Vì sao cụ Thêm ngồi tù ít hơn ông Chấn nhưng đòi bồi thường cao hơn?

Lương Kết Thứ tư, ngày 17/08/2016 13:00 PM (GMT+7)
Nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi: Cụ Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) bị ngồi tù oan 5 năm 6 tháng 7 ngày, quãng thời gian đó thấp hơn nhiều so với thời gian ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) ngồi tù oan 10 năm, nhưng cụ vẫn yêu cầu bồi thường cao hơn?
Bình luận 0

Nếu được xin lỗi sớm, cụ Thêm không được nhận bồi thường

Khác với vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ án của cụ Trần Văn Thêm xảy ra từ năm 1970, quãng thời gian cụ đi tù oan rồi được trả tự do, lúc đó Nhà nước chưa có quy định bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự.

img

Cụ Trần Văn Thêm.

Cụ Thêm kể: Năm 1976, từ một người mang án tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản, sau 5 năm 6 tháng 7 ngày ngồi tù, cụ được trả tự do trở về quê, các cơ quan chức năng không cấp cho cụ giấy tờ nào để chứng minh đã vô tội.

"Năm 1976, tôi cũng tìm đến các cơ quan chức năng để được minh oan. Mục đích là làm sao sớm rửa sạch nỗi oan để về quê sinh sống bình thường, tránh sự xỉa xói của dân làng. Tuy nhiên, việc của tôi đã không được xem xét. Có nơi tôi đến, cán bộ còn nói đất nước mới giải phóng, còn nhiều việc phải lo, ông còn sống khỏe mạnh thế này về nhà mà lo làm ăn" - cụ Thêm kể.

Đến năm 1997, cụ Thêm có đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét lại vụ án của cụ. Theo nhiều vị luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội, thời điểm đó nếu TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt để giải quyết vụ án của cụ Thêm thì cụ sẽ sớm được minh oan nhưng sẽ không được bồi thường thiệt hại.

"Năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có Nghị quyết 338 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền  trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, đến nay là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Như vậy, vụ việc của cụ Thêm được giải quyết trước khi có quy định trên thì cụ chỉ được xin lỗi chứ không có được nhận bồi thường" - luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn luật sư TP.Hà Nội, người tham gia kêu oan cho cụ Thêm) cho hay.

Khoản là bị can oan lớn hơn khoản ngồi tù oan

Đối với vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, sau khi xác định được đối tượng gây án, cơ quan chức năng đã trả tự do cho ông Chấn sau 10 năm ngồi tù. Tiếp đến, TAND Tối cao tuyên hủy hai bản án đã kết tội ông Chấn và Cơ quan CSĐT - Bộ Công an tiến hành đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chấn. Toàn bộ khoản tiền TAND Tối cao phải bồi thường cho ông Chấn là 7,2 tỷ đồng.

Đối với cụ Thêm, từ một tử tù, cụ được trả tự do vào tháng 2.1976, mãi đến ngày 11.8.2016, cơ quan tiến hành tố tụng mới trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cụ. Như vậy dù được trả tự do, nhưng cụ Thêm vẫn là bị can trong vụ án ông Nguyễn Khắc Văn bị giết hơn 40 năm trước.

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Hòa (Phó giám đốc Công ty TNHH luật Hòa Lợi, người được cụ Thêm ủy quyền giải quyết minh oan và yêu cầu bồi thường): Quãng thời gian cụ Thêm ngồi tù oan là 2.010 ngày, quãng thời gian cụ là bị can oan là 14.530 ngày, đây là điểm rất khác so với vụ án oan của ông Chấn.

Khoản tiền ông Hòa đề nghị cơ quan chức năng bồi thường cho cụ Thêm trong 2.010 ngày đi tù oan, cộng cả khoản tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế bị mất là hơn 1,1 tỷ đồng. Còn với 14.530 ngày là bị can oan, theo tính toán của ông Hòa, số tiền bồi thường cho tổn thất tinh thần là hơn 6 tỷ đồng, số tiền bồi thường cho thiệt hại thực tế hơn 2 tỷ đồng, bồi thường thiệt hại do cho người phục vụ cụ Thêm trong 14.530 ngày là hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra là khoản 800 triệu đồng cho tiền tàu xe đi lại, ăn ở trong hơn 40 năm kêu oan. Tổng cộng toàn bộ số tiền mà người được ủy quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường cho cụ Thêm là hơn 12,1 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem