Vì sao phim cổ tích ngày càng trở nên đen tối và đáng sợ?

Phan Ca Thứ tư, ngày 04/02/2015 10:33 AM (GMT+7)
Kho tàng cổ tích thế giới luôn là nguồn ý tưởng dồi dào và giàu sức hấp dẫn cho các nhà làm phim Hollywood cũng như mọi quốc gia khai thác. Nhưng những bộ phim ngày càng đen tối và đáng sợ hơn, khiến cho nhiều người phải đặt câu hỏi, phim cổ tích có còn thực sự dành cho thiếu nhi?
Bình luận 0

Khi phim cổ tích mang màu tối

Tháng 1.2015, bộ phim cổ tích – nhạc kịch Into The Woods (dịch nghĩa là Tiến vào rừng thẳm, tên chiếu rạp ở Việt Nam là Khu rừng cổ tích) ra mắt và gây rất nhiều tranh cãi từ phía người xem.

Số đông khán giả tỏ ra thất vọng, tuyên bố phim gây hoang mang cho trẻ nhỏ. Into the Woods với kịch bản ghép nối 4 câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất mọi thời đại vào một thế giới đẹp mê hồn, pha trộn cùng phép thuật và âm nhạc, khiến cho nhiều người mong chờ một phim phiêu lưu kỳ thú, lãng mạn và huyền ảo, với cảm hứng tươi sáng về “hạnh phúc mãi mãi” ở kết phim. Vì vậy không ít người xem đã ngã ngửa khi nửa sau của phim vô cùng đen tối, lạnh lẽo và phức tạp.

img
Phim Tiến vào rừng thẳm

Hiện tượng biến đổi và phức tạp hóa cốt chuyện cổ tích không phải là xu hướng mới ở Hollywood. Những năm gần đây người ta liên tục gặp các bộ phim phiêu lưu ly kỳ gốc cổ tích trong cả lĩnh vực điện ảnh cũng như truyền hình, dưới mọi hình thức, từ chính kịch tới nhạc kịch, từ hoạt hình tới kỹ xảo. Sức hút của những bộ phim này cho thấy cổ tích vẫn luôn gây được sức hấp dẫn khủng khiếp dù được khai thác đi khai thác lại bao nhiêu lần chăng nữa.

Loạt phim Once Upon A Time (Ngày xửa ngày xưa) đã chạy tới mùa thứ 4 và vẫn tiếp tục được sản xuất. Với kỹ xảo đẹp, dàn diễn viên ấn tượng và cốt truyện mang màu sắc nữ quyền, bộ phim làm mưa làm gió trên truyền hình của hơn 190 quốc gia, trong đó có cả Đài truyền hình Việt Nam.

Once Upon A Time mang Bạch Tuyết, Pinocchio, cô bé quàng khăn đỏ vào một cốt truyện phức tạp, những mối quan hệ chồng chéo, các cuộc trả thù và giải cứu dai dẳng trải dài trên 3 thế giới. Đáng sợ hơn là loạt phim Grimm sản xuất cùng năm, cũng đã tới mùa thứ 4.

Grimm sử dụng mô tuýp giải mã bí ẩn theo từng tập, với tất cả những kẻ phản diện trong cổ tích đều là giống loài ác độc gây tội ác mà nhân vật chính phải truy lùng rồi tiêu diệt.

Trong điện ảnh, người ta cũng liên tục đào xới lại các truyện cổ tích và thêm vào rất nhiều tình tiết “đảo ngược vấn đề”. Nổi tiếng nhất hè 2014 là Maleficent của minh tinh Angelina Jolie về nhân vật phù thủy kinh điển cùng tên.

Lần đầu tiên kẻ phản diện của “nàng công chúa ngủ trong rừng” được kể câu chuyện từ góc nhìn của mình và lần này, phù thủy lại trở thành anh hùng.

Trước đó, năm 2013, Hansel và Gretel trở thành thợ săn phù thủy để trả thù xưa (Hansel & Gretel: Witch Hunters - Hansel và Gretel: Thợ săn phù thủy). Năm 2012 thì nàng Bạch Tuyết bị trông chờ làm cách mạng chống lại nữ hoàng (Snow White and the Huntsman - Bạch Tuyết và thợ săn). Còn năm 2011 thì cô gái quàng khăn đỏ lại vô cùng trưởng thành và dữ dội (Red Riding Hood - Cô gái Quàng Khăn Đỏ).

img
Phim cổ tích Bạch Tuyết và thợ săn

Đó chỉ là vài ví dụ trong xu hướng phim cổ tích “ngược chiều” gần đây của Hollywood. Giới phê bình điện ảnh Mỹ gọi đây là xu hướng phá-Disney (De-Disneyfied), nghĩa là đi ngược lại phong cách trong sáng, ngọt ngào và hạnh phúc của các phim cổ tích kinh điển.

Ngay chính Disney, hãng đã thiết lập nên trường phái phim cổ tích “dành cho gia đình” mang tầm vóc thế giới này giờ cũng đi ngược lại truyền thống của chính mình. Trong số những tựa phim trên, Into The Woods, MaleficentOnce Upon A Time đều tới từ Disney. Khi các câu chuyện càng lúc càng dữ dội, người ta càng băn khoăn, liệu phim cổ tích có còn dành cho trẻ em?

Những con số giật mình

Bảng xếp hạng lứa tuổi tại Mỹ MPAA cho bộ phim Hansel & Gretel: Witch Hunters giới hạn tuổi là 18, Red Riding Hood hay Snow White and the Huntsman không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi.

Loạt phim Grimm giới hạn 14 tuổi. Trong khi Once Upon A TimeInto The Woods đều nhận giới hạn PG – nghĩa là “cần có sự hướng dẫn của phụ huynh”. Bảng xếp hạng này dựa trên các yếu tố: hình ảnh và ngôn ngữ mang tính gợi dục, tình ảnh và ngôn ngữ thô bạo hay máu me, vấn đề sử dụng chất gây nghiện…

Nghĩa là nếu xử lý khéo léo, số phận nghiệt ngã của các nhân vật chỉ được gợi ý chứ không thể hiện rõ qua hình ảnh, bộ phim hầu như được coi là phù hợp cho thiếu nhi.

img
Loạt phim truyền hình Ngày xửa ngày xưa vừa được phát sóng tại Việt Nam

Nhưng sự đen tối trong phim thiếu nhi có phải là mới so với truyền thống? Mới đây vào tháng 11.2014, một nhóm nghiên cứu của Đại học Ottawa đã đăng bài khảo sát mang tên “Cartoons Kill” lên tạp chí y học BMJ.

Bài khảo sát nghiên cứu 45 bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em và 90 phim tâm lý người lớn phát hành cùng thời, tất cả đều là phim bom tấn Hollywood từ năm 1937 tới 2013. Yếu tố khảo sát là cảnh cái chết của nhân vật quan trọng và tác động của nó tới tâm lý trẻ em.

Kết quả khảo sát cho biết, khoảng ½ phim tâm lý người lớn có cảnh chết (trúng đạn, tai nạn giao thông, bệnh tật), còn trong hoạt hình cho trẻ em, số phim có cảnh nhân vật quan trọng chết chiếm 2/3 (phần nhiều là rơi từ trên cao hoặc do động vật tấn công). Nhóm khảo sát nhận định, tỷ lệ cảnh cái chết trong phim hoạt hình cho trẻ em cao hơn rõ rệt so với phim tâm lý dành cho người lớn.

Nhóm khảo sát cũng đưa ra đánh giá rằng, ở độ tuổi dưới 10, trẻ em gặp khó khăn trong nhận thức toàn diện khái niệm “chết” – hiện tượng tự nhiên không thể đảo ngược, tác dụng vĩnh viễn và là tất yếu.

Những bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em tập trung giải thích vấn đề này, giới thiệu cho trẻ những khó khăn mất mát của cuộc sống và cách các nhân vật đối mặt với điều đó.

Nhóm cũng nhận xét rằng, trẻ thường buồn bã hay khiếp sợ trước những cảnh phim này, có thể bị ám ảnh nên cần được phụ huynh giúp đỡ, giải thích các hiện tượng trong phim.

img

Cổ tích trong tương lai

Việc tất cả các nhà sản xuất phim đều xoay chuyển theo xu hướng cổ tích tối màu cho thấy, những mảng màu tối là cần thiết để nêu lên những ý nghĩa sâu sắc trong phim.

Tình huống kỳ ảo là cốt lõi của cổ tích, vừa gây hấp dẫn, vừa nêu được ý ẩn dụ của câu chuyện. Nhưng cốt truyện phim không nên tô hồng thực tế, gây những hiểu nhầm ảnh hưởng xấu tới tâm lý trẻ em.

Một trong những hiện tượng thấy rõ nhất trong phim cổ tích gần đây là sự phủ định “tình yêu từ cái nhìn đầu tiên”, phủ định quyền năng tối thượng của “nụ hôn tình yêu đích thực”. Thay vào đó, tình cảm gia đình, bạn bè được ca ngợi nhiều hơn.

img
Phim hoạt hình Nữ hoàng băng giá

Một xu hướng khác là nữ quyền dần được đề cao. Các công chúa trước đây thường chỉ ôm mặt khóc chờ được giải cứu, giờ thường tự đứng lên giải phóng lấy số phận mình. Thậm chí trong Frozen (Nữ hoàng Băng giá), người ta cho rằng cuộc chiến bình quyền cho người đồng tính cũng đã cất tiếng nói của mình.

Kho tàng truyện cổ tích – một trong những thành tựu rực rỡ nhất của văn minh nhân loại, đã và sẽ luôn là nguồn cảm hứng lớn nhất dành cho sáng tác văn học, nghệ thuật cũng như phim ảnh. Những nhân vật, hình ảnh giàu tính biểu tượng và có tác động tâm lý sâu sắc tới mỗi người là những phương tiện cực kỳ hữu hiệu để người kể chuyện nói lên quan điểm và lý tưởng của mình. Bởi vậy, những cuộc đấu tranh nổi trội nhất của xã hội sẽ được thể hiện bằng cách này hay cách khác trong phim, kèm theo quan điểm ngày càng rõ nét của nhà làm phim. Chắc chắn phim cổ tích sẽ còn chuyển mình, sẽ còn thay đổi nhiều nữa theo sự phát triển liên tục của xã hội con người.

 

Phim cổ tích và xưa hơn nữa là truyện cổ tích luôn là những bài học đầu tiên đến cho trẻ thơ từ nhiều thế kỷ nay. Dò ngược lại vấn đề, có thể thấy cổ tích đã thay đổi rất nhiều lần. Điểm qua các phiên bản truyện gốc, ta có thể lạnh người khi biết cô bé quàng khăn đỏ không bao giờ thoát khỏi bụng sói, các chị của Lọ Lem thì cắt chân mình để thử giày, nàng Rapunzel tóc dài có bầu và bị phù thủy đày ra đảo hoang,…

Nhiều chi tiết của truyện cổ tích gốc có thể ám ảnh người nghe hàng năm trời. Thậm chí, “hạnh phúc mãi mãi” đến tận thời Shakespeare mới được sáng tạo ra. Trước đó, các truyện cổ tích hoàn toàn có thể kết thúc rất u ám và máu me, với mục đích răn dạy trẻ em được ém kỹ trong từng chi tiết.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem