Quảng Nam: Ngày xuân vui hội Bài Chòi

Trương Hồng Thứ năm, ngày 11/02/2016 09:50 AM (GMT+7)
Cứ mỗi dịp xuân về, nhân dân các xã vùng Đông thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam lại hòa mình vào không khí vui hội Bài Chòi.
Bình luận 0

Có mặt tại hội Bài Chòi ở xã Tam Phú vui như hội, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều tụ hội về sân sinh hoạt văn hóa để nghe hát Bài Chòi. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống được bà con địa phương gìn giữ từ lâu đời.

img

Liên hoan dân ca Bài Chòi Tam Thanh là hoạt động văn hóa đặc sắc ở xã biển dịp Tết

Trải qua thời gian, Bài Chòi đã được cải biên nội dung lẫn hình thức để phù hợp với mùa xuân mới, nhưng cốt lõi là tính giáo dục và tinh thần đoàn kết cộng đồng vẫn luôn được lưu giữ.

 Dù không phải là những nghệ nhân bài chòi thực thụ, nhưng các “anh chị hiệu” là hội viên nông dân, phụ nữ, thanh niên vẫn hăng say hô bài dưới sự cổ vũ nhiệt tình của bà con. Những câu hát dí dỏm như:  Bớ ớ ơ… 20 chùa lẳng lặng mà nghe, chùa nhị đệ tới con tiền tám (báo hiệu có người kinh bài con Tám tiền)… hay câu thai hô bài bằng các trích đoạn cải lương: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ… đề cao tình nghĩa vợ chồng thủy chung, huynh đệ sắt son luôn nhận được những tràn pháo tay rôm rả.

Ông Hồ Thanh Mai (75 tuổi, là người đã nhiều năm gắn bó với công tác tổ chức hội bài chòi ở xã Tam Phú) chia sẻ, ngày trước hội bài chòi được tổ chức ở sân đình nhưng nay thường chọn một địa điểm thoáng, rộng như sân sinh hoạt nhà văn hóa để tiện cho bà con tham gia và giới thiệu đến du khách.

 Hội Bài Chòi Mừng Đảng đón Xuân Bính Thân 2016 diễn ra từ ngày mồng 1 đến mồng 6 Tết, trước là để phục vụ bà con vui xuân, sau cũng là nhằm vận động gây quỹ để hoàn thiện thiết chế văn hóa làm sân sinh hoạt văn nghệ thể dục thể thao trong thôn.

 Mỗi ván bài có 10 người chơi, mỗi người góp 10 nghìn đồng, chơi trong 7 hội, ai trúng 1 hội sẽ được 10 nghìn, vị chi 7 hội là 70 nghìn, còn lại 30 nghìn làm quỹ. Mọi thông tin ủng hộ cũng được công khai rõ ràng do đó bà con hưởng ứng rất tích cực.

 “Chúng tôi rất vui khi thấy lớp trẻ vẫn tiếp tục duy trì trò chơi truyền thống này. Bởi ngoài ý nghĩa giữ gìn vốn văn hóa của cha ông còn có ý nghĩa góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè trong những ngày xuân...” - ông Mai nói.

Còn với ông Trương Minh Hạnh nhiều năm tham gia làm anh hiệu ở hội Bài Chòi xã Tam Thăng chia sẻ: “Ngày Tết người dân tham gia chơi rất đông, các “hiệu” chúng tôi dù có lúc rất mệt nhưng vẫn vui và ráng phục vụ hết mình… Khi nào người dân còn chơi Bài Chòi là chúng tôi còn phục vụ… Bởi Bài Chòi chính là “đặc sản” không thể thiếu trong mỗi Tết cổ truyền đối với chúng tôi”.

img

 Vui hội Bài Chòi đầu xuân Bính Thân 2016 ở vùng ven thành phố Tam Kỳ

Trao đổi với ông Trần Văn Bé, Chủ tịch UBMT TQVN xã Tam Thanh cho biết: Xuân Bính Thân là năm thứ 3 xã Tam Thanh tổ chức Liên hoan hô hát Bài Chòi, với sự tham gia của 6 CLB Bài Chòi trên toàn xã. Đây là dịp để các nghệ nhân giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm lại cho thế hệ trẻ.

Từ đó tìm ra những truyền nhân kế thừa nét văn hóa độc đáo này. Bên cạnh đó, HĐND xã cũng đã thông qua Nghị quyết về bảo tồn, phát huy nghệ thuật hô hát bài chòi và hát bả trạo phục vụ phát triển du lịch biển.

Có thể nói rằng, ở nhiều địa phương vùng Đông thành phố Tam Kỳ, hội Bài Chòi không chỉ là điểm vui xuân đón Tết đậm chất văn hóa cổ truyền mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, để những người con xa quê gặp lại cố nhân, bạn hữu sau nhiều năm. Từ mối dây gắn kết đó, mọi người cùng nhau góp sức xây dựng địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem