Vĩnh biệt nhà văn Trang Thế Hy: Người bào chế thuốc giảm đau

Nhà văn Dạ Ngân Thứ tư, ngày 09/12/2015 08:30 AM (GMT+7)
Tôi đọc Trang Thế Hy từ khi ông lấy bút danh là Văn Phụng Mỹ. Tuyên ngôn của ông nằm ở trong bút danh rồi đó, văn chương sinh ra là để phụng sự cho cái Đẹp. Thời dấn thân cho cuộc chiến ấy ông viết không nhiều.
Bình luận 0

Lĩnh vực văn chương nghệ thuật, người nổi tiếng của Nam bộ nhiều chứ. Nhưng có hai người song song tương đồng mà người đời hay trầm trồ nhắc đến, đó là Sơn Nam và Trang Thế Hy. Cũng lạ. Mà lạ thật. Cả hai đều gốc gác miền Tây lên Sài Gòn làm báo viết văn, cả hai đều thâm hậu mà rất kiệm lời, cả hai đều tự tại một cách khắc khổ và trên hết, cả hai đều đặc sắc ở cốt cách sống và cốt cách văn chương.

Tôi đọc Trang Thế Hy từ khi ông lấy bút danh là Văn Phụng Mỹ. Tuyên ngôn của ông nằm ở trong bút danh rồi đó, văn chương sinh ra là để phụng sự cho cái Đẹp. Thời dấn thân cho cuộc chiến ấy ông viết không nhiều. Bỗng nhiên sau này ông đổi bút danh, chắc ông muốn một trang khác, một giai đoạn khác cho mình và cho văn chương. Trang Thế Hy, trang nhã, thời cuộc và đặc biệt, một cái tên quá hay, quá đẹp.

img

 Nhà văn Trang Thế Hy

 Được làm quen với ông là một vinh hạnh. Hồi đó ông chưa rời Sài Gòn, chưa “đi chỗ khác chơi”. Nhưng hồi đó ông sống khép kín lắm rồi. Ông ngại bù khú, ông xa lánh họp hành, ông thích cà phê nhóm nhỏ, ông thích bộ hành, ông thích nấu ăn và suy nghiệm. Hồi ấy ông đã có "Mưa ấm", chao ơi, đúng ông, luôn nhỏ nhẻ nhìn ra trong cái thường tình những điều khác thường, trọng đại, chan hòa nên mưa mà ấm.

 Căn hộ chung cư ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ông tiếp Lý Lan và tôi. Ông bắt hai đứa ngồi xem ông làm bếp. Không phải động tay trong bếp thì tôi bứt rứt lắm. Không nhớ hôm ấy ông đãi hai nhà văn trẻ món gì. Chỉ nhớ cái bếp đơn độc của ông cực kỳ ngăn nắp và tấm lưng gày gò, thong dong của ông.

Ông tỉ mẩn từng chút, có cảm giác như ông đang cử hành một bữa viết chứ không phải bữa ăn. Và đã có thể hình dung ông viết như thế nào: giấy má tươm tất, chao đèn nghiêm trang, dáng ngồi cẩn trọng và đôi mắt mở to đăm chiêu bên cửa sổ. Thảo nào, ông nổi tiếng trước hết vì sự kỹ: sống kỹ, nói kỹ, viết kỹ và ăn uống kỹ.

Đi bộ trên vỉa hè với ông càng thích. Sơn Nam thì sẽ bảo cây sao này có từ khi nào, ngôi biệt thự kia từng là của ai, con đường này trước kia tên gì. Trang Thế Hy nhìn vào bên trong chính mình mà thủ thỉ với người bộ hành dù tuổi tác hai bên là thế nào.

Chuyện của ông có nhân vật trong văn giới, nhiều khắc khoải công dân, những trích dẫn đông tây kim cổ mà ông nằm lòng và thú vị lấy đó làm phương châm sống. Tóm lại, đi với Sơn Nam thì lắng nghe thiên nhiên và vùng đất, đi với Trang Thế Hy thì lắng nghe chuyện nội tâm con người, đường không xa, chân không chán và nếu trời ào mưa thì nhất định sẽ là mưa ấm.

Trong di sản hàng trăm truyện ngắn của ông, tôi thích nhất "Người bào chế thuốc giảm đau". Ông bảo ông đắc ý với "Thèm thơ", hoặc có người nức nở khen "Mưa ấm", tôi vẫn ấn tượng mãi với truyện ngắn kia. Vì thời điểm nó xuất hiện đúng vào lúc đất nước chuyển đổi, văn đàn vặn mình, chúng tôi nghĩ khác và viết khác. Thiên năng của nhà văn là gì, chung quy cũng chỉ là một liều thuốc cho con người, chúng tôi là những liều thuốc giảm đau, được vậy đã là hạnh phúc cho người viết. Tuyên ngôn ấy khiêm nhường nhưng chuẩn xác, chính ông.

Vườn dừa nơi ông ẩn cư hơn 20 năm nay là địa chỉ thân thương không cần quảng bá. Ban đầu không ít người chạnh lòng, ông rời Sài Gòn để sống như vầy sao? Nhưng cũng như mọi thứ từ ông, như vậy mới là sáng suốt chứ.

Điền viên với vợ, xa lánh “trường văn trận bút” – từ ưa thích của ông – và, nhờ thế mà ông càng đặc sắc lão thực trong mắt mọi người. Nếu ví ông với một cái cây, thôi thì ví ông với cây dừa Bến Tre cho thõa lòng người dân quê ông và bạn bè thân hữu gần xa. Dừa sống giản dị trọn đời, khiêm nhường nhưng trĩu ngọt, khi đã xong đời thì thân dừa vẫn hữu dụng dài lâu. Tôi tin chắc, từ rày, ai có về qua xứ ấy, nhìn thấy bóng dáng cây dừa là người ta lập tức nhớ, rằng nơi đây yên nghỉ một con người thẳng thớm, âm thầm, dâng hiến và an nhiên.

Tiếc nhớ và mãi mãi trân trọng ông, một Con người viết hoa và một Nhà văn viết hoa.

Nhà văn Trang Thế Hy  tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924, quê Bến Tre; mất ngày 8.12.2015. Tác phẩm đã xuất bản:  Nắng đẹp miền quê ngoại (truyện ngắn); Mưa ấm (tập truyện ngắn); Người yêu và mùa thu (truyện ngắn); Vết thương thứ mười ba (tập truyện);  Đắng và ngọt (tập thơ)...

                   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem