Về Kim Sơn nhớ công Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 15/02/2024 13:30 PM (GMT+7)
Đi khắp cõi đất Việt, đâu đâu cũng thấy dấu ấn khai thiên lập địa, mở mang bờ cõi của các bậc tiền nhân trong suốt chiều dài lịch sử.
Bình luận 0

Nhưng có lẽ không ở đâu tôi thấy một người được nhân dân suy tôn, chính quyền thờ phụng như Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ trên vùng đất Kim Sơn (Ninh Bình). Sau gần 200 năm tạo lập, Kim Sơn đúng là "núi tiền" đang tỏa sáng.

Từ niềm thương dân đói khổ…

Ông Trần Quốc Việt (71 tuổi) - thủ từ đã 15 năm tại đền thờ Doanh điền sứ ở xóm 16, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, từ tốn mở cánh cổng ngôi đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ để cho tôi vào chiêm bái. Ông Việt lên hương, thắp đèn để cho khách lễ, rồi thành kính bắt đầu câu chuyện về một con người bằng xương bằng thịt là quan Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ…

Ngược dòng lịch sử, bắt đầu từ năm 1827 khi Nguyễn Công Trứ tham gia dẹp loạn cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành ở Thái Bình, ông đã nhận ra những kẻ "làm loạn" không phải ai xa lạ mà chính là những người dân đói khổ, lưu vong, không có ruộng đất. Muốn khắc phục triệt để nạn xiêu tán và nổi dậy thì phải giải quyết được nhu cầu ruộng đất và cơm áo cho dân nghèo. Với nhãn quan của một vị quan tài giỏi, Nguyễn Công Trứ nhận thấy những miền bãi bồi ven biển chính là sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng. 

Ông đã trình sớ lên triều đình nêu rõ nguyên nhân sâu xa cuộc khởi nghĩa nông dân và đề nghị triều đình tổ chức cho nông dân nghèo tiến hành khai khẩn đất hoang quy mô lớn ở vùng bãi biển Tiền Châu. Đến tháng 3/1828, phụng sự triều đình, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đi thuyền đến bãi Tiền Châu trực tiếp chỉ huy cuộc đại khẩn hoang với những kế sách độc đáo và táo bạo để yên dân. Tháng 9/1828 công cuộc khẩn hoang hoàn thành. Theo tấu sớ của Nguyễn Công Trứ, triều đình phê chuẩn thành lập huyện Tiền Hải.

Về Kim Sơn nhớ công Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ- Ảnh 1.

Một dòng sông ở Kim Sơn. Ảnh: T.L

Tương truyền, Vua Minh Mệnh hỏi Nguyễn Công Trứ đặt tên cho một huyện mới là gì, thì Nguyễn Công Trứ tâu trình: "Nếu bệ hạ đã ban tên ở một huyện ven biển Nam Định là Tiền Hải, thì huyện mới ở vùng Ninh Bình tên là Kim Sơn. Một bên là Biển Tiền thì một bên là Núi Vàng"…

Trên đường trở về kinh thành, Nguyễn Công Trứ đi qua vùng đất thuộc phủ Trường Yên (trấn Ninh Bình), thấy hoang sơ, lau lách rậm rạp, sình lầy. Nguyễn Công Trứ nghỉ chân, rồi sai tùy tùng đi xem xét trong vùng và ông lại quyết định bẩm báo triều đình để khai khẩn vùng đất này. Sau gần 5 tháng khẩn hoang rất vất vả, gian nan đến tháng 11 năm 1828, Nguyễn Công Trứ đã cho lập 53 lý, ấp, trại, giáp với 1.260 dân đinh, khẩn hoang được 14.620 mẫu ruộng. Tháng 3 năm Kỷ Sửu (1829), năm Minh Mệnh thứ 10, huyện Kim Sơn được thành lập...

"Núi tiền" tỏa sáng

Vốn là cán bộ văn hóa xã, ông Trần Quốc Việt rất chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu lịch sử liên quan đến cụ Nguyễn Công Trứ. Ông Việt cho biết: Đây là vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, phù sa lấn biển, tốc độ bồi tụ của Kim Sơn rất mạnh so với các vùng khác lân cận. 

Trong quá trình khẩn hoang, Nguyễn Công Trứ cho đào thêm sông Ân nối sông Cái với sông Càn, chiều dài 13,5km, rộng 15m và sâu 3m để lấy nước ngọt. Đây là con sông chảy qua tất cả các lý, ấp trại trong huyện khi mới thành lập. Nó như trục xương sống để từ đây, các con sông nhỏ tỏa đi các thôn xóm. Mặt khác, các con kênh nối các làng nhỏ theo hình xương cá được tiến hành xây dựng nhằm dẫn nước tưới, tiêu úng, thau chua rửa mặn để phát triển nông nghiệp cũng như làm đường.

Về Kim Sơn nhớ công Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ- Ảnh 2.

Về Kim Sơn nhớ công Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ- Ảnh 3.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ.

Ông Việt cũng chia sẻ, nhiều người về thăm Kim Sơn cứ thắc mắc rằng cách đây 200 năm không có máy móc để làm thước ngắm mà sao Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ lại có thể khai triển đào sông và hệ thống kênh thẳng tắp đến như vậy? Thực ra thì cụ Trứ đã chỉ đạo dùng đèn chai để làm thước ngắm, cứ ban đêm cụ cho người thắp đèn chai, sau đó mang dây ra đo theo vị trí của đèn chai, nên tạo ra hàng chục km sông ngòi thẳng tắp đến như vậy. Chính hệ thống thủy lợi, kiêm đường giao thông thuỷ như vậy khiến cho Kim Sơn chưa bao giờ bị cảnh lụt lội.

Dấu ấn của cụ Nguyễn Công Trứ còn được ghi vào các địa danh ở Kim Sơn do chính người đặt tên với 60 lý, trại, ấp, trong 7 tổng. Ông Việt cho biết: Ví dụ như đất Lạc Thiện là vùng đất vui lành, ở đây người dân sống vui vẻ hiền hòa, hiếm khi xô xát cãi cọ nhau. Hay Làng Luật thì người dân thường phát về học hành đỗ đạt, làm quan, làm cán bộ...

Về Kim Sơn nhớ công Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ- Ảnh 4.

Nghề làm chiếu cói ở Kim Sơn. Ảnh: G.T - Mạnh Thắng

Những gì Nguyễn Công Trứ làm cho dân Kim Sơn không chỉ phát triển về kinh tế mà còn thúc đẩy việc người dân học tập, ông khuyến khích mở các lớp học. Chính vì vậy mà ngày nay, mỗi khi vào dịp thi cử, con em dân Kim Sơn thường đến đền thờ của ông thắp hương xin được đỗ đạt theo nguyện vọng, hay ai bây giờ học hành tới thạc sĩ, tiến sĩ đều về đền của cụ thắp hương lễ tạ.

Kim Sơn bây giờ mỗi ngày thêm đổi thay, giàu đẹp. Mới đây thôi, cuối tháng 11/2023, Kim Sơn đã về đích huyện nông thôn mới. Ông Trần Xuân Trường – Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho hay, hiện giá trị mỗi ha canh tác của huyện đã đạt bình quân 196 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem