Vẫn "nóng" chuyện đặt tên đường phố Hà Nội

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 05/11/2015 15:42 PM (GMT+7)
Việc đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng (vườn hoa, công viên, quảng trường...). luôn là vấn đề quan trọng, bức thiết trong công tác quản lý đô thị, nhất là ở một thành phố lớn như thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến.
Bình luận 0

Mấy năm vừa qua không thể phủ nhận Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc đặt tên, đổi tên đường phố này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số vấn đề chưa hợp lý, bất cập, thiếu đồng bộ nhất là trong việc xây dựng quy hoạch mang tính định hướng về quỹ đường, quỹ tên để đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố.

img

Phố Trịnh Công Sơn

Tại Hội nghị về nâng cao chất lượng công tác đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức sáng ngày 5.11, TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên hội đồng di sản văn hóa quốc gia nhận định, một trong những bất cập lớn nhất của công tác đặt, đổi tên đường phố là vấn đề dự báo và quy hoạch dường như còn bị động và xử lý nhiều trường hợp thiếu tính hệ thống, từ đó dẫn tới việc chuẩn bị tên đường, tên phố đôi lúc không được thấu đáo. Ví dụ như vừa qua, hai vị vua thời Mạc là Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông được đặt tên phố khiến dư luận xôn xao.

Đồng quan điểm với TS Phạm Quốc Quân, TS, KTS Ngô Doãn Đức cho hay, trên thực tế nhiều con phố chưa hoàn thành, chưa rõ và dứt khoát về quy hoạch nhưng vẫn đưa danh sách đề nghị đặt tên vào con phố đó, dẫn đến khi sau quy hoạch phải điều chỉnh lại tên phố.

“Vì không có tính dự báo và quy hoạch nên việc sắp giữa tên phố cổ và những khu đô thị mới chưa tạo được khoa học, bố cục không tốt nên việc gán ghép giữa mới và cũ tạo nên sự lỏng củng, lộn xộn. Một danh nhân có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử được đặt tên cho phố quá lâu trong bối cảnh Hà Nội mở rộng gấp 4,5 lần thì con phố nhỏ đó lại có vẻ chưa xứng tầm với vị thế của danh nhân này”, KTS Ngô Doãn Đức nói.

Ý kiến tham luận của PGS, TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và nhân văn cũng chỉ rõ điều này, chẳng hạn như danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, một đại thần nổi tiếng của nhà Trần cùng thời Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu… được đặt tên cho một ngõ nhỏ ở quận Hai Bà Trưng từ phố Nguyễn Công Trứ (số nhà 18 rẽ vào) dài 46m, rộng 3m.

Để giải quyết bất cập này, theo TS Phạm Quốc Quân cần có sự liên thông giữa các sở ban ngành có liên quan,  sự định hướng của các cấp có thẩm quyền phải minh bạch, rõ ràng và nhất quán.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Nhật, khi đặt tên đường, Hà Nội cần chuẩn bị một ngân hàng dữ liệu tên và chia (sắp xếp) theo loại hình như: Địa danh, nhân vật, sự kiện…đồng thời lập sơ đồ và lên danh mục các đường, phố, công trình công cộng cần đặt tên.

Cần có nghiên cứu kỹ, xác minh một cách khoa học và chính xác tên các nhân vật, danh nhân trước khi đặt; khi đặt biển cần có chú giải như: tên gọi, năm sinh, năm mất và công trạng của danh nhân để người dân hiểu tên phố mà mình đang sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem