Tản văn: Chế biến nhanh, tiêu thụ nhanh, liệu có phải “fast-food”?

Khánh Thư Thứ năm, ngày 02/07/2015 15:49 PM (GMT+7)
Có ý kiến khẳng định tản văn là thể loại chế biến nhanh, tiêu thụ cũng nhanh thì đích thị là một thứ fast-food (đồ ăn nhanh). Nhưng ý kiến khác lại cho rằng fast-food cho nhiều gia vị đậm kích thích vị giác nhưng hại sức khỏe, còn tản văn thì không hề hại cho cho tâm hồn.
Bình luận 0

Những ý kiến đa chiều thú vị đã được đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề "Tản văn có phải fast-food?" diễn ra tối 1.7 tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace (Hà Nội). Đảm nhiệm vai trò người dẫn dắt buổi tọa đàm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định, thể loại tản văn thời gian gần đây đang có một sự bùng nổ về số lượng tác phẩm cũng như các cây viết đã “nhảy” vào thể loại này nhiều hơn. Việc đông đảo các tác phẩm tự truyện, hồi ký, du ký, tản văn... ra đời và chiếm được sự quan tâm của bạn đọc cho thấy sự gia tăng nhu cầu tìm về thực tế, tìm về sự thực, tìm về phi hư cấu.

img
Từ trái sang: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Trương Quý, họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn trên hàng ghế diễn giả của tọa đàm "Tản văn có phải fast-food?". Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Để minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thể loại tản văn thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Trẻ dẫn ra một vài con số: Nếu như từ năm 2010 đến 15.6.2015, NXB Trẻ ra mắt 62 tựa sách thuộc thể loại tản văn thì tính 3 năm gần đây, con số này là 47 tựa sách và nếu chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay đã có 18 tựa sách tản văn đến với bạn đọc. Và mặc dù có những ý kiến cho rằng tản văn khó bán, nhưng trên thực tế, hơn 32 ngàn bản của 18 tựa sách đã bán ra chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 tính riêng ở chi nhánh Hà Nội của NXB Trẻ đã là một con số khả dĩ so với cả những thể loại văn học hấp dẫn khác như truyện ngắn, tiểu thuyết…

Có phải đồ ăn nhanh ?

Cho rằng tản văn là thể loại phi hư cấu, không niêm luật chặt chẽ và gắn nhiều với báo chí, nhà báo - nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam so sánh tản văn như một dạng “fast-food” bởi tính chất chế biến nhanh mà tiêu thụ cũng nhanh. Theo đó, một cái note trên mạng xã hội Facebook cũng có thể là một tản văn được rất nhiều người đọc. Và thực tế là chính từ mạng xã hội ta cũng có thể bắt gặp nhiều cây bút viết tản văn rất hay.

Tuy nhiên, đối với họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn, một trong hai diễn giả của buổi tọa đàm thì quan niệm trên đây vừa có cái đúng lại vừa có cái không đúng. Đúng là tản văn đọc rất nhanh, không mất quá 10 phút để người ta đọc xong một tản văn. Nhưng viết tản văn lại không nhanh. “Tản văn viết càng ngắn càng tốn chữ vì mỗi chữ phải cân nhắc, động não rất nhiều để có thể truyền tải được thông điệp, từng chữ không thể phí phạm. Trong 100 chữ có khi chỉ dùng được 2 chữ. Nếu không đủ chữ thì có khi không viết được tản văn”.

img
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Trẻ dẫn ra những con số cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của tản văn thời gian gần đây. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tọa đàm "Tản văn có phải fast-food?" không chỉ là nơi để các diễn giả, nhà văn, nhà nghiên cứu, chuyên gia… bày tỏ quan điểm mà cả những người đến nghe cũng có thể chia sẻ góc nhìn riêng của mình. Như một ý kiến được đưa ra từ hàng ghế người tham dự cho rằng: “Tản văn không phải fast-food vì fast-food  không ngon, muốn ngon phải về ăn cơm nhà. Nhưng tản văn vẫn có những cái ngon. Có thể coi tản văn như một loại hình nghệ thuật đương đại".

Tương tự, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu – tác giả "Bóng đè" cũng không đồng ý với việc coi tản văn là "fast-food" vì theo như phân tích của chị thì "đồ ăn nhanh thường cho nhiều gia vị đậm kích thích vị giác nên dễ thấy ngon nhưng có hại cho sức khỏe, còn tản văn lại không hề hại cho tâm hồn".

Tản văn cũng có đẳng cấp

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, "tản văn rất tản mạn, chuyện nọ xọ chuyện kia, không sắp xếp theo cấu trúc logic là một sự thách thức đối với người viết". Bởi cũng như ngoài đời, có người kể chuyện hay, có người kể chuyện chán thì tản văn phải làm sao toát lên được giọng của người viết. “Tản văn cũng giống như lục bát, viết thì dễ nhưng để viết cho hay, viết cho ra chất thì không dễ” – nhà phê bình này khẳng định.

img
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Vậy làm thế nào để viết được tản văn hay? Th.s Mai Anh Tuấn – giảng viên Khoa Viết văn – Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng để viết được tản văn hay, người viết cần thoát khỏi con người cá nhân, sự hoài niệm và phải hướng đến việc khảo cứu, nâng tầm vấn đề và thể hiện sự am hiểu về muôn mặt đời sống. Anh cũng đánh giá cao những cây viết tản văn mà tên tuổi đã được khẳng định như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Trương Quý… và đặc biệt là Nguyễn Việt Hà - một cây viết mà anh cho rằng đã đạt đến mẫu mực của thể loại tản văn.

Bày tỏ sự ấn tượng với chủ đề của buổi tọa đàm "Tản văn có phải fast-food?", nhưng nhà nghiên cứu phê bình văn học – PGS.TS.Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) đã có một cái nhìn đáng suy ngẫm khi khẳng định: “Một nhà văn và một người đọc chân chính không phân biệt thể loại mà quan tâm tới giá trị của tác phẩm. Tản văn cũng có đẳng cấp. Những tác phẩm tản văn của Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà… viết về các nhà văn phải nói là tuyệt vời. Có những tản văn của Cao Huy Thuần, Việt Linh… có thể đọc đi đọc lại vẫn được”. PGS.TS.Lưu Khánh Thơ cũng cho rằng giọng điệu, điểm nhìn là yếu tố quan trọng làm nên một tác phẩm tản văn hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem