Vì sao đập Tam Hiệp có thể gây ra thảm họa môi trường cho Trung Quốc?

Minh Nhật Thứ hai, ngày 20/07/2020 15:55 PM (GMT+7)
Dự án đập Tam Hiệp của Trung Quốc vừa được ca ngợi là một tuyệt tác kỹ thuật vừa bị chỉ trích là có thể gây ra thảm họa môi trường sau khi con đập được xây dựng và đi vào vận hành.
Bình luận 0
Vì sao đập Tam hiệp có thể gây ra thảm họa môi trường cho Trung Quốc? - Ảnh 1.

Đập Tam Hiệp xả nước.

Việc xây dựng đập Tam Hiệp bắt đầu được xây dựng vào năm 1994 và cơ bản hoàn thành vào tháng 10/2006. Mục đích ban đầu của đập Tam Hiệp là để kiểm soát lũ lụt trên sông Dương Tử và sản xuất điện, phục vụ nhu cầu năng lượng khổng lồ của một xã hội Trung Quốc đang phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng.

Trong thập kỷ tới, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, hạt nhân và năng lượng gió. Thủy điện sẽ đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch.

Một mục đích lớn lao khác để Trung Quốc tạo ra đập Tam Hiệp đó là con đập lớn nhất hành tinh sẽ trở thành biểu tượng cho sức mạnh kỹ thuật của Trung Quốc. Người Trung Quốc kỳ vọng rằng, Tam Hiệp sẽ trở thành một điểm thu hút khách du lịch đáng kể.

Tuy nhiên, các quan chức môi trường trong suốt nhiều năm qua vẫn không ngừng cảnh báo rằng, đập Tam Hiệp có nguy cơ tạo ra một số thảm họa môi trường tiềm tàng dưới đây.

Ô nhiễm: Theo Howstuffworks, Hồ chứa Tam Hiệp khổng lồ dài tới 644 km (bằng khoảng khoảng cách từ Los Angeles đến San Francisco của Mỹ) đã nhấn chìm 13 thành phố, 140 thị trấn và 1.350 ngôi làng. Những ngôi nhà, nhà máy, hầm mỏ lẫn các bãi rác độc hại đều bị chôn vùi trong nước có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Chưa kể 1,35 tỷ tấn nước thải được đổ xuống sông Dương Tử mỗi năm, trong đó phần lớn đổ vào hồ chứa Tam Hiệp.

Việc xây một con đập khổng lồ trên sông Dương Tử sẽ làm chậm dòng chảy của nó từ 4 m/giây xuống còn 0,3 mét mỗi giây và điều đó có nghĩa là các chất ô nhiễm sẽ trôi nổi trên sông thay vì nhanh chóng bị đẩy ra biển. Hiện ô nhiễm nguồn nước được xem là một mối lo ngại lớn ở Trung Quốc.

Động đất: Đập Tam Hiệp nằm trên hai đường đứt gãy lớn - Jiuwanxi và Zigui-Badong. Các nhà địa chất lo ngại rằng, sự thay đổi nhanh chóng của áp lực nước khi mực nước hồ chứa thay đổi trong mùa lũ có thể kích hoạt các chấn động và gây ra động đất (đây là hiện tượng được gọi là địa chấn do hồ chứa). Trong bảy tháng sau khi mực nước hồ chứa Tam Hiệp tăng năm 2006, các nhà địa chất đã ghi nhận 822 cơn chấn động xung quanh hồ chứa.

Lở đất: Việc tăng và hạ mực nước trong hồ chứa cũng làm mất ổn định các vùng đất xung quanh nó. Nước thấm vào đất qua các vách đá bao quanh hồ chứa, gây ra xói mòn, sạt lở đất. Các bờ của hồ chứa Tam Hiệp đã sạt lở ở hơn 90 địa điểm. Dân làng sống xung quanh dự án Tam Hiệp đã báo với chính quyền về tình trạng lở đất và các vết nứt xuất hiện ở quanh nhà họ. Năm 2003, 20 triệu m3 đá đã bị sạt lở và đổ xuống dòng sông Qinggan vốn là một nhánh của sông Dương Tử. Khu vực sạt lở đá chỉ cách sông Dương Tử vài km. Vụ sạt lở cũng đã tạo ra những con sóng cao tới 20 m, làm 14 người thiệt mạng.

Thay đổi thời tiết: Sự thay đổi dòng nước bởi đập Tâm Hiệp được cho là đã thực sự làm thay đổi thời tiết trong khu vực. Các nhà nghiên cứu tại NASA phát hiện ra rằng Tam Hiệp đang tạo ra một loại hiệu ứng hồ, làm giảm lượng mưa ở khu vực xung quanh nó, đồng thời làm tăng lượng mưa ở các ngọn núi xung quanh. Ở những nơi có lượng mưa tăng, nhiệt độ giảm trung bình dưới 1 độ C vì mây che phủ hạn chế lượng ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất. Các nhà khoa học của NASA cho biết những biến động nhiệt độ này có thể trở nên đáng ngại hơn theo thời gian.

Hạn hán: Trớ trêu thay, mặc dù dự án Tam Hiệp được tạo ra để ngăn chặn lũ lụt, nhưng nó lại gây ra hạn hán vì làm giảm mực nước trên sông Dương Tử. Năm 2008, truyền thông Trung Quốc đưa tin, mực nước trên sông Dương Tử đã chạm mức thấp nhất trong 142 năm. Sự sụt giảm nghiêm trọng về mực nước khiến nhiều loài thủy sản sống ở sông Dương Tử bị mắc cạn và dẫn đến tình trạng thiếu nước ở miền trung và miền đông Trung Quốc, bao gồm cả ở Thượng Hải, thành phố lớn nhất của Trung Quốc.

Các loài tuyệt chủng: Con đập đã làm ngập một số môi trường sống của động vật và thực vật, trong khi những nơi khác cao và khô hơn. Ô nhiễm nước cũng khiến nhiều loài cá không thể sống sót. Đập Tam Hiệp được cho là đe dọa hơn 400 loài thực vật, bao gồm cây chim câu Trung Quốc cũng như một số loài cá, bao gồm cá tầm và cá heo Baiji quý hiếm.

Di tích lịch sử biến mất: Hồ chứa Tam Hiệp đã nhấn chìm nhiều ngôi làng cổ, đền thờ và nghĩa trang cổ, phá hủy đi nhiều di tích lịch sử hàng nghìn năm không thể thay thế. Các nhà khảo cổ và sử học cho biết, gần 1.300 di tích lịch sử quan trọng đã bị nhấn chìm dưới lòng hồ chứa khổng lồ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem