Vẳng tiếng chuông chùa giữa biển xa

Bình Nguyên Thứ sáu, ngày 27/01/2023 08:00 AM (GMT+7)
Giữa biển đảo mênh mông sóng gió Trường Sa, hình ảnh những mái chùa thân thuộc của làng quê Việt khiến lòng người tĩnh lại, bình yên đến lạ thường…
Bình luận 0
xuan/Vẳng tiếng chuông chùa giữa biển xa - Ảnh 1.

Chùa Song Tử Tây - chùa lớn nhất trong số 9 chùa ở Trường Sa. Ảnh: B.N

Từ bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), sau 38 giờ hải hành, tàu HQ 571 đưa chúng tôi tới đảo Song Tử Tây - điểm cực bắc của quần đảo Trường Sa, khi chiều vừa ngả bóng. Thấp thoáng ở một góc đảo đường nét mái chùa thân thuộc in lên nền trời vàng rực.

Giữa tiếng gió ầm ào biển khơi, tiếng chuông từ chùa Song Tử Tây thong thả nhẹ ngân. Trên boong tàu, 40 nhà sư khoác áo vàng nghệ ngồi xếp bằng, tụng niệm với tiếng mõ đều đều. Những âm thanh bình yên như ở một làng quê Việt nơi đất liền. Đêm xuống, nhiều người không ngủ, ngắm nhìn Song Tử Tây lấp lánh đèn, mong ngóng khoảnh khắc bình minh để được đặt chân lên đảo.

Chùa Song Tử Tây hiện lên sừng sững, uy nghi giữa bãi cát san hô. Gió muối phủ lên mái chùa, cột gỗ màu trắng bạc trầm mặc. Chùa Song Tử Tây là chùa lớn nhất trong 9 ngôi chùa tại Trường Sa, tọa lạc trên hòn đảo hình bầu dục cũng ở nơi xa đất liền nhất. Chính điện ba gian hai chái, hai dãy nhà giải vũ. Cổng tam quan của chùa đẹp và hoành tráng nhất, hoàn toàn bằng gỗ, thiết kế theo lối hai tầng tám mái mở ngay ra mép sóng.

xuan/Vẳng tiếng chuông chùa giữa biển xa - Ảnh 2.

Chùa trên đảo Đá Tây A nằm gần âu tàu, làng chài. Ảnh: B.N

Lần đầu đến Trường Sa, thượng tọa Thích Nguyên Đạt - Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế chia sẻ đây là chuyến đi ông đã mong mỏi từ lâu, nay mới có duyên. Sinh ra từ làng, lớn lên xuất gia, mái chùa, tiếng chuông sớm chiều tự nhiên với vị tu sĩ như hơi thở, thành "nhà". Ở các chùa, tiếng chuông sử dụng như phương tiện báo giờ sớm chiều, thước đo thời gian tu tập trong ngày. Đối với Phật giáo, tiếng chuông còn là pháp âm, mang tính thức tỉnh.

"Cảm nhận âm thanh quen thuộc mà nghe kỳ diệu lạ thường, bằng ngôn ngữ không diễn tả hết được tầng sâu của cảm xúc. Tiếng chuông vang ở đây, giữa nơi biển đảo đầy sóng gió, lắng nghe lâu hơn một chút, tiếng chuông như ngân hơn, vọng hơn khiến cho những người dân, chiến sĩ trên đảo thấy bình an. Khi tâm con người bình an mới khởi sinh trí tuệ để xử trí ở nơi đầy bất trắc của tự nhiên, của con người" - thượng tọa Nguyên Đạt chia sẻ.

Chúng tôi đến được cả 9 ngôi chùa trên các đảo ở quần đảo Trường Sa. Dạo bước dưới tán những cây bàng vuông, cây phong ba, ngắm nhìn những ngôi chùa giữa Biển Đông mới cảm nhận được nhiều điều đặc biệt. Những ngôi chùa hoàn toàn thuần Việt, từ kiến trúc, kiểu dáng, chi tiết, dấu Quốc huy trên đồ thờ, trên từng viên gạch, từng quả đại hồng chung, đến cửa võng, hoành phi câu đối… Các pho tượng bằng đá thạch anh, ngọc trắng được chế tác thuần Việt từ gương mặt tới tỷ xích cơ thể. Đặc biệt cả 9 ngôi chùa đều quay hướng về "trái tim đất nước" là Thủ đô Hà Nội.

Chùa Trường Sa Lớn phục dựng đầu tiên, nên có nhiều nét lạ nhất. Chính điện một gian hai chái bằng gỗ nhỏ nhắn xưa cũ như ngôi nhà cổ làng Việt, chỉ khác là mái ngói cong vút, có đầu đao lượn hình sóng biển. Tam quan xây gạch mang dáng dấp như cổng làng xưa, phần trên có vọng lâu bằng gỗ nhỏ lợp ngói.

Chùa Sinh Tồn chính điện cũng một gian hai chái nhỏ nhắn, với cổng tam quan bằng gạch sơn màu vàng đơn sơ. Chùa đảo Nam Yết cổng tam quan bằng gỗ rộng lớn bề thế như ở chùa Song Tử Tây, nhưng chính điện tường xây cột gỗ có tầng mái. Chùa Sơn Ca chính điện hai tầng ba gian hai chái, cổng tam quan bằng gỗ có gác chạm thềm cát trắng san hô.

Chùa Sinh Tồn Đông cổng tam quan xây gạch kiểu tứ trụ nhưng độc đáo là có hai tầng mái với gian gác ở trên. Tam quan chùa Trường Sa Đông xây kiểu tứ trụ nhưng có mái che ở phần trên hai trụ giữa tạo sự khác biệt, đơn giản mà vững chãi, cao vút uy nghiêm. Còn trên đảo Phan Vinh - hòn đảo nhỏ nhất trong số 9 đảo nổi, chùa Vinh Phúc nhỏ nhắn hiện lên như chùa sau lũy tre làng. 

xuan/Vẳng tiếng chuông chùa giữa biển xa - Ảnh 3.

Tam quan chùa Trường Sa Lớn. Ảnh: Bình Nguyên.

Chùa Đá Tây A vừa khánh thành việc tôn tạo, lớn thứ hai trong số 9 chùa, với các hạng mục tam bảo, tam quan, nhà tăng, nhà giải vũ, gác chuông, gác khánh. Ngày khánh thành, biển động do ảnh hưởng bão số 1, hàng chục tàu câu mực của ngư dân Bình Định, Phú Yên vào neo tránh. Ngôi chùa nằm ngay sát âu tàu trên đảo, tiếng kinh cầu nguyện của các nhà sư vang xa. Ngư dân trên những tàu câu mực đang neo đậu gần đó đều tập trung bên mạn tàu, chắp tay hướng về chùa.

Nhìn những khuôn mặt ngư dân đen sạm nắng gió đang thành kính hành lễ, thượng tọa Thích Minh Quang - Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Ninh Bình, xúc động chia sẻ: "Nơi tiền tiêu của tổ quốc, mái chùa thực sự đã trở thành điểm tựa tâm linh cho ngư dân trước giông bão biển khơi".

Box: Từ xa xưa, ít nhất từ thế kỷ thứ 17, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong nhiều thế kỷ, trong những chuyến hải trình khai thác sản vận, ngư dân các tỉnh miền Trung đã đến các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dựng lên các ngôi miếu thờ thần, các chùa thờ Phật để cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên bể lặng. Trải qua những năm tháng tàn phá của mưa dông bão tố, các ngôi miếu, ngôi chùa trên các đảo đã bị hư hỏng nặng nề.

Cách đây gần 20 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã đầu tư tu bổ, khôi phục 6 ngôi chùa: Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà). Năm 2020, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tiếp tục khôi phục 3 chùa trên các đảo Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem