hình, cái cassette hát nhạc ngoại, những lon sữa hiệu Guigoz cuối cùng, và những buổi trưa nóng lũ trẻ bị tập trung ở Tao Đàn để nghe míttinh vẫn còn đó. Giờ đây Bảo nhận ra trong cái giọng của mình: Bắc có, Hoa có, Huế cũng có, để cuối cùng anh phải thừa nhận câu nói của nhà báo Lưu Trọng Văn: “Giọng chả ra miền nào thì là giọng Sài Gòn. Chắc chắn rồi”.

Bài, ảnh Hữu Nam (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem