Xót xa đình cổ 300 tuổi xuống cấp

Mỵ Lương Thứ hai, ngày 29/06/2015 08:07 AM (GMT+7)
 Trước nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào, đình Trữ La hơn 300 tuổi - được xây dựng thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) vẫn từng ngày mòn mỏi chờ chi viện kinh phí trùng tu.
Bình luận 0

Xuống cấp nghiêm trọng

Khi chúng tôi hỏi đường về đình Trữ La xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), người dân làng thôn La Bê ai nấy đều nhiệt tình đưa đường chỉ lối và không giấu nổi tâm trạng băn khoăn, lo lắng; bởi ngôi đình - niềm tự hào của địa phương đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Chẳng ai hiểu được sự xuống cấp của đình làng bằng ông Lê Văn Tuy (71 tuổi), thủ từ đình Trữ La.

Ông Tuy cho biết: “Đến đời tôi đã là đời thứ ba ra nhận công việc trông coi đình. Khi tôi tiếp quản công việc thủ từ ngôi đình đã rơi vào tình trạng xuống cấp, một số cột bị xiêu vẹo, rêu mốc xuất hiện nơi các góc tường, chân cột. Mặc dù nhiệt độ ngoài trời nắng tháng 6 nóng gần 40 độ nhưng trên các thớ gỗ bên trong của đình Trữ La vẫn không hề khô ráo mà rất ẩm ướt. Những nơi nước mưa đọng lại khiến gỗ bị mục nát, hư hại nhiều. Riêng gian hậu cung của đình, vách tường đã tách khỏi cột tạo thành khe hở rộng khoảng 30 phân.

img

Ông Nguyễn Văn Tuy cảnh báo các vách tường đã tách khỏi cột tạo thành khe hở rộng khoảng 30 phân.    Ảnh: M.L
Được biết đình Trữ La thờ Thành Hoàng làng Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng – một danh tướng có công lớn trong công cuộc khôi phục nhà Lý được ban nhiều sắc phong qua các triều đại. Theo các tư liệu lịch sử được lưu giữ tại đình thì Trữ La được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) và được trùng tu lớn vào năm 1916. Giá trị của ngôi đình nằm ở tổng thể kết cấu công trình và kiến trúc nghệ thuật, mà tiêu biểu là nghệ thuật chạm khắc dưới thời Nguyễn.

Năm 2006, đình Trữ La vinh dự được xếp hạng di tích nghệ thuật cấp quốc gia. Các cổ vật, đồ thờ tự bằng đá, bằng giấy, bằng đồng; có thể kể đến ngai thờ, đài thờ sơn son thếp vàng từ thời Nguyễn còn nguyên vẹn. Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng khi được mục sở thị 24 sắc phong qua các đời Vua Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định hơn 300 trăm năm qua đến nay vẫn nguyên trạng trong đình.

img
Trời nắng nhưng  các cột gỗ của đình Trữ La vẫn ẩm ướt.

Bà Hoàng Thị Uyên (53 tuổi), người dân thôn La A, cho biết: “Biết đình hư hỏng nhiều, người dân thực ra cũng muốn tu sửa đồng và làm lại chiếc cổng cho khang trang. Khổ nỗi dân địa phương nghèo quá! Cấy mấy sào ruộng mà thóc không bán được. Ngay việc dọn cỏ cây trong khuôn viên đình mỗi năm cũng chỉ một lần thì lấy đâu ra mà góp trùng tu đình được”.

Di tích giống như quần áo (?!)

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trịnh Đình Sử- Phó Chủ tịch UBND xã Kim Giang thất vọng cho hay: “Địa phương cũng một vài lần tiếp một vài đoàn của cả tỉnh và cả Bộ VHTTDL về khảo sát cũng chưa giải quyết được, bây giờ đình xuống cấp nhiều lắm. Nhà báo viết cũng chẳng giải quyết được gì (?!). Nếu có vốn đầu tư mình huy động nhân dân, nhưng không có vốn thì huy động nhân dân rất khó. Tốt nhất theo tôi nhà báo không đưa tin về đình làm gì vì bây giờ ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương không đáp ứng nổi”.

Quan điểm

Ông Trịnh Đình Sử- Phó Chủ tịch UBND xã Kim Giang
 Chỉ mong Nhà nước đầu tư khoảng 20-30% kinh phí, giờ nhà nước không hỗ trợ gì thì dân cũng chịu. Hiện tại ngôi đình đang trong tình trạng chờ và không biết chờ đến bao giờ thì được đầu tư.  

Hiện tại, tiền quỹ của đình Trữ La có khoảng 50 triệu đồng để trang trải xây dựng, tu bổ cho những công trình nhỏ của đình. Ông Sử cho hay: “Đình Trữ La tu sửa ít nhất cũng phải 2- 3 tỷ đồng, bây giờ chúng tôi không có điều kiện để trùng tu. Vì vậy chỉ mong Nhà nước đầu tư khoảng 20-30% kinh phí, giờ Nhà nước không hỗ trợ gì thì dân cũng chịu”.

PV NTNN tìm đến Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương, tại đây, ông Nguyễn Thành Trung- Trưởng phòng di sản văn hóa cho biết: “Di tích của Hải Dương được ngành cũng rất quan tâm. Một năm có rất nhiều di tích xuống cấp nên chúng tôi yêu cầu huyện báo cáo cụ thể lên và chúng tôi đang cử cán bộ về. Di tích cũng giống như quần áo con người mặc trên người, để lâu cũng phải cũ, phải hỏng và hỏng thì sẽ tu bổ, làm sao đến mức độ phải kêu cứu”.

Trong lúc chờ đợi kinh phí, sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm của thủ từ vất vả hơn gấp nhiều lần trong việc trông coi bảo vệ đình. Ông Tuy bộc bạch: “Để ngăn không cho mọi người đi lại dưới các đầu kèo bị mục tôi phải lấy các thanh gỗ chắn ngang đề phòng cột xà trong đình sập xuống. Gian hậu cung hiện nay cũng phải hạn chế người vào đặc biệt là các cháu nhỏ. Bản thân tôi chẳng mong gì hơn là việc đình Trữ La nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để cùng với nhân dân trùng tu”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem