Xử phạt ném, thả tiền tại di tích: Đã đúng và đủ răn đe?

Mỵ Lương Thứ năm, ngày 20/04/2017 06:00 AM (GMT+7)
Hành vi ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích tới đây sẽ bị phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng. Quy định này nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà quản lý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia văn hóa vẫn bày tỏ sự băn khoăn…
Bình luận 0

Băn khoăn việc thực hiện xử phạt

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, việc ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích sẽ bị phạt (nghị định cũ không có quy định này). Cụ thể, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đã khiến dư luận xôn xao, đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.

img

Thả, ném tiền lẻ, xoa tiền lẻ lên tượng Phật là hình ảnh dễ bắt gặp ở các di tích lịch sử hiện nay.  
Ảnh: Mỵ Lương

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam cho rằng, việc ném, thả tiền xuống ao, hồ người dân nhiều nước trên thế giới cũng có hành động này, không riêng gì Việt Nam. “Tôi đi du lịch tại Nga cũng chứng kiến cảnh người dân việc ném tiền nhưng không phải tiền giấy mà họ ném tiền đồng. Với họ, đây được coi là nét văn hóa để cầu mong việc sẽ quay trở lại nơi đó. Ở ta, người dân cũng ném nhưng với mong muốn thực dụng hơn, ném xuống để cầu may, cầu phúc. Cho nên, theo tôi Chính phủ không nên phạt hoặc mỗi nơi nên quy định chỗ để người dân ném tiền có mệnh giá vài xu, không phải tiền giấy để người dân cầu may, cầu phúc theo tập tục. Đã là tập tục không nên phạt, cấm người dân” – ông Mai cho biết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cũng bày tỏ sự băn khoăn khi đưa ra quy định phạt việc ném, thả tiền xuống ao, hồ, di tích phải chăng cần có một đội “cảnh sát văn hóa” có mặt khắp các chùa chiền? “Việc ném tiền, thả tiền như “hối lộ” thần thánh hiện nay thật ra không đáng bao nhiêu 2.000 đồng, 5.000 đồng… nhưng việc hối lộ để chạy chức quyền, tham nhũng mới là vấn đề đáng lo ngại và cần có quy định phạt thích đáng hơn mới đúng” – ông Khắc Mai nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Hoài Nam - hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định, việc nhét tiền vào tay Phật, hòm công đức nhan nhản khắp nơi hiện gây ra sự phản cảm, lãng phí nhất định, cho nên, việc xử phạt hành vi ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích nên làm. “Tuy nhiên, ai là người xử phạt, ai là người sẽ đứng ra chịu trách nhiệm quản lý hành động này có lẽ phải nghiên cứu kỹ. Dù rằng ở đâu cũng có ban quản lý di tích, nhưng số lượng khách hành hương đến di tích, trung tâm tín ngưỡng nhất là dịp lễ hội đông đúc có thời điểm hàng ngàn người. Và việc xử phạt này có xảy ra những điều bất cập hay không? Có lẽ chúng ta nên tuyên truyền trước để việc thể hiện tấm lòng của người dân đối với di tích được văn minh hơn, tránh hình ảnh xấu, phản cảm như vậy” – ông Nam nói.

Tuyên truyền để người dân hiểu

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định, phía cơ quan quản lý Bộ VHTTDL cũng đồng thuận với quy định đó. “Bởi, thực tế nếu chỉ có tuyên truyền thuyết phục không đảm bảo tính răn đe. Nhiều người chấp hành nhưng cũng không ít người không thực hiện vì nhiều lý do như a dua theo đám đông hoặc có quan điểm tín ngưỡng không được đúng theo thuần phong mỹ tục của người Việt. Người ta vẫn cứ ném, cứ thả tiền lung tung khắp nơi” – bà Thủy lý giải.

Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, việc ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích sẽ bị phạt (nghị định cũ không có quy định này).

Theo bà Thủy, đối với hành vi ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích, phía cơ quan quản lý sẽ thực hiện cả hai biện pháp đó là: Tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục kết hợp với việc xử lý, xử phạt những trường hợp vi phạm nếu như cố tình tái phạm.

Đề cập về tính khả thi của Nghị định 28 khi được áp dụng, bà Thủy cũng chia sẻ, cần phải có quá trình để quy định đi vào thực tế. “Nói là quy định xử phạt nhưng mong muốn của chúng ta không phải dùng đến việc xử phạt. Có quy định xử phạt để răn đe, giáo dục những hành vi chưa đúng của con người để họ hiểu làm như vậy là không đúng và không thực hiện nữa. Đó là mong muốn lớn nhất từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Việc xử phạt như thế nào sẽ có hướng dẫn, quy định xử phạt do ban quản lý nhà nước, các địa phương, ban quản lý các di tích, ban quản lý xã hội…”.

Từ phía địa phương, ông Quách Xuân Sáu - Trưởng ban Văn hóa xã Phong Châu (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 28 liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, cán bộ địa phương cũng triển khai đến người dân để mọi người được hiểu rõ hơn về hành vi ném tiền, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích là phản cảm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem