Nhìn lại một năm ngành xuất bản: Quay cuồng với sách nhảm, sách lậu

Lê Tâm Thứ sáu, ngày 13/02/2015 09:10 AM (GMT+7)
Chưa năm nào mà các sai phạm trong lĩnh vực xuất bản lại bị phát hiện và xử lý nhiều như trong năm 2014, thậm chí một nhà xuất bản đã bị đình chỉ hoạt động để kiện toàn. Sách nhảm, sách lậu, những sai sót do cẩu thả trong quá trình làm sách đã vẽ nên bức tranh tối màu của ngành xuất bản. 
Bình luận 0

Lỗi sai “dở khóc dở cười”

img
Cuốn “Búp sen xanh” bị in lậu.
Nếu có bảng xếp hạng do những lỗi sai không thể chấp nhận nổi trong ngành xuất bản năm 2014 thì có lẽ 2 “ứng cử viên sáng giá” cùng tranh chấp ngôi vị đầu bảng sẽ là cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất và cuốn sách Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 bìa in hình diễn viên hài Công Lý. Đó là những xuất bản phẩm sai phạm với những cái lỗi quá to, sạn có thể được xếp vào hàng đá tảng nhưng vẫn ngang nhiên xuất hiện trên thị trường.

img
Cuốn “Từ điển dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất.

Cuốn từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất với cách giải nghĩa ngô nghê, xem thường độc giả như “Buồn cười: Buồn mà cười”, “Bắt rể: Đem rể về nuôi tại nhà mình”, “Ca khúc: Một bản nhạc ngắn”, “Tâm thần: tâm trí và tinh thần”, “Tù trưởng: Người đứng đầu trông coi tội nhân”, “Quản giáo: Người trông coi một giáo đường hay tu viện”… đã được 4 nhà xuất bản (NXB) cùng đồng loạt ấn hành. Liên quan đến cuốn từ điển này có các NXB lớn như Thanh Niên, Trẻ, Văn hóa Thông tin, Hồng Đức. Kết quả là cuốn từ điển bị thu hồi, hủy bỏ, đưa ra khỏi hệ thống thư viện nhưng một câu hỏi lớn không NXB nào trả lời được là “Tác giả Vũ Chất là ai”.

Điều đó cho thấy một quy trình làm sách khá ẩu đang tồn tại hiện nay, sách cứ in đều đều, bán ra thị trường, một ấn phẩm được in bởi 4 NXB nhưng không NXB nào cần biết tác giả là ai. Đến khi sai phạm bị phát hiện thì không để tìm đến tận ngọn nguồn vì chẳng ai biết ông Vũ Chất là ông “cha căng chú kiết” nào.

img
Cuốn sách luật in hình diễn viên hài Công Lý trên bìa.
Sự cố ầm ĩ không kém chính là việc NXB Lao động- Xã hội in hình diễn viên hài Công Lý lên bìa sách luật vì người trình bày đã lấy bừa một bức tranh minh họa từ trên mạng xuống. Nhân vật thì nổi nóng vì bị dùng hình không xin phép, độc giả thì được một phen cả cười vì trên cái bìa cuốn sách luật vô cùng nghiêm túc ấy, diễn viên hài được ghép vào một thân hình lực sĩ nhưng hai tay lại xách hai chiếc cân làm từ chảo chống dính. Thật là ẩu tả không biết để đâu cho hết. NXB thì đổ lỗi cho đối tác liên kết với họ khi dùng “hình bìa không đúng với bìa đã được duyệt”, cũng như “chưa duyệt sách mà đã phát hành ra thị trường”. Liên quan đến cuốn sách này, không chỉ NXB bị xử phạt mà vụ việc còn kéo dài cho đến đầu năm 2015, công ty in sách cũng bị xử phạt và đình chỉ hoạt động.

Quá nhiều sách nhảm

Ngoài 2 vi phạm gây xôn xao kể trên thì những lỗi sai của ngành xuất bản cũng muôn hình vạn trạng, tình trạng “sách nhảm, sách rác” ngày một nhiều. Những cuốn sách đố vui trí tuệ dành cho trẻ em có nội dung ghê rợn, phản giáo dục và vô văn hóa như kiểu “bàn tay có 5 ngón, chặt bớt đi 3 ngón hỏi còn mấy ngón” hay “anh A bị chặt đầu thì các con anh A bị làm sao? (đáp án thành trẻ mồ côi) bị các vị phụ huynh lên tiếng phản đối ầm ầm, báo chí phản ánh thì ngành xuất bản mới vào cuộc.

Lại còn có chuyện nực cười hơn khi Ban tổ chức giải thưởng uy tín nhất trong giới xuất bản là giải Sách hay 2014 còn trao nhầm giải Sách hay cho cuốn sách sửa chữa cẩu thả và vi phạm bản quyền. Đó là cuốn “Văn hoá tộc người Việt Nam” của nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi do NXB Thời Đại ấn hành năm 2013, được trao giải ở hạng mục sách nghiên cứu. Cuốn này có sai phạm nghiêm trọng khi tự ý sửa chữa và cắt xén từ cuốn sách gốc “Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người” (in lần đầu năm 1996).

Một cuốn sách khác cũng bị tuýt còi và thu hồi ngay khi vừa mới ra mắt là “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” do NXB Văn hóa- Thông tin ấn hành. Cuốn này bị phát hiện dùng tranh minh họa chân dung cho các vị tướng ẩu tả không thể chấp nhận nổi khi hàng loạt các danh tướng trong lịch sử bị lấy hình từ game online và đặc biệt nhất là 5 vị nữ tướng của nhà Tây Sơn thì bị vẽ như nhân vật trong phim hoạt hình Nhật Bản với tóc nâu, mắt to tướng.

Năm 2014 cũng là năm mà cuộc chiến với sách lậu lên tới đỉnh điểm, hàng loạt vụ kiện tụng giữa các nhà sách có bản quyền và các nhà sách in lậu đã nổ ra. Ví như nhà sách Trí Việt kiện nhà sách Huy Thi in lậu các cuốn “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt” do Trí Việt đang giữ bản quyền. Vụ cuốn “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng do NXB Kim Đồng nắm giữ bản quyền trong 10 năm từ năm 2010- 2020 nhưng bị NXB Thời đại in lậu. Đó là những cuốn sách có tên có chủ đề “đòi lại công bằng”, còn những loại sách vẫn tên NXB nắm bản quyền nhưng thực chất là “sách giả” do bị in lậu thì nhiều không kể xiết.

  Năm 2014 có 4 NXB và 2 đối tác liên kết bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 368 triệu đồng  là NXB Thời Đại, NXB Lao động-Xã hội; NXB Đồng Nai, NXB Văn hóa-Thông tin cùng 2 Công ty Minh Thành và Đinh Tỵ. 
Nhà thơ Trần Quang Quý -  Phó Giám đốc NXB Văn HọcVẫn còn nhiều cẩu thả, dễ dãi trong khâu kiểm duyệt!

Vừa qua rất nhiều báo chí đã nêu lên những sai phạm của các nhà xuất bản như là cuốn sách “Từ điển tiếng Việt” của NXB Bách khoa; cuốn “Những vị tướng anh hùng lừng danh trong lịch sử” của NXB Văn hóa- Thông tin; cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” của NXB Lao động – Xã hội... Theo tôi điều đó thể hiện sự cẩu thả, dễ dãi trong khâu kiểm duyệt nội dung bản thảo của một vài NXB. Thậm chí NXB Văn hóa - Thông tin vừa rồi có tặng tôi một tập thơ mà trong đó có nhiều bài thơ chứa nội dung mang tính dung tục, ngôn ngữ tả thô không mang tính nghệ thuật làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục Việt Nam. 

Những sai phạm của các NXB theo tôi có rất nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân lợi nhuận, kinh tế đã khiến nhiều nhà xuất bản không đủ tỉnh táo để dừng lại. Ngoài ra kiến thức của các biên tập viên còn non kém, thậm chí không hiểu mình đang biên tập cái gì dẫn đến sai sót nội dung cuốn sách.

Để hạn chế những sai phạm trong xuất bản sách cần có sự xiết chặt quản lý của Cục Xuất bản, đồng thời có những lớp bồi dưỡng, đào tạo cho biên tập viên. Việc cấp thẻ hành nghề cho biên tập viên là điều hết sức đáng mừng, để nâng cao tinh thần, trách nhiệm của biên tập viên. Tuy nhiên theo tôi, cũng không nên quá cứng nhắc trong việc bắt lỗi chính tả, bởi một năm như với NXB Văn học, chúng tôi xuất bản hàng nghìn cuốn sách thì việc có sự sai sót về chính tả là điều khó tránh khỏi.

Huy Hoàng (ghi)

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phụ trách phía Nam:Phải khắc phục một cách đồng bộ

Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự tiến bộ rõ rệt của hoạt động xuất bản sách với ngày càng nhiều các đầu sách phong phú về nội dung, đa dạng về chủng loại đề tài. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, một thực trạng đang “nóng lên” bởi những ấn phẩm làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục thanh thiếu niên.

Ðó là các loại sách về giáo dục lịch sử, đạo đức, cung cấp kiến thức khoa học, từ điển... có chất lượng kém, biên soạn cẩu thả, nội dung nhảm nhí, phản cảm, kiến thức và ngôn từ đã lạc hậu. Các sách này dù chỉ chiếm một số nhỏ trong tổng lượng xuất bản phẩm nhưng đã gây bức xúc trong xã hội. Khác với các hiện tượng nóng sốt tích cực trong làng sách, sự “nóng lên” này gây ra những nhìn nhận không đúng về ngành xuất bản, thậm chí một số bạn đọc còn bày tỏ sự mất lòng tin về chất lượng sách. Mặc dù các sách xấu chiếm tỷ lệ nhỏ trong thị trường, nhưng nó đã tồn tại lâu dài và có hệ thống. Cho nên nếu chúng ta không khắc phục một cách đồng bộ và có hệ thống thì câu chuyện này không có hồi kết.

Lê Tâm (tổng hợp)
Bộ Thông tin-Truyền thông cho biết tính từ 2.1 đến 31.12.2014, đã có 399 xuất bản phẩm (XBP) vi phạm bị xử lý. Trong đó, Cục  Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 129 XBP có nội dung vi phạm với các hình thức: Yêu cầu tái bản phải sửa chữa (18 XBP); không tái bản, nối bản (3 XBP); sửa chữa, đính chính lỗi sai (41 XBP); đình chỉ phát hành để sửa chữa (42 XBP); đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung (12 XBP); đình chỉ phát hành, thu hồi (13 XBP).

Cục đã xử lý các vi phạm khác đối với 229 XBP: Xuất bản sai với nội dung đăng ký xuất bản (13 XBP); xuất bản sai thông tin ghi trên XBP (216 XBP)... 
Không đọc xuể?

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2014 của Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức vào cuối tháng 12.2014 tại Hà Nội, ông Phạm Quốc Chính - Cục phó cho biết, năm 2014, Cục tiếp nhận lưu chiểu 25.442 cuốn sách với hơn 360 triệu bản của 63 nhà xuất bản. So với năm 2013, số đầu sách tăng 2% nhưng số bản sách tăng 32%. Tính đến ngày 20.11.2014, Cục đã đọc kiểm tra được 3.020 xuất bản phẩm. Cục cũng xử lý 234 xuất bản phẩm vi phạm của 41 NXB trong năm. Như vậy, Cục chỉ đọc hậu kiểm được 11,9% số xuất bản phẩm do thiếu người. 

Bà Mai Thị Hương - Trưởng phòng Quản lý xuất bản - cho biết đơn vị này chỉ có 10 người làm nhiều việc khác nhau; và đọc kiểm tra nội dung chỉ là một trong nhiều công việc mà họ phải làm. "Công việc đòi hỏi cao, khối lượng việc thì nhiều mà chúng tôi rất thiếu người, nên có lúc cảm giác không thể vượt qua được". Bà Hương cũng cho biết thêm, việc đọc hậu kiểm chỉ là theo cảm tính, cảm giác thấy quyển nào “có vấn đề”, được nhắc tới nhiều thì mới đọc chứ cũng không thể đọc toàn bộ.

Như vậy với số lượng sách là 25.442 cuốn nộp lưu chiểu trong năm 2014, chỉ hơn 10% trong số đó được hậu kiểm có thể thấy số lượng sách không được cơ quan chức năng “để mắt tới” nhiều đến mức nào. Tuy nhiên, việc đọc hậu kiểm chỉ là phần ngọn, phần gốc quan trọng hơn vẫn ở chính lại các NXB  “cửa ngõ” để sách ra thị trường. Với trình độ biên tập viên non kém, làm việc thiếu trách nhiệm và cẩu thả, phó mặc cho đơn vị liên kết đã khiến cho thị trường sách càng ngày càng có quá nhiều sách rác. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem