Vì sao Canada không thể chặn vụ tấn công Quốc hội?

Phương Đăng Thứ năm, ngày 23/10/2014 09:50 AM (GMT+7)
Trước khi gây ra vụ xả súng táo tợn vào tòa nhà Quốc hội Canada ngày 22.10, tay súng Michael Zehaf-Bibeau, công dân Canada, 32 tuổi đã bị cảnh sát nước này nhận diện là phần tử có nguy cơ khủng bố.
Bình luận 0

 img

Chân dung tay súng tấn công tòa nhà Quốc hội Canada ngày 22.10, Michael Zehaf-Bibeau, công dân Canada, 32 tuổi.

Các nhân chứng mô tả, họ nhìn thấy tên Michael Zehaf-Bibeau giơ tay – dấu hiệu biểu thị chiến thắng sau khi bắn chết một người lính gác Đài tưởng niệm chiến tranh tại Ottawa.

Sau đó, Michael Zehaf-Bibeau liều lĩnh xông vào trụ sở Quốc hội, chạy dọc theo một dãy các phòng họp bên trong tòa nhà và xả súng điên loạn.

Theo Telegraph, dù là công dân Canada nhưng Michael Zehaf-Bibeau vừa cải đạo sang đạo Hồi và có tiền sử lạm dụng ma túy.

Truyền thông Canada đưa tin, y đã bị các cơ quan chức trách tịch thu hộ chiếu do bị nhận diện là phần tử cực đoạn “có nguy cơ di chuyển cao”.

Globe and Mail dẫn nguồn tin chính phủ giải thích, các nhà chức trách quan ngại Zehaf-Bibeau có thể ra nước ngoài để tiến hành các hành động khủng bố nên tịch thu hộ chiếu của y.

img

Michael Zehaf-Bibeau bắn chết một người lính Canada gác tại Đài tưởng niệm chiến tranh trước khi xông vào tòa nhà Quốc hội xả súng điên loạn.

Trường hợp của Michael Zehaf-Bibeau tương đồng với trường hợp của Martin Couture-Rouleau, kẻ cải đạo sang đạo Hồi vừa giết chết một binh sĩ Canada và làm bị thương một người khác hôm 20.10 trong một vụ cố tình gây tai nạn (ô tô) rồi bỏ chạy ở Quebec. Kẻ này cũng bị cảnh sát bắn chết ngay sau đó.

Hồi tháng 7, Martin Couture-Rouleau bị bắt tại sân bay khi đang chuẩn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Y lập tức bị tịch thu hộ chiếu và bị liệt vào danh sách 90 người bị cơ quan an ninh Canada theo dõi chặt chẽ.

Hôm 21.10, Canada vừa ban hành cảnh báo khủng bố sau thảm kịch tại Quebec. Cụ thể, Canada thông báo nâng mức độ cảnh báo về các mối đe dọa khủng bố trong nước từ mức thấp lên trung bình “do sự gia tăng hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan". Một ngày sau đó, thảm kịch xả súng tấn công tòa nhà Quốc hội Canada xảy ra.

img

Khung cảnh lộn xộn bên trong tòa nhà quốc hội Canada sau vụ tấn công

Sự tương đồng về lai lịch của 2 kẻ tấn công dấy lên quan ngoại “những kẻ khủng bố đơn độc” có thể là thành viên của một tổ chức cải đạo cực đoan tại Quebec đang nhắm mục tiêu là các quân nhân Canada để trả đũa chính phủ nước này ủng hộ các cuộc không kích ở Iraq và Syria do Mỹ dẫn đầu. (Ottawa trong tuần này triển khai 6 chiến đấu cơ tới Trung Đông để hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Levant).

Canada gần đây ước tính, ít nhất 30 công dân nước này đang chiến đấu trong hàng ngũ các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria, dấy lên quan ngại những chiến binh thánh chiến này quay về, tấn công khủng bố chính đất nước mình.

Trong tuyên bố ngay sau vụ tấn công tòa nhà Quốc hội, Thủ tướng Canada Stephen Harper thừa nhận, vụ tấn công trên đã cho thấy sự chuẩn bị và đáp trả yếu kém của Canada trước các nguy cơ khủng bố và được xem là "bài học đau thương" đối với nước này.

"Canada không phải quốc gia "miễn dịch" với mọi loại khủng bố như chúng ta vẫn lầm tưởng", Thủ tướng Harper phát biểu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem