Phân biệt thực phẩm sạch - bẩn: Cần bỏ thói quen ăn thịt tươi

Dân Việt/ NTNN Thứ sáu, ngày 07/04/2017 09:01 AM (GMT+7)
Vào lúc 9h00 sáng nay (7.4), tại tòa soạn báo điện tử Dân Việt đã diễn ra cuộc giao lưu trực tuyến “Thực phẩm sạch - phân biệt, lựa chọn thế nào?”
Bình luận 0

Với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành đặc biệt là vai trò của truyền thông, người dân ngày càng nhận thức được vai trò quan trọng của thực phẩm sạch, vi sinh, hữu cơ... với sức khỏe của gia đình, bản thân.

Đặc biệt, thời gian qua chương trình truyền thông Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt triển khai thực hiện đã tạo được sức lan tỏa lớn. Chương trình đã công bố những địa chỉ, gian hàng, thương hiệu nông sản sạch tin cậy giúp cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tìm đến.

Vậy làm sao để giúp người dân lựa chọn, phân biệt dễ dàng được thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn; nông sản sạch đóng vai trò thế nào nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn? Đầu tư cho khối nông sản sạch hữu cơ, vi sinh thời gian tới dự báo sẽ chứng kiến điều gì? Để nông sản sạch của Việt Nam càng vươn ra được nhiều thị trường, ngay từ bây giờ phải làm sao? Với những câu hỏi đó, sáng nay (7.4), Dân Việt tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến: “Thực phẩm sạch - phân biệt, lựa chọn thế nào?” với các vị khách mời:

Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Chất lượng nông sản (Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - NAFIQAD)

Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi

Ông Nhữ Đình Tú - Tổng Giám đốc Công ty Lebio

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 2

Ông Phan Huy Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh: Đàm Duy

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc tên Tuấn ở Bắc Ninh có hỏi ông Nguyễn Văn Thuận: Thưa ông, thời gian qua Chương trình truyền thông Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt thực hiện được đánh giá có sự lan tỏa khá tốt trong dư luận. Ông có thể cho biết, đến thời điểm này đã có bao nhiêu chuỗi thực phẩm an toàn được chứng nhận là “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch” và để được chứng nhận, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải đảm bảo những điều kiện như thế nào?

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 4

Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Chất lượng nông sản (Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - NAFIQAD. Ảnh: Đàm Duy

Ông Thuận trả lời: Tôi đánh giá cao sáng kiến, đồng hành của Báo Nông thôn Ngày nay về việc triển khai chương trình Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch.

Đến thời điểm này, đã có 537 chuỗi nông sản được thiết lập, trong đó có 227 chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận. Việc xác nhận được thực hiện theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20.7.2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Theo đó, để được xác nhận thì phải đáp ứng 3 tiêu chí: (1) Sản phẩm bán tại cơ sở kinh doanh có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ; (2) Sản phẩm được sản xuất, chế biến, kinh doanh tại các cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; (3) Sản phẩm tại cơ sở kinh doanh được cơ quan chức năng lấy mẫu giám sát và có kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các quy định.

Chúng tôi hy vọng với những Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch đã được xác nhận, thời gian tới sẽ tiếp tục được mở rộng, nhân rộng thêm nhiều chuỗi hơn nữa. Khi số lượng các chuỗi nông sản có xác nhận tăng lên, người tiêu dùng càng có nhiều cơ hội để tiếp cận với sản phẩm sạch, an toàn và người nghèo được tiếp cận với sản phẩm chất lượng cao.

Để nhận diện các chuỗi an toàn có 3 cách: Một là, các chuỗi được đăng tải tại mục Địa chỉ xanh – Nông sản sạch trên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt; thứ 2 là các sản phẩm đã được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chứng nhận và đăng tải trên website của Cục; thứ 3 các sản phẩm tại nơi bán chuỗi. Các sản phẩm chuỗi đều có gắn logo, in trên bao bì rõ nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận của các cơ quan chức năng.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc có email nguyenthanhhung***@gmail.com có hỏi ông Nhữ Đình Tú: Thưa ông, có thể nói trong giới doanh nhân đầu tư vào nông sản sạch, ông được xem là người mạnh dạn khi bỏ hàng nghìn tỷ đồng nghiên cứu, phát triển nuôi lợn theo hướng vi sinh, không kháng sinh. Đâu là lý do để ông đi đến quyết định này?

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 6

Ông Nhữ Đình Tú - Tổng giám đốc Lebio trả lời bạn đọc Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt

Ông Nhữ Đình Tú: Xuất phát từ hệ lụy việc lạm dụng chất kháng sinh và các chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và trong chăn nuôi gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sống và sức khỏe của con người. Và thực phẩm không an toàn là một trong những nguyên nhân chính gây nên căn bệnh ung thư. Việc sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bảo vệ sức khỏe con người và cộng đồng là nhu cầu bức thiết của xã hội.

Chính vì vậy là một nhà khoa học, tôi cùng các chuyên gia đã nhìn nhận được vấn đề này từ nhiều năm trước và bắt tay vào công cuộc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi với nhiều công sức.

Đến nay chúng tôi đã thành công và hiện đang sở hữu một trung tâm công nghệ sinh học với đầy đủ các trang thiết bị máy máy hiện đại, một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi vi sinh công suất 20.000 tấn/tháng.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc tên Hoa đến từ Quốc Oai (Hà Nội) có câu hỏi dành cho ông Tạ Văn Tường: Ông có thể cho biết đôi nét về tình hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội tính tới thời điểm này?

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 8

Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội

Ông Tạ Văn Tường: Thành phố Hà Nội có ngành chăn nuôi phát triển tốp đầu cả nước, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp, là sinh kế quan trọng cho gần 4 triệu nông dân. Toàn thành phố có số lượng đàn trâu, bò đạt 142 nghìn con, đàn lợn 1,8 triệu con, đàn gia cầm 28,9 triệu con; Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại là 395 nghìn tấn trong đó: thịt trâu là 750 tấn, thịt bò là 10 nghìn tấn, thịt lợn là 302 nghìn tấn, thịt gà hơi là 83 nghìn tấn, sản lượng trứng các loại đạt 1.315 triệu quả, sản lượng sữa tươi đạt 40 nghìn tấn. Đặc biệt, đến nay đã hình thành 79 xã chăn nuôi trọng điểm, 3.363 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành được 21 mô hình, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Hàng ngày, cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt lợn; 0,35 tấn thịt bò; 13 tấn thịt gia cầm; 296.000 quả trứng gia cầm và khoảng 78 tấn sữa tươi đảm bảo an toàn thực phẩm.

Kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Hà Nội tập chung vào 4 mục tiêu chính là: (1) Tiếp tục chỉ đạo, định hướng phát triển chăn nuôi theo xã, vùng chăn nuôi trong điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; (2) Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuât hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao để hạ tối đa giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm; (3) Tập trung nâng cao chất lượng giống, xây dựng Hà Nội là trung tâm giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chăn nuôi thương phẩm cho cả vùng Đồng bằng Sông Hồng; (4) Phát triển chăn nuôi theo chuỗi gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc từ số điện thoại 091340443* có hỏi dành cho ông Nguyễn Văn Thuận:Trên thực tế cho thấy, ngoài việc thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, Nafiqad cũng là cơ quan thường trực của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, trong đó có chia ra làm 3 loại A, B, C. Theo đó, các doanh nghiệp loại C được coi là vi phạm có hệ thống và bị “bêu tên” trên phương tiện truyền thông đại chúng. Ông có thể đánh giá hiệu quả của việc áp dụng tiêu chuẩn này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Theo thông tư 45 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đánh giá ,kiểm tra, xếp các cơ sở sản xuất có 3 loại: Loại A sản xuất tốt, loại B đạt yêu cầu, loại C không đạt yêu cầu. Việc kiểm tra, xếp loại này đều được đưa công khai tại website tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tại các địa phương. 

Chúng tôi không chỉ đưa các cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu mà đưa cả các cơ sở sản xuất tốt, đạt yêu cầu lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc đưa công khai, minh bạch về các cơ sở sản xuất này sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và dễ dàng lựa chọn những cơ sở sản xuất an toàn, chất lượng.

Riêng đối với những cơ sở sản xuất xếp loại C, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu cơ sở phải sớm khắc phục các sai lỗi, tùy theo mức độ sai lỗi mà cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử lý vi phạm theo Nghị định số 178 của Chính phủ.

Cơ sở loại C sẽ được cơ quan chức năng tái kiểm tra sau thời hạn cam kết khắc phục, sửa chữa của cơ sở.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc có email nguyenthuychi9**@yahoo.com có hỏi ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội: Thưa ông có những mô hình, tiến bộ kỹ thuật nào ấn tượng trong chăn nuôi mà trung tâm ghi nhận được gần đây?

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 11

 Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội đang giao lưu với bạn đọc Dân Việt/NTNN

Ông Tạ Văn Tường: Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội  có rất nhiều mô hình chăn nuôi tiêu biểu nhưng ấn tuợng nhất là các mô hình chăn nuôi quy mô lớn áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, giải pháp cộng nghệ cao về con giống, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi và cung cấp ra thị trường theo mô hình chuỗi khép kín, điển hình là: (1) Mô hình chăn nuôi lợn quy mô 400 lợn nái, 4.000 lợn thịt theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Hoàng Long (Thanh Oai); (2) mô hình chăn nuôi lợn quy mô 100 lợn nái, 1.000 lợn thịt theo tiêu chuẩn hữu cơ của Công ty CP Trang trại Bảo Châu (Minh Phú, Sóc Sơn); (3) Mô hình chăn nuôi gà đẻ thương phẩm quy mô 2 vạn con theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty  CP Tiên Viên; (4) Mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô 300 con theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Đồng Tâm Xanh (Tản Lĩnh, Ba Vì).

Các mô hình này đều tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo ATTP và đặc biệt đều mang lại hiệu quả kinh tế khá ngay trong những thời điểm giá cả thị trường giảm sâu

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Một bạn đọc ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có hỏi ông Nhữ Đình Tú: Công ty Lebio đã thực hiện liên kết theo chuỗi như thế nào để truy xuất được nguồn gốc? Với những cơ sở muốn làm đại lý của công ty ông thì cần điều kiện gì?

Tổng Giám đốc Lebio Nhữ Đình Tú: Chúng tôi sản xuất có đăng ký với Sở NNPTNN, trong chăn nuôi phải liên kết chuỗi, từ trang trại tới bàn ăn. Những điều kiện chúng tôi đưa ra khá khắt khe, thứ nhất về cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được quy mô công nghiệp và hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh chăn nuôi.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 13

Tổng Giám đốc Lebio Nhữ Đình Tú. Ảnh: Ngọc Thọ

Được cấp chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hoặc phải được nhà nước cấp chứng nhận đảm bảo ATVSTP, xét nghiệm một số yếu tố chẳng hạn như nguồn nước. Nguồn nước không được nhiễm vi sinh hoặc kim loại nặng, đó là điều khó khăn của nhiều trang trại vì tình trạng hiện nay. Nhưng bắt buộc phải làm nhất là khi các đối tác nước ngoài sang nước ngoài họ kiểm tra về vệ sinh thú y và nguồn nước. Nếu họ kiểm tra từ đầu mà không đảm bảo thì đã bị loại ngay. Do vậy chúng tôi rất quan trọng những chuyện này. 

Các trang trại phải sử dụng 100% thức ăn vi sinh do công ty sản xuất ra và có camera giám sát để đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Chăn nuôi  không thể tránh khỏi dịch bệnh, nhưng với công nghệ sinh học, rất ít khả năng xảy ra dịch bệnh. Và nếu có, chúng tôi không cho phép trang trại sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng các sản phẩm chiết xuất dược liệu để chữa trị cho gia cầm, gia súc rất hiệu quả. 

Chúng tôi có kí kết hợp đồng rất chặt chẽ, có đăng kí với cơ quan kiểm tra nhà nước. Quản lý trang trại, sản phẩm từ đầu vào tới đầu ra sản phẩm đều có thể kiểm tra thông qua mã Code trên điện thoại. Người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là thật, đâu là không thật.

Người tiêu dùng có thể đi tham quan nhà máy nuôi, chế biến, giết mổ của Lebio, hoặc đến cửa hàng để xem sản phẩm.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc có email thienha8x2003@gmail.com hỏi: Các cơ sở sản xuất, HTX muốn chứng nhận chuỗi sản xuất an toàn cần những yêu cầu gì, thưa ông Nguyễn Văn Thuận?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20.7.2017 về việc “Hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Để được xác nhận và cấp giấy chứng nhận chuỗi các sản phẩm có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ theo quy định để đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; sản phẩm được sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh tại các cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện ATTP; sản phẩm được cơ quan chức năng lấy mẫu giám sát và có kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về an toàn thực phẩm. 

Việc xin cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn đã quy định rất rõ lã tự nguyện. Các cơ sở sản xuất chỉ việc đăng ký có mẫu đơn điền sẵn kèm các giấy chứng nhận của cơ sở. Trong thời gian 3 - 5 ngày các cơ quan chức năng sẽ xem xét cấp xác nhận. Đặc biệt, việc đăng ký này, không mất phí.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 16

Các biên tập viên của Dân Việt đang chuyển tải những câu hỏi tới các vị khách mời.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc có email ngochoattnhv@yahoo.com đến từ TP.HCM có hỏi: Có một thực tế hiện nay, ngay cả có nhiều sản phẩm được chứng nhận là an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn không tin, sợ rằng sản phẩm bị nhái, kém chất lượng. Vậy làm thế nào để người tiêu dùng tin vào các sản phẩm chuỗi an toàn chất lượng?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Các sản phẩm nông sản được xác nhận chuỗi phải ghi đầy đủ thông tin sản phẩm trên bao bì từ nguồn gốc xuất xứ, đến chế biến tiêu thụ. Theo Nghị định 89 của Chính phủ về nhãn hàng hóa có ghi rõ các cơ sở sản xuất nếu không tuân thủ đúng các quy định sẽ bị xử lý. Việc thanh tra, kiểm tra nhãn hàng hóa được ngành nông nghiệp và công thương thực hiện. 

Để tìm các sản phẩm an toàn, người tiêu dùng nên đọc và tìm kiếm thông tin trên nhãn sản phẩm. Nên mua các sản phẩm có đủ thông tin và xem các thông tin ấy có được chứng nhận an toàn. Người tiêu dùng nên ủng hộ các cơ sở sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn ATTP, cũng như tẩy chay các cơ sở sản xuất không đáp ứng ATTP. Người tiêu dùng cũng nên đồng hành với các cơ quan chức năng trong việc thông tin về phát hiện sản phẩm có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, không tuân thủ quy định để cơ quan chức năng làm căn cứ thanh tra, kiểm tra và xử lý nếu vi phạm.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng, bất an về vấn đề này. Những năm gần đây, các cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp đã có sự thay đổi về nhận thức sản xuất ra các sản phẩm an toàn, chất lượng. Vì đây là vấn đề sống còn của các các cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc có email tranthanhduy_3**@gmail.com có hỏi ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội. Tình hình triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở Hà Nội hiện nay như thế nào?

Ông Tạ Văn Tường: Chính sách thí điểm bảo hiểm theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01.03.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011- 2013 đã được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai năm 2013 tại huyện Ba Vì và Chương Mỹ trên 2 đối tượng vật nuôi là bò sữa và lợn đã phần nào bù đắp phần kinh tế thiệt hại khi gia súc ốm chết, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn để triển khai đại trà, các khó khăn chủ yếu là:

 - Người chăn nuôi chỉ tham gia bảo hiểm vật nuôi khó có sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước.

 - Phạm vi bảo hiểm chỉ giới hạn trong một số bệnh theo quy định, khi xảy ra ốm chết việc xác định nguyên nhân ốm chết phải đảm bảo trình tự chặt chẽ và phối hợp tốt giữa hộ chăn nuôi, ngành Bảo hiểm và cán bộ chuyên môn liên quan để tính toán quyền lợi bảo hiểm cho hộ chăn nuôi, trong khi trên thực tế đây là công việc rất phức tạp, rất dễ xảy ra sai sót.

- Chi phí tham gia bảo hiểm còn cao do đặc thù của Bảo hiểm vật nuôi khó cân đối được rủi ro từ chính ngành Bảo hiểm, trong khi ngân sách hỗ trợ là có hạn.

Theo chúng tôi, Chương trình Bảo hiểm vật nuôi nên được triển khai đại trà trong thời gian tới nhưng cần phải điều chỉnh định mức đóng bảo hiểm và điều kiện tham gia.

Thực tế nên áp dụng điều kiện quy mô chăn nuôi tối thiểu đối với hộ chăn nuôi nếu muốn tham gia bảo hiểm. Vì quy mô chăn nuôi càng lớn thì càng cần bảo hiểm, công tác quản lý sẽ dễ dàng hơn; hay như, điều chỉnh phí đóng bảo hiểm trên đầu gia súc thấp hơn (chỉ tương đương với mức chi phí tiêm phòng vaccine cho cả chu kỳ chăn nuôi) và phí chi trả bảo hiểm chỉ nên khống chế bằng so với chi phí mua con giống (vừa hạn chế tư tưởng trục lợi của hộ chăn nuôi, vừa tránh rủi ro cho ngành Bảo hiểm nhưng vẫn kích thích tham gia bảo hiểm do phí đóng thấp)...

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc có email ngohuyhoang1980**@yahoo.com.vn có hỏi Tổng giám đốc Lebio Nhữ Đình Tú: Có người cho rằng, chăn nuôi theo kiểu thả rông thì thịt gia súc sẽ sạch hơn, ngon hơn so với chăn nuôi bằng công nghiệp, quan điểm của ông?

Tổng giám đốc Lebio Nhữ Đình Tú: Chăn nuôi thả rông là cách thức mà các cụ nhà ta cách đây cả nghìn năm vẫn thực hiện. Nhưng hình thức chăn nuôi này không thể đảm bảo được về vệ sinh an toàn thú y lẫn dịch bệnh nên làm sao có thể đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sau giết mổ. Đồng thời, quy mô chăn nuôi thả rông cũng không đảm bảo được sự phát triển của xã hội. Nguy cơ nhiễm nhiều bệnh như nhiệt thán, liên cầu khuẩn… có thể lây sang người nếu không kiểm soát. Vì vậy, chỉ có chăn nuôi công nghiệp chúng ta mới khắc phục những yếu điểm trên và đáp ứng nhu cầu của xã hội. 

Từ “sạch” nó bao hàm rất nhiều nghĩa, để tạo chất lượng thịt thơm ngon không phải cứ thả rông là sach mà phải chú trọng ở nguồn dinh dưỡng nuôi nên nó. Thời gian qua, không chỉ nhà máy, người dân cũng sử dụng các chất cấm để tăng trọng lượng lợn nuôi lên. Chăn nuôi thả nông không quyết định chất lượng thịt ngon hay không ngon. Thức ăn phải sạch, không được dùng chất cấm, chất tạo màu, tạo nạc mà sử dụng những nguyên liệu có lợi phong phú như dược liệu, vi sinh vật. 

Thứ hai để chất lượng thịt thơm ngon cần có môi trường và nguồn nước đảm bảo. Trang trại phải tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn, văn bản của nhà nước đã ban hành, thực sự ý thức tự giác kiểm tra các thông số về môi trường nuôi như nguồn nước, thức ăn.

Trong quá trình chăn nuôi, người chăn nuôi phải thay đổi thói quen hễ có bệnh là dùng kháng sinh đi. Để thay đổi ý thức này của người chăn nuôi, công tác truyền thông cũng phải xác định đây là một cuộc cách mạng sạch dài hạn, mới có thể tạo ra những sản phẩm sạch.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc tên Hà Thu đến từ quận Hà Đông, Hà Nội có hỏi: Thời gian qua có ý kiến cho rằng tiêu dùng nội địa về vấn đề ATTP, nhất là tiêu dùng xuất khẩu nước ta chưa kiểm soát chặt chẽ. Xin ông Thuận cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Tôi khẳng định quy định an toàn thực phẩm ở nước ta không phân biệt tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Những quy định về luật ATTP ở Việt Nam hài hòa với thông lệ quốc tế. Điều đó không có nghĩa là xuất khẩu chúng ta kiểm soát, còn tiêu dùng nội địa lại không được kiểm soát. 

Trong công tác triển khai kiểm tra ATTP ở nước ta còn gặp một số khó khăn nhất định do phương thức sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ. Đối với quy mô nhỏ lẻ, hoạt động kiểm soát còn khó khăn. Ngay trong luật ATTP quy định rất rõ là không cấp giấy chứng nhận đủ an toàn thực phẩm cho cơ sở nhỏ lẻ và Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 51 đưa ra phương thức kiểm soát là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cam kết tuân thủ ATTP, cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra sau cam kết. Để khắc phục vấn đề này, các hộ sản xuất nhỏ lẻ cần phải liên kết tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc tên Trần Linh Chi (Đồng Nai) đặt câu hỏi cho ông Thuận: Hiện nay, có nhiều cơ sở sản xuất theo phương thức mới lạ như nuôi lợn, nuôi gà bằng thảo dược. Vậy Nhà nước có những quy định gì về cách thức sản xuất?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở phải tuân thủ nghiêm các quy định về luật của an toàn thực phẩm. Nhà nước quản lý về vấn đề ATTP, còn trong quá trình sản xuất, quy trình sản xuất do người sản xuất lựa chọn nhưng phải đảm bảo ATTP.

Trên thực tế, sản xuất kinh doanh rất đa dạng, người sản xuất có nhiều sáng kiến về công nghệ, đặc biệt là người nông dân. Có vùng chăn nuôi người sản xuất có nhu cầu sử dụng thức ăn cho con gà, con lợn mau lớn. Có vùng chăn nuôi người sản xuất có nhu cầu sử dụng thức ăn lợn, gà đảm bảo tỉ lệ nhiều nạc.

Tôi muốn nhấn mạnh, người sản xuất có thể lựa chọn đa dạng quy trình sản xuất nhưng buộc phải đảm bảo ATTP, không được sử dụng chất các chất cấm.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Một bạn đọc không nêu rõ tên có câu hỏi dành cho Tổng giám đốc Lebio Nhữ Đình Tú: Ông Tú ơi, làm sao phân biệt thịt lợn sạch bên ngoài với thịt lợn của công ty Lebio nuôi bằng thảo dược? 

Ông Nhữ Đình Tú - Tổng giám đốc Lebio: Chăn nuôi ở Việt Nam sử dụng kháng sinh rất nhiều. Như ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản của Nafiquad vừa cho biết họ sử dụng chất cấm là vi phạm pháp luật. Thịt bày bán ở chợ hầu hết là không đảm bảo rồi. Khi luộc miếng thịt lên, nước thịt của thịt Lebio vẫn trong, độ vẩn phải thừa nhận rằng vẫn có nhưng rất ít. 

Thịt thông thường nhiều vẩn đục, bọt nhiều màu vàng. Tỏa mùi thơm hấp dẫn người ăn rồi. Khi ăn vào thơm ngon, mềm có độ ngọt, thịt thông thường có vị hôi của sản phẩm. Đó là cảm quan của người nấu ăn.

Đứng dưới góc độ phân tích góc độ khoa học: Dựa vào kết quả phân tích nhà máy giết mổ. Những miếng thịt thông thường hàm lượng protein 19, lipit 5,5... thế nhưng khi lợn nuôi bằng công nghệ Lebio mà cụ thể là cám vi sinh của công ty, kết quả kiểm tra cho thấy độ đạm là 21 mà lipit chỉ có 2,5 thôi. Thứ hai, kim loại nặng là âm tính; một số thịt thông thường trên thị trường nhiễm kim loại nặng là không tránh khỏi.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 24

Ba vị khách mời của chương trình

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Trưởng ban Hội và Tam nông Lê Hân: Hiện nay các hộ chăn nuôi phàn nàn rất nhiều về việc vì sao dân nuôi lợn thì bán giá rất thấp chỉ khoảng 25.000-27.000/kg, trong khi lợn sinh học rất cao và lượng bán ra trên thị trường rất ổn định?

Ông Tạ Văn Tường: Trên thực tế, việc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc chỉ là đường tiểu ngạch vì các thương lái tự đi thu mua. Bởi nếu xuất khẩu chính ngạch thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng không thể xuất sang Trung Quốc được vì muốn xuất khẩu thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn rất rõ ràng.

Thực ra, nếu các yếu tố đầu vào an toàn thì thịt sẽ an toàn. Tuy nhiên, hiện nay do có nhiều yếu tố ô nhiễm nên chăn nuôi theo kiểu truyền thống có nguy cơ không an toàn.

Vì vậy, cần phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn chất lượng thì giá bán mới ổn định và đặc biệt là phải phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi thì chất lượng cũng như số lượng bán ra thị trường mới ổn định được.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc có email dinhmanhquang_3**@gmail.com có hỏi ông Nguyễn Văn Thuận: Thưa ông, được biết, việc đánh giá, kiểm tra, xếp loại các cơ sở sản xuất có 3 loại: Loại A, loại B và loại C. Trong đó, loại C là các cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu về ATTP. Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định xử lý như thế nào với những cơ sở sản xuất xếp loại C?

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 27

Ông Nguyễn Văn Thuận

Ông Nguyễn Văn Thuận: Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đánh giá kiểm tra, xếp các cơ sở sản xuất có 3 loại: Loại A sản xuất tốt, loại B đạt yêu cầu, loại C không đạt yêu cầu. 

Việc kiểm tra, xếp loại này đều được đưa công khai tại website tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tai địa phương. Chúng tôi không chỉ đưa các cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu mà đưa cả các cơ sở sản xuất tốt, đạt yêu cầu lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc đưa công khai, minh bạch về các cơ sở sản xuất này sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và dễ dàng lựa chọn những cơ sở sản xuất an toàn, chất lượng. Riêng đối với những cơ sở sản xuất xếp loại C, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu cơ sở khắc phục các sai lỗi, tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý vi phạm theo Nghị định số 178 của Chính phủ.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 1

Bạn đọc có tên Thùy Dương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hỏi ông Tường: Có nhiều sản phẩm sạch nhưng người tiêu dùng chưa biết đến địa chỉ, các ông có giải pháp gì để giúp người tiêu dùng biết được những nơi này?

Ông Tạ Văn Tường: Đây là câu hỏi hay.

Chúng ta không dừng lại ở các điểm cung cấp sản phẩm sạch mà phải chỉ ra nhãn hiệu nào tốt, nhãn hiệu nào không tót. Hiện tình trạng sản phẩm chưa có nhãn hiệu vẫn còn rất nhiều và đây là một khó khăn.

Người dân vẫn có thói quen ăn thịt nóng mà chưa quen ăn thịt cấp đông. Chúng ta phải thay đổi ngay thói quen này.

Việc thay đổi cần phải truyền thông mạnh để thay đổi thói quen cho người tiêu dùng về tác hại của việc ăn thịt nóng. 

Các cửa hàng tiện ích phát triển ở khắp nước nhưng hiện chỉ có hàng khô đóng khô đóng gói sẵn ít thực phẩm tươi. Điều này cũng cần thay đổi.

Cần cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng vì các cơ quan nhà nước có làm tốt đến mấy thì vẫn gặp khó khăn vì chính người tiêu dùng là người quyết định mua hay không mua, buộc sản xuất phải đi theo. Do đó cần phải khuyến cáo người tiêu dùng.

Giải quyết được vấn đề thịt cấp đông thì sẽ giải quyết được vấn đề giá cả tiêu thụ trong ngày. Chỉ thịt cấp đông mới giải quyết được vấn đề này. 

Để giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng của cuộc sống của người tiêu dùng thì vai trò quyết định chính là sự thay đổi về thói quen tiêu dùng của toàn xã hội khi người tiêu dùng chuyển hẳn sang sử dụng thịt mát thịt cấp đông thì sản xuất buộc phải đi theo nhu cầu của người tiêu dùng. 

Theo đó, khi chuyển hẳn sang thịt mát thịt cấp đông thì người sản xuất buộc phải đi theo nhu cầu của người tiêu dùng là sản xuất ra thịt mát thịt cấp đông. Khi đó, mọi sản phẩm sẽ có bao gói nhãn mác và lúc đó thì nhà nước mới quản lý được triệt để về an toàn thực phẩm và đồng thời chuỗi sản xuất mới được hình thành và sẽ giải quyết được nhiều bất cấp về được mùa rớt giá, sản phẩm chất lượng thấp không rõ nguồn gốc, không xuất khẩu được.

img imgphan biet thuc pham sach - ban: can bo thoi quen an thit tuoi hinh anh 29

Clip giao lưu trực tuyến "Thực phẩm sạch - phân biệt, lựa chọn thế nào?”

Sau gần 2 tiếng diễn ra, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thực phẩm sạch - phân biệt, lựa chọn thế nào?” đã kết thúc. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã nhiệt tình tham gia và gửi câu hỏi tới chương trình!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem