Se sẽ khóc cười rưng rưng trong đêm thơ sinh nhật Lưu Quang Vũ

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 18/04/2019 08:00 AM (GMT+7)
"Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất" - đêm thơ kỷ niệm 71 năm ngày sinh nhà thơ Lưu Quang Vũ dành cho những người yêu thơ Vũ đã diễn ra vô cùng xúc động vào tối 17.4 tại Ơ kìa Hà Nội.
Bình luận 0

img

Bà Lưu Khánh Thơ (thứ 2 trái sang), ông Lưu Quang Định (thứ 4 trái sang) cùng nhiều người nhà của nhà thơ Lưu Quang Vũ có mặt trong đêm thơ

Hiện diện tại sự kiện này có bà Lưu Khánh Thơ, ông Lưu Quang Định – các em ruột của nhà thơ Lưu Quang Vũ cùng những người thân của nhà thơ, nhiều khách mời nghệ sỹ và những người hâm mộ thơ ông cùng rất nhiều bạn trẻ tuổi teen.

img

Rất đông khán giả ngồi đợi đêm thơ trong đó có nhiều bạn trẻ

Đêm thơ thông báo bắt đầu từ 19h tối nhưng từ 16h, nhiều người đã đến để giữ chỗ. Đến 19h thì khu sân vườn của Ơ kìa Hà Nội - với sức chứa 150 người - đã chật kín. Mọi người không những ngồi đầy sân, mà trong nhà, trên gác, ở cầu thang lên xuống..., bất cứ chỗ nào còn trống là có người.

Mặc dù rất đông người nhưng không gian vô cùng lắng đọng. Mọi người đều trầm mặc, dường như nín thở kiên nhẫn chờ đợi giây phút bắt đầu với tâm thức đúng như tên của nó: “Se sẽ thôi kẻo cánh buồm bay mất”. Cuối cùng đêm thơ được bắt đầu lúc 20h, chậm hơn dự kiến 30 phút, nhưng không có vị khách nào rời khỏi chỗ của mình vì sợ … mất chỗ.

img

Đạo diễn Nguyễn Thước

Bộ phim tài liệu “Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh gửi lại” của đạo diễn Nguyễn Thước – Bùi Tuấn, biên kịch Đào Trọng Khánh được trình chiếu với phiên bản rút gọn 20 phút (bản chính thức dài 50 phút) để bắt đầu sự kiện với những hình ảnh khiến nhiều người rơi lệ.

Đạo diễn Nguyễn Thước chia sẻ anh không gặp khó khăn gì vì đã rất thân thiết với gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ từ trước, đặc biệt anh từng là người luyện thi ĐH Sân khấu điện ảnh cho con trai Lưu Minh Vũ của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Nhưng có điều là Lưu Quang Vũ không có một hình ảnh động nào từ trước tới giờ ngoài 2 phút quay đám tang. Đạo diễn Nguyễn Thước dành nhiều thời gian để nói về tác giả kịch bản Đào Trọng Khánh, hiện sức khỏe yếu không thể ra dự được buổi lễ kỷ niệm này.

img

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đọc thơ Lưu Quang Vũ

Đương thời, nhà thơ Lưu Quang Vũ từng mến mộ thơ của nhà thơ Đào Nguyễn và rất tiếc nuối khi nhà thơ bỏ nghề thơ để chuyển sang một nghề “vớ vẩn” - đạo diễn phim tài liệu. Lưu Quang Vũ vẫn hằng mong một ngày, người bạn thơ tài năng này sẽ bỏ nghề làm phim để trở lại là một nhà thơ. Nhà thơ Đào Nguyễn không ai khác chính là đạo diễn Đào Trọng Khánh, và xót xa thay, 20 năm sau ngày mất của Lưu Quang Vũ, ông chính là người viết kịch bản cho bộ phim tài liệu tưởng niệm người bạn của mình.

img

Nhạc sĩ Lê Tâm và ca khúc "Tiếng Việt"

Sau khi nhạc sĩ Lê Tâm thể hiện ca khúc “Tiếng Việt” mà anh đã phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Lưu Quang Vũ, bà Lưu Khánh Thơ chia sẻ về những câu chuyện xung quanh những dị bản khác nhau của một số câu thơ trong bài thơ này, trong đó có câu:“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”.

Khi bài thơ được đưa đi in, nhà thơ Phạm Tiến Duật khi đó là biên tập báo Văn Nghệ đã đề xuất sửa câu thơ thành “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” vì sợ từ “bùn” không được đẹp. Nhà thơ Xuân Quỳnh là người truyền đạt lại ý kiến của nhà thơ Phạm Tiến Duật đến nhà thơ Lưu Quang Vũ. Ban đầu Lưu Quang Vũ không đồng ý, nói rằng in thì phải để nguyên, không in thì thôi. Nhưng nhà thơ Xuân Quỳnh đã thuyết phục chồng rằng cứ để cho bài thơ được ra mắt công chúng trước đã, sau này có điều kiện rồi sẽ công bố bản gốc sau. Và quả thật sau này khi Nhà xuất bản Giáo dục đưa bài thơ vào sách cho học sinh trung học, bản gốc đã được đưa vào để tạo cho các em những suy nghĩ rộng mở hơn vì cả hai bản đều có nét đẹp riêng của nó.

img

Hương Bông - Đỗ Kỷ hóa thân vào Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ

Xúc động nhất phải kể đến sự xuất hiện của nghệ sỹ Hương Bông và Đỗ Kỷ trong vai Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ với những bức thư có thể gọi là thư tình hai người viết cho nhau. Những bức thư qua lại khi hai người xa nhau vừa gần gũi, thân thương như bất cứ đôi lứa yêu đương nào vừa đầy ắp lý tưởng, suy tư trăn trở của những con người mang nhân cách và sứ mệnh lớn của thời đại.

img

NSND Hoàng Dũng đọc thơ Lưu Quang Vũ

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, NSND Hoàng Dũng cũng đóng vai trò là những người đọc thơ để tự mình được cất lên những tiếng thơ mà mình yêu thích.

NSND Hoàng Dũng chia sẻ câu chuyện xúc động về kỷ niệm liên quan đến sự nghiệp cũng như đời sống của mình với nhà thơ Lưu Quang Vũ. Khi còn trẻ, chưa có chỗ đứng trong nghề, chính nhà thơ Lưu Quang Vũ là người đã phân vai diễn cho NSND Hoàng Dũng, cũng như ưu ái thêm thắt những câu thoại cho vai diễn của ông. Vai diễn đầu tiên ông được giải thưởng cũng là từ kịch của Lưu Quang Vũ. NSND Hoàng Dũng xúc động kể lại kỷ niệm mình được cả Lưu Quang Vũ lẫn Xuân Quỳnh giúi cho vài trăm ăn Tết, lúc ấy ông chỉ biết đứng ngây người nước mắt lưng tròng.

img

Nhạc sĩ Giáng Sol xuất hiện sau khung cửa sổ sau khi tự đánh lên những giai điệu của "Em vẫn mơ về"

Một số bài thơ nổi tiếng của Lưu Quang Vũ còn được thể hiện qua giọng đọc của ca sĩ Giang Trang, đạo diễn Hoàng Điệp, Kim Thanh… Đến từ đầu chương trình nhưng nhạc sĩ Giáng Sol giấu mặt và bất ngờ lộ diện cuối cùng với giai điệu của ca khúc mới chưa từng được công bố “Em vẫn mơ về” dành tặng cho đêm thơ.

img

Các khách mời của đêm thơ trong những giây phút cuối cùng của sự kiện

Đêm thơ đã trải qua 3 tiếng đồng hồ tràn ngập tình cảm, nỗi nhớ thương và trân trọng sự hiện diện của nhà thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh trên cuộc đời này cũng như các tác phẩm nghệ thuật mà hai người đã để lại. Đêm thơ kết thúc nhưng những người tổ chức sự kiện hẹn sẽ tiếp tục nối dài những hoạt động để gây dựng lại miền ký ức của cặp vợ chồng tài hoa Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Những sự kiện tiếp theo về hai nhà thơ dự kiến sẽ diễn ra vào mua thu tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem