Nhạc từ tre nứa, bầu khô... mê hoặc thế giới

Hoàng Ngọc Thứ hai, ngày 16/11/2015 08:27 AM (GMT+7)
Vừa trở về từ Festival âm nhạc dân gian quốc tế tại Phần Lan, anh Rơ Châm Tih (làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) lại bận rộn với công việc thường nhật của một nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc.
Bình luận 0

Thỏa sức biểu diễn tại xứ người

Trước khoảng sân nhà phơi kín rơm tươi tỏa mùi thơm dìu dịu, Nghệ nhân Rơ Châm Tih đang ngồi cặm cụi vót, gọt từng thanh tre, nứa. Ai có thể ngờ, người đàn ông có dáng vẻ thô mộc này vừa trở về từ lễ hội âm nhạc dân gian quốc tế được tổ chức hoành tráng tại Phần Lan, đã làm cho nhiều nghệ sĩ thế giới phải thán phục.

img

Từ những ống tre, lồ ô, Nghệ nhân Rơ Châm Tih đã khiến thế giới biết nhiều hơn đến âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Ảnh: H.N

Hỏi Tih đã mang những “đặc sản” gì của Tây Nguyên giới thiệu với bạn bè quốc tế, anh lắc đầu nói “mình quên hết rồi”. Tih giải thích: Nghệ nhân dân gian khi lên sân khấu trình diễn  không có kịch bản sẵn. Ban tổ chức cho thời gian, còn chúng tôi tự do thể hiện cảm xúc, muốn đàn, muốn hát gì cũng được; có khi đang chơi đàn nhưng không thích nữa, bỏ ra ngồi vót tre nứa làm đàn cũng không sao. Có lúc thấy nghệ nhân khác hát hay quá, mình bỏ việc đang làm, hát đối đáp lại… Nói chung nghệ nhân được làm bất cứ điều gì họ thích trên sân khấu.

Thế nhưng khán giả vẫn thưởng thức nghệ thuật một cách trân trọng, tôn trọng tuyệt đối không gian trình diễn và cảm hứng của nghệ nhân… Mình nghĩ nên học tập điều này khi tổ chức các festival về văn hóa truyền thống, chỉ cần cho họ thời gian, không gian, để những nghệ sĩ dân gian có thể thăng hoa từ những cảm xúc thật, tình cảm thật...

Tih cho biết, có lẽ ấn tượng mạnh nhất đối với anh chính là sự quý trọng văn hóa mà bạn bè thế giới thể hiện trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. Tih kể: Có 300 nghệ sĩ, nghệ nhân của 9 quốc gia tham dự festival. Mỗi người đều mang đến những màn trình diễn khác nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Sau buổi trình diễn, nhiều người, nhất là báo chí đã gặp riêng tôi để hỏi nhiều điều họ thắc mắc. Họ nói rằng đã hoàn toàn bị tôi thuyết phục trước cách tôi biến các chất liệu bầu khô, tre, nứa thành đàn với những âm thanh thánh thót, huyền diệu...

Tih cho biết: Nguyên liệu để chế tác nhạc cụ truyền thống của các quốc gia trên thế giới chủ yếu là gỗ. Chỉ duy nhất Việt Nam chúng ta  sử dụng ống tre, nứa, lồ ô, quả bầu khô... để chế tác ra nhiều loại nhạc cụ. Mình tự hào vì mang đến lễ hội âm nhạc dân gian sự khác biệt - cái mà người ta không có, để thế giới thấy rằng, từ ngàn xưa, Tây Nguyên đã là cái nôi nghệ thuật lớn từ khí nhạc tới thang âm. Âm nhạc Tây Nguyên sinh ra từ lao động, từ những âm thanh gần gũi thường ngày nên dễ dàng đi vào tâm hồn người thưởng thức...

Ngôn ngữ chung của loài người

Rơ Châm Tih kể, sang Phần Lan, anh đã mang theo tingning (đàn goong), brô amo (kní), glơng glơh (tơ rưng), krông pút… Mỗi loại nhạc cụ phù hợp với những bài nhạc khác nhau, sử dựng trong những hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn khi sử dụng âm nhạc “nói” về người anh hùng phải hào hùng dồn dập, âm nhạc trong lễ pơ thi thường rơi vào buổi chiều lại phải chậm và buồn, nói về nỗi nhớ nhung phải thổn thức, khắc khoải…

 “Âm nhạc tôi mang tới lễ hội lần này là thứ âm nhạc mang âm hưởng núi rừng Tây Nguyên, sinh ra từ cuộc sống lao động nguyên sơ nên dễ rung động, dễ đi vào lòng người. Đó là thứ âm nhạc trong suốt, có sẵn trong tiềm thức nên khán giả dù không hiểu tiếng Jrai nhưng vẫn hiểu điều tôi muốn nói – và đó cũng chính là nguồn cội mà con người hiện đại muốn tìm về. Chuyến biểu diễn của tôi thành công ngoài mong đợi cũng là vì lẽ ấy…” - Tih chia sẻ. 

 Đây không phải là lần đầu tiên Nghệ nhân Rơ Châm Tih xuất ngoại biểu diễn, nhưng là lần đầu tiên anh mang âm nhạc truyền thống của người Jrai đi giới thiệu với bạn bè quốc tế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem