Vay ngân hàng, "cống" tiền công ty "ma"

Thứ sáu, ngày 24/06/2011 06:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục người dân ở Nghệ An bị lừa xuất khẩu lao động lâm cảnh nợ nần chồng chất, nguy cơ mất nhà, đất.
Bình luận 0

Vay ngân hàng, "cống" tiền công ty "ma"

Anh Nguyễn Khắc Lộc (SN 1971) xóm Đông Thịnh, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành uất ức cho biết, tháng 10.2007, anh quen Trần Văn Lực (SN 1969) - người cùng xã đi xuất khẩu lao động từ CH Séc trở về. Lực bảo: “Hiện đang đưa người sang CH Séc làm việc với mức lương trên nghìn đô mỗi tháng mà chi phí trọn gói cho toàn bộ chuyến đi chỉ 5.000USD. Thời gian học tiếng nhanh, khoảng vài tháng là bay. Ưu ái là người trong xã nên nộp trước 2.000USD, còn 3.000USD sẽ nộp sau”.

img
Người dân Yên Thành bức xúc vì bị lừa.

Nhìn Lực đi xe hơi, tiêu tiền như rác, anh Lộc tin tưởng nên đã thế chấp sổ đỏ và vay mượn khắp nơi để đưa trước cho Lực 2.000USD. Cầm tiền xong ít ngày, Lực đưa Lộc sang gặp vợ chồng Lê Thị Sáu và Nguyễn Hữu Bốn (nhân viên cơ sở đào tạo xuất khẩu lao động Yên Thành) đóng ở xã Sơn Thành. Theo Lực, đây là cơ sở của công ty mẹ đóng tại Hà Nội. Cơ sở này làm thủ tục bay rất nhanh chóng, sang bên đó Lực và “sếp" Nguyễn Hữu Ngân (anh trai Bốn đang sống ở Tiệp) sẽ sắp xếp công việc chu đáo. Nhưng phải nộp tiếp số tiền 3.000USD để nhân viên công ty lo thủ tục. Anh Lộc đi vay mượn đưa cho bà Sáu 3.000USD còn lại để được làm visa.

Anh Lộc buồn bã: "Nộp đủ tiền rồi, tôi chờ mãi 1 năm, 2 năm nhưng chẳng thấy gì. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, tôi lên "công ty" đòi lại tiền nhưng được bà Sáu và ông Bốn trả lời là: "Sếp Lực, sếp Ngân đang ở bên "Séc", chúng tôi chỉ là nhân viên không biết gì cả..."(?!). Lúc đó, tôi mới biết mình bị lừa. Tui vay 5.000USD, lãi mẹ đẻ lãi con, ngày mô cũng có người đến đòi nợ".

Hàng chục nông dân trên địa bàn Nghệ An bị "công ty" này lừa đảo với thủ đoạn y như anh Lộc. Mỗi người phải "cống" cho công ty "ma" này 5.000 USD. Với những người nông dân để có đủ 5.000 USD, họ phải vay mượn, kể cả cắm cả sổ đỏ của anh em họ hàng. Vào tháng 11.2007, một sổ đỏ chỉ vay được 10 triệu đồng, để có đủ tiền nộp "cứng" và đi học tiếng, trung bình mỗi người phải mượn 10 sổ đỏ của anh em họ hàng thế chấp ngân hàng vay tiền.

Công an bó tay

Việc thoả thuận đưa tiền đặt cọc và các khoản đóng khác được ghi trong "giấy biên nhận", viết bằng tay sơ sài, không có dấu hay tên công ty. Bị "quả đắng", các nạn nhân viết đơn cầu cứu Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vì "công ty mẹ" đóng trên địa bàn quận này.

Sau đó, Công an quận Đống Đa gửi Thông báo số 117/CQĐT (CSKT) ngày 7.7.2010 về việc giải quyết kết quả đơn tố cáo của ông Nguyễn Khắc Lộc (ông Lộc đứng tên cho cả 10 người viết đơn), với nội dung: "Vụ việc xảy ra tại Nghệ An, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an quận Đống Đa nên chuyển đơn đến phòng CSĐTTP kinh tế Công an tỉnh Nghệ An để giải quyết...".

img
Giấy biên nhận tiền bà Sáu nhận của người lao động.

Ngày 28.7.2010, Phòng PC46 Công an tỉnh Nghệ An đã có phiếu chuyển đơn số 20/PC46 và các tài liệu liên quan cho trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Nghệ An để giải quyết. Tuy nhiên, PC45 lại chuyển tài liệu và đơn cho cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành giải quyết.

Theo anh Nguyễn Khắc Lộc, ngoài 10 nạn nhân (bị công ty "ma" lừa) anh tập hợp lại để tố cáo với cơ quan chức năng thì còn có hàng chục người nữa ở TP. Vinh, Nghi Lộc, Đô Lương... Hàng ngày những người này đến ngồi trước nhà của vợ chồng Sáu và Bốn để đòi nợ nhưng 2 đối tượng này đã bỏ trốn khỏi địa phương hơn một tháng nay.

Ngày 18.8.2010, Công an huyện Yên Thành có Công văn số 895/CSĐT trả lời đơn tố cáo của công dân có nội dung: "Cơ quan Công an huyện Yên Thành xác minh thấy Trần Văn Lực và Nguyễn Hữu Ngân không có mặt tại gia đình, địa phương. Qua công tác nắm tình hình được biết Lực và Ngân đang ở nước ngoài. Do đó gặp rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra xác minh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Lực và Ngân...".

Ngày 18.6.2011 trao đổi với NTNN, thượng tá Lê Xuân Điệp - Trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết: "Vụ việc này xảy ra đã lâu, vả lại các đối tượng bị tố cáo đang ở nước ngoài hoặc không còn ở địa phương nên rất khó xác minh làm rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng này".

Vậy là, vì muốn được đổi đời, những người nông dân tay lấm chân bùn đã ăn phải quả đắng. Nhưng chẳng lẽ cơ quan pháp luật không ai bảo vệ họ? Câu hỏi này xin chuyển về các cơ quan chức năng Nghệ An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem