TS Đoàn Hương: Ý tưởng mới ra đời là 'ném đá', xã hội khó phát triển

Thứ tư, ngày 29/11/2017 11:24 AM (GMT+7)
TSKH Đoàn Hương cho rằng xã hội phát triển nhờ những ý tưởng mới và táo bạo. Nếu chỉ thích đi theo những ý tưởng cũ, xã hội không thể đi lên.
Bình luận 0

Trong bối cảnh đề xuất cải tiến phụ âm tiếng Việt dậy sóng dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, TSKH Đoàn Hương cho rằng công trình của PGS.TS Bùi Hiền có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngôn ngữ tiếng Việt.

Bên cạnh đó, bà nêu quan điểm đối với những ý tưởng mới. Trước hết, chúng ta phải học cách tiếp nhận và trân trọng. Việc đánh giá nên thuộc về hội đồng khoa học có chuyên môn và những cơ quan có thẩm quyền khác. 

img

TSKH Đoàn Hương nhận xét cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền mang ý nghĩa rất lớn đối với ngôn ngữ tiếng Việt. Ảnh: Lao Động.

Nhận xét về những diễn biến của dư luận trong thời gian vừa qua, TS Hương cho biết đó là vấn đề về văn hóa ứng xử với cái mới và cần phải chấn chỉnh.

"Nếu bất cứ một ý tưởng mới nào ra đời mà cũng bị 'ném đá', xã hội không thể phát triển. Xã hội phát triển bởi những ý tưởng mới và táo bạo. Nếu chúng ta chỉ thích đi theo những ý tưởng cũ cho quen thuộc, xã hội không thể phát triển. Quan trọng ở đây là gì? Là ủng hộ cái mới", bà nhấn mạnh.

TSKH Đoàn Hương lấy dẫn chứng về công trình của hai nhà thiên văn học Mikolaj Kopernik và Galileo Galilei. "Ngày xưa, Kopernik cũng bị coi là điên rồ khi nói Trái Đất quay. Khi đó, cả thế giới tưởng Trái Đất đứng yên", bà nói. Thậm chí, Galilei còn bị khiêng lên giàn hỏa thiêu vì nhất quyết khẳng định thuyết nhật tâm.

"Trong khi các nhà nghiên cứu khoa học hôm nay tiêu tốn hàng nghìn tỷ của đất nước để làm những công trình cuối cùng xếp ngăn kéo mà không được thực hiện thì công trình của thầy Hiền là rất đáng trân trọng", bà nhận định.

Đương nhiên, áp dụng cái mới trong công trình của PGS.TS Bùi Hiền vào thực tế không đơn giản vì ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ viết nói riêng là một quy ước.

"Quy ước là do xã hội thừa nhận nên trước hết, nó phải có ý kiến của những hội đồng khoa học. Bên cạnh đó, ta không thể dùng quy chế để ép người khác theo mà phải do người ta tự nguyện", bà Hương nói.

"Tuy nhiên, nếu công trình của PGS.TS Bùi Hiền trở thành quy ước, tôi cũng phải học lại lớp 1. Bởi đó là bảng ngôn ngữ hoàn toàn mới và tôi đọc cũng không hiểu gì", TS Hương cười và nói.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hiền cho rằng bảng chữ mới không quá khó để đọc. Thậm chí, chỉ tốn 1-2 tiếng là có thể đọc nhuần nhuyễn. Ông cũng cho hay với bảng chữ cái hiện tại, học sinh lớp 1 phải tốn một năm để có thể học xong. Tuy nhiên, với bảng chữ mới, các em chỉ mất nửa năm.

Kim Ngân (VTV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem