Sách "cẩu thả": Chỉ có 5 biên tập viên mà cấp cả ngàn giấy phép/năm

Thứ sáu, ngày 23/01/2015 15:03 PM (GMT+7)
Tình trạng sách có nội dung sai lệch, nhảm nhí, phản cảm… xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây gây bức xúc trong xã hội. Nhưng lâu nay, chúng ta vẫn chỉ “kêu” sách mà ít khi truy xét đích danh người viết, người biên tập và các nhà xuất bản.
Bình luận 0

Nhận diện sách “ô nhiễm”

Mới đây, Hội Xuất bản VN và Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM phối hợp tổ chức tọa đàm “Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên”, nhằm phân tích thực trạng và tìm giải pháp để khắc phục vấn nạn sách xấu đang hoành hành, đặc biệt là nhận dạng rõ những sai trái trong công tác xuất bản để có biện pháp đối phó.

img

Hoạt động xuất bản thời gian gần đây bị mất lòng tin do sự xuất hiện ngày càng nhiều những xuất bản phẩm “ô nhiễm. Ảnh minh họa

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản VN (phụ trách phía Nam), biểu hiện của các dạng sách làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục thanh thiếu niên chủ yếu là loại sách giáo dục lịch sử, đạo đức, cung cấp kiến thức khoa học, sách từ điển... có chất lượng kém, biên soạn cẩu thả, nội dung nhảm nhí, phản cảm, kiến thức và ngôn từ lạc hậu, thậm chí sai lệch.

Số liệu từ Cục Xuất bản – In – Phát hành (Bộ Thông tin – Truyền thông) cho biết, hiện cả nước có khoảng 20 NXB tham gia xuất bản sách dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng (TTN-NĐ) với khoảng 5.000 cuốn/năm (chiếm khoảng 17% tổng số sách toàn ngành), chủ yếu ở các thể loại: sách thiếu nhi; sách tham khảo học sinh; từ điển các loại; sách văn học; sách ứng xử, kỹ năng sống; sách khoa học tự nhiên, xã hội… Theo bà Mai Thị Hương, Trưởng phòng Quản lý xuất bản, có ba vấn đề tồn tại đối với xuất bản sách dành cho TTN-NĐ hiện nay, gồm sách vi phạm các quy định pháp luật về xuất bản (có nội dung bạo lực, vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục VN…); sách có nội dung vô bổ, nhảm nhí, không có giá trị giáo dục và sách có nội dung giáo dục nhưng không được biên tập kỹ, dẫn đến sai sót, gây phản cảm…

Về tác hại của những loại sách “ô nhiễm” này, các đại biểu cho rằng, về lâu dài sẽ làm tha hóa thị hiếu thẩm mỹ, đạo đức, chính trị, pháp luật, tạo ra sự vô cảm, nhẫn tâm hoặc vô trách nhiệm trong tâm hồn tuổi trẻ, cổ súy cho sự băng hoại đạo đức xã hội. Sách “ô nhiễm” đặc biệt ảnh hưởng xấu đến học sinh, làm giảm lòng tin của cộng đồng với ngành xuất bản, gây khó khăn cho tác giả cũng như các NXB chân chính.

Đường đi của sách xấu

Ông Vũ Đình Thân, Giám đốc Cty TNHH TMDV Văn hóa Gia Vũ, kể rằng một NXB vừa mới thành lập đi tìm đối tác liên kết, thì có một nhà sách cung cấp một lúc 200 bản sách đủ loại. Giám đốc NXB này lúng túng không biết xử lý sao, nên nhờ ông Thân thẩm định. Ông bảo với vị giám đốc là cần gặp tác giả, vì trong mỗi cuốn đều có vấn đề cần trao đổi, lập tức Giám đốc NXB trả lời rằng: “Nếu đồng ý thì làm để nhận quản lý phí, chứ tác giả cũng là tôi (ý là Giám đốc NXB này)”(!). Ông Thân cho rằng không thể đảm bảo rằng những bản thảo đó không được mang đến một NXB khác, và gặp một NXB dễ dãi nào đó thì số sách trên sẽ được lưu hành trên thị trường sách tham khảo dành cho học sinh.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, để một cuốn sách ra đời về mặt quản lý cần có đủ: đối tượng liên kết, nguồn gốc bản thảo, tác giả, dịch giả đều phải được thể hiện qua các thủ tục như hợp đồng tác quyền, hợp đồng liên kết dẫn đến thủ tục xuất bản. Bên cạnh là công tác biên tập, người làm biên tập phải am hiểu chuyên môn. Tuy nhiên hiện nay nhiều người thường lẫn lộn giữa công tác biên tập và sửa bản in, nên dễ xảy ra tình trạng bỏ sót chuyên môn của tác phẩm, thậm chí khi biên tập một cuốn sách dịch cũng không cần bản gốc để đối chiếu mà chỉ chỉnh sửa lỗi chính tả rồi ký tên đã biên tập... Với quy trình dễ dãi này mà sách xấu, sách “ô nhiễm” có điều kiện tuồn ra ngoài rồi đến tay công chúng.

Qua thực tế cấp phép xuất bản và giao dịch với một số đối tác, ông Lê Thanh Hà, Giám đốc NXB ĐH Sư phạm TP.HCM đưa ra những căn cứ kết luận có tồn tại hiện tượng “bán giấy phép”. Theo đó, đối tác muốn có giấy phép nhanh để kịp kế hoạch in và phát hành, thậm chí tệ hơn là lo lắng tốn kém vì phải in bản thảo và đi lại nhiều lần, họkhông quan tâm nhiều đến chất lượng bản thảo. Khi NXB yêu cầu sửa chữa, họbức xúc và so sánh tiến độ cấp phép với một số NXB khác. “NXB ĐH Sư phạm TP hiện có 9 biên tập viên (BTV) cơ hữu và gần 70 BTV là cộng tác viên thường xuyên nhưng biên tập từ 350-400 bản thảo mỗi năm đã là quá sức, chúng tôi không hiểu vì sao có NXB chỉ có 5 BTV mà cấp tới cả ngàn giấy phép một năm? Phải chăng đây cũng là một nguyên do để các xuất bản phẩm yếu kém ra đời”, ông Hà nói.

Cũng có đại biểu cho rằng, để giành được quyền cấp giấy phép, các NXB hạ phí biên tập, phí xuất bản dẫn tới biên tập qua loa hoặc không biên tập. Nhiều NXB hiện nay do không đủ năng lực tự xuất bản, chủ yếu phải nhờ đến các đối tác liên kết, do đó phải “chiều” đối tác nên dễ bị các đối tác này thao túng…

Tự thân NXB yếu kém, đừng đổ lỗi cho ai

Theo phân tích của những người làm công tác xuất bản, tiền quản lý phí thu được từ một xuất bản phẩm liên kết là quá thấp, chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng đối với một cuốn sách 500-700 trang. Nếu là sách về tôn giáo, khoa học chuyên ngành, từ điển... thì không thể đọc và biên tập trong thời gian ngắn được nên nhiều NXB phải thuê chuyên gia đọc, biên tập và trả cho họvài ba triệu/cuốn thì coi như NXB làm không công cho đối tác. Nếu thẩm định, biên tập kỹ thì đối tác gây áp lực đưa sang NXB khác... Do thu phí quản lý từ một cuốn thấp nên phải liên kết nhiều cuốn, từ đó bỏ qua quy trình hoặc biên tập cẩu thả.

Thực tế cho thấy, những loại sách ô nhiễm như nói trên thường lặp đi lặp lại bởi một số dạng “tác giả”, “nhóm biên soạn” ở một số NXB, một số đối tác liên kết làm sách, tuy nhiên, theo các đại biểu, mô thức liên kết không phải là nguyên nhân chính gây nên sách xấu (dù có NXB có tỷ lệ sách liên kết chiếm đa số đầu sách xuất bản mỗi năm), mà chính là ở tự thân một số NXB yếu kém.

Ông Lê Hoàng phân tích, việc để lọt những ấn phẩm xấu ra xã hội là do năng lực và trách nhiệm của cán bộ quản lý, BTV trong các NXB yếu kém và tắc trách. Điều này dẫn đến quy trình xuất bản, thủ tục pháp lý bị buông lỏng. Cùng quan điểm này, bà Mai Thị Hương cho rằng, hiện nay nhiều BTV yếu kém về nghiệp vụ, chuyên môn, bản lĩnh chính trị và thiếu nhạy bén trước những vấn đề có tính nhạy cảm.

Trước vấn nạn này, theo các đại biểu, cơ quan chức năng cần nghiêm khắc hơn trong duyệt và xác nhận đăng ký đề tài cho NXB, phải dựa trên năng lực thực sự và chức năng của NXB. Chẳng hạn một NXB chỉ có 5 BTV thì duyệt xác nhận đăng ký đề tài cho số lượng đầu sách không như NXB có 20 BTV được; NXB của bộ, ngành này không được làm sách thuộc lĩnh vực của bộ, ngành khác và dứt khoát là không cấp phép cho các NXB địa phương làm từ điển ngôn ngữ, từ điển chuyên ngành…

Song song với công tác quản lý thì việc thanh kiểm tra phải thường xuyên chứ không đợi đến khi báo chí phát hiện thì mới vào cuộc là quá chậm, sách đã đi được không gian và thời gian dài. Điều dễ thấy nữa là mức độ và hình thức xử phạt hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

(Theo Báo Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem