Vận động loại bỏ lễ hội phản cảm: Cần thời gian và sự công tâm

Thanh Hà Thứ bảy, ngày 11/04/2015 08:02 AM (GMT+7)
Tiếp tục giải quyết những bức xúc trong dư luận về các hình ảnh mang tính bạo lực, phản cảm ở những lễ hội đâm trâu, chém lợn, cướp phết, cướp lộc… Bộ VHTTDL ra công văn yêu cầu các Sở VHTTDL vận động nhân dân loại bỏ, thay thế các hủ tục đó. 
Bình luận 0

Lễ hội nhiều, vi phạm nhiều

Theo Bộ VHTTDL, ở Việt Nam, hiện có 7.966 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian là 7.939, tức 88,36%. Hoạt động lễ hội diễn ra khắp các địa phương của cả nước, đa dạng về loại hình và nội dung thì phong phú, hình thức hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu, tín ngưỡng của người dân và du khách. Tuy nhiên cũng bởi quá nhiều lễ hội mà xuất hiện những biến tướng vi phạm thuần phong mỹ tục.

Những hình ảnh đánh nhau đến chảy máu, những thanh niên cầm vồ đập đầu trâu đến chết, hay những hình ảnh giẫm đạp, chèn ép để tranh cướp lộc ở những lễ hội cầu trâu, cướp phết ở Phú Thọ, chém lợn ở Bắc Ninh, đánh nhau tranh lộc ở hội Gióng (Hà Nội)… vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận.

img
Khuôn mặt thất thần của một thanh niên khi trải qua những phút "hành xác" tại lễ hội cướp phết ở xã Hiền Quan (Phú Thọ). đ.D

Chính từ thực tế này mà mới đây, Bộ VHTTDL đã tiếp tục ra Công văn số 943/BVHTTDL-VHCS yêu cầu các Sở VHTTDL tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đặc biệt trong công văn đã nhấn mạnh đối với các lễ hội được tổ chức định kỳ mà có nghi thức, nghi lễ, nội dung gây bức xúc trong dư luận như “cầu trâu”, “chém lợn”, “cướp phết”, “tranh lộc”… cần tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, hội thảo và lựa chọn hình thức phù hợp, vận động nhân dân loại bỏ, thay thế các tập tục để phù hợp với xu thế thời đại. Không cấp phép mới, phục dựng đối với những lễ hội có hình thức, nội dung tương tự.

Chia sẻ về công văn này của Bộ VHTTDL, ông Phạm Bá Khiêm- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết, vừa qua Phú Thọ có thể nói là điểm nóng về những hình ảnh phản cảm, mang tính bạo lực trong các lễ hội đã gây bức xúc trong dư luận. Nên ngay khi nhận được Công văn 943 của Bộ, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã có văn bản tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với người dân ở Hương Nha, huyện Tam Nông, nói rõ cho người dân biết về Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư cùng Công điện số 229 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Nội dung này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

“Tôi rất mừng khi cơ bản người dân đã ủng hộ và đề nghị lễ hội truyền thống vẫn được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên tất cả người dân đều đồng ý loại bỏ những phần hủ tục, bạo lực, gây phản cảm trong lễ hội không phù hợp với xã hội ngày nay” - ông Phạm Bá Kiên nói.

Vận động để dân hiểu

Sở VHTTDL Phú Thọ cũng đã có công văn gửi tới Ban tổ chức hội chọi trâu Phù Ninh là không được giết thịt trâu sau khi thi đấu mà phải để trâu để làm giống. Đồng thời, Sở VHTTDL Phú Thọ cũng đang tham khảo các nhà văn hóa dân gian để có định hướng cho những lễ hội vào năm tới đây tránh gây phản cảm, bạo lực như những sự việc vừa qua.

Quan điểm

TS Trần Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL
  Việc quản lý tại các lễ hội cần phải nhấn mạnh vai trò hơn nữa của chính quyền địa phương, các ban tổ chức lễ hội. Họ phải có trách nhiệm cao hơn trong quản lý, tổ chức lễ hội lành mạnh, văn minh”.  
“Bản thân tôi nghĩ lễ hội truyền thống không hẳn chỉ là lễ hội mà nó còn là hoạt động tâm linh đã trải qua hàng nghìn năm. Lễ hội cầu trâu ở Hương Nha đã có từ năm 43, tức là từ đầu Công nguyên và cho đến giờ là gần 2.000 năm. Người dân địa phương luôn cho rằng lễ hội cầu trâu là một phần văn hóa của cộng đồng, một lễ hội linh thiêng của địa phương. Tuy nhiên về nghi lễ, hành động đập đầu trâu có thể nên thay bằng hình thức khác, ví dụ như sân khấu hóa, và sử dụng ánh đèn sao cho hợp lý. Ngày xưa chưa có điện thì họ chỉ sử dụng hai bó đuốc, còn giờ đây ánh điện sáng choang, thì cảnh tượng máu bắn vãi cũng sẽ hãi hùng hơn” - ông Phạm Bá Khiêm cho hay.

 

Ông Nguyễn Văn Ảnh – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh- nơi có lễ hội chém lợn Ném Thượng gây xôn xao dư luận, cho biết, về mặt chủ trương chỉ đạo, Sở VHTTDL Bắc Ninh đã nhất trí sẽ vẫn giữ lễ hội truyền thống, nhưng phần chém lợn sẽ bỏ đi. Tuy nhiên việc cắt bỏ phần lễ mang tính bạo lực này cũng cần có thời gian để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu. Sở sẽ lên kế hoạch cụ thể để giải thích, phân tích cho các cụ cao niên tại làng Ném Thượng hiểu đó là hành động mang tính bạo lực, không mang tính giáo dục con cháu mà cũng không còn phù hợp với xã hội ngày nay.

Một địa phương cũng được cho là điểm nóng về các lễ hội đó là Lào Cai. Theo ông Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VHTTDL, tại tỉnh này 1 năm có hơn 20 lễ hội, trong đó cũng có một nghi lễ của người Mông được gọi là lễ Ma Trâu. Đây là một nghi lễ cổ xưa được người Mông tổ chức cúng hồn cho người vừa chết, bằng hình thức đập đầu trâu để làm lễ. Theo quan niệm của người Mông, khi đập đầu trâu như vậy, người chết mới nhận được đầu trâu tức là đã nhận được sức mạnh. Người Mông đã có câu tục ngữ “Bố mẹ lấy cho con một con dâu thì khi bố mẹ chết, con sẽ nợ bố mẹ một con trâu…”. Việc vận động để đồng bào người Mông bỏ những nghi lễ này là không đơn giản, cần có thời gian rất lâu.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là phải quản lý những lễ hội có tác động tới cơ chế thị trường và có sự sai lệch, thương mại hóa lễ hội như cướp phết ở Phú Thọ, tranh lộc ở đền Gióng – Hà Nội, cướp lộc, ấn ở đền Trần - Nam Định… Hơn nữa, dư luận cũng cần công tâm, ứng xử bình tĩnh với tất cả các thông tin khi được đưa lên mạng” - ông Trần Hữu Sơn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem