Việt kiều nghèo: Về quê ăn Tết là... xa xỉ

Thứ sáu, ngày 28/01/2011 08:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được tiếng là Việt kiều nhưng họ vẫn đang bộn bề với chuyện cơm, áo, gạo, tiền… Về quê ăn Tết với họ là một thứ xa xỉ.
Bình luận 0

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) là nơi đón phần lớn các Việt kiều nghèo ở Lào về Việt Nam ăn Tết. Các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết: Kiều bào về qua Lao Bảo là dân lao động nghèo sinh sống ở mấy tỉnh kinh tế khó khăn như Savanakhet, Pakse…

img
Kiều bào ở Lào về nước ăn Tết bằng xe máy

Bình minh trên quê hương

Thiếu tá Ma Phương Trình - Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng bình thản trước sự ngạc nhiên của tôi khi thấy Việt kiều đầu tiên qua cửa khẩu Lao Bảo đi bằng… xe máy. Anh bảo: Họ phải mang xe máy về để còn đi lại chứ. Nếu không thì lấy tiền đâu ra mà đi taxi, xe ôm.

Hai bố con anh Nguyễn Sĩ Lương (quê Gio Linh, Quảng Trị) xuất hiện đầu tiên ở cửa khẩu. Cơn gió đông bất chợt đập vào mặt khi vừa vượt qua đỉnh Trường Sơn khiến hai bố con rét tím tái. Tuy thế, ông bố vẫn hồ hởi: "Xuống đất bước đi con, đất quê hương mình đấy".

Năm năm rồi, từ khi lấy vợ tại Lào, giờ anh mới về quê hương, được đón ngọn gió Đông Bắc mỗi khi xuân về. "Đường về quê" lần đầu của cậu bé tên là Gio Linh (anh Lương lấy tên huyện mình đặt cho con) khá nhiêu khê. Hai bố con đi xe máy lên trung tâm Pakse mất 70km, sau đó cho xe máy lên xe khách đi lên cửa khẩu. Nghỉ một đêm tại đây vì buổi tối không làm thủ tục xuất nhập cảnh được. Vừa qua cửa khẩu, hai bố con phóng xe máy về quê.

Anh Lương bảo: "Kinh tế bây giờ không còn là trở ngại lớn nữa, cứ làm ăn dành dụm hai, ba năm là có tiền về quê ăn Tết". Năm nay, vợ anh không về được vì bận con mọn (con gái Gio Linh vừa ra đời tháng 3 năm ngoái). Hơn nữa, vợ anh, tên Mỏn Nậm bận "đánh vật" với đàn lợn 4 con, nơi gia đình họ ở tại Lào, nếu ai muốn bán con lợn ăn Tết thì phải thịt lợn rồi mang ra chợ bán, chứ thương lái rất ít.

Vị khách đặc biệt này được anh Ma Phương Trình thay mặt Đồn Biên phòng tặng một cây thuốc lá. Chỉ vào mấy can rượu Kon sai đẻn (một loại rượu đặc sản của Lào) buộc sau xe, anh Lương phấn khởi: "Đã có rượu kia rồi, các anh lại tặng thuốc lá. Tết này xôm đây".

Gác lo toan lại

Đại úy Nguyễn Quang Tuấn - Đội trưởng Đội Thủ tục Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết: Tết 2010 có 18.546 người từ Lào về quê ăn Tết. Năm nay, số lượng sẽ nhiều hơn nên Đồn sẽ tăng cường công tác và đảm bảo 80% quân số trực, tạo điều kiện tốt nhất để đón kiều bào về quê ăn Tết.

Những người qua đây về quê ăn Tết, ai cũng mang một cái can tướng rượu Kon sai đẻn, cùng một bó cây mật gấu to đùng (cũng để ngâm rượu). Tại Lào, loại cây được coi là vị thuốc quý ở Việt Nam này có rất nhiều, họ hay trồng làm cảnh tại các nơi công cộng.

Các chiến sĩ biên phòng gửi tôi theo một xe khách từ Savanakhet về Đông Hà (Quảng Trị). Trên xe có hai bố con ông lão đang chia các khúc cây mật gấu ra các túi nhỏ để làm quà.

Anh con còn trẻ, cười ngoác miệng trước mỗi câu hỏi của tôi, cuối cùng ông lão bảo: "Hỏi hắn mần chi? Hắn nỏ biết tiếng Việt mô. Hắn là con rể tui đó". Tuy không biết tiếng Việt, nhưng cậu chàng Kham Sẻng này là gã rể khá. Hắn tháp tùng bố vợ về quê.

Ông lão tên Khang (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cười hớn hở trước câu chuyện chẳng lấy gì làm vui của mình: Ông sang Lào đã 14 năm, từ lúc cô con gái út (vợ Kham Sẻng) mới 5 tuổi. Năm vừa rồi, ông phải từ Savanakhet lên Viêng Chăn mổ dạ dày, các bác sĩ nói nếu cố giữ gìn thì sẽ còn sống được khoảng 3 năm nữa. Nhà đã hết sạch cả tiền nhưng ông muốn một lần về quê ăn Tết và thắp hương cho ông, bà, cha, mẹ. Anh con rể út "chơi đẹp", bán luôn con trâu nhà mình rồi đưa bố vợ về quê ăn Tết. Ông Khang cười: "Về quê ăn Tết thế này là tôi thỏa nguyện rồi!".

Ngay sát chỗ tôi ngồi có bà cầm cái điện thoại di động nhấc lên, nhấc xuống rồi "a lô" hoài. Bà phàn nàn: "Lúc trước còn gọi được cơ mà". Tôi phải kiểm tra hộ, kiểm tra đến cái sim thấy chữ Laosphone (Hãng viễn thông của Lào), tôi "bó tay" thực sự. Bà già tên Mịch (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cười rũ rượi:

"Con gái tôi cho mượn để về quê, nó dặn đến Việt Nam phải mua cái sim siếc gì đấy như anh vừa bảo. Qua cửa khẩu một đoạn thấy vẫn gọi được, tôi chả mua sim mới làm gì cho tốn tiền, ai ngờ về đến đây lại tịt".

Hỏi bà sao không về Thanh Hóa qua cửa khẩu Cầu Treo cho gần thì bà bảo: "Tôi còn phải xuống Đông Hà (Quảng Trị), bà chị tôi ở đấy. Bà ấy hứa cho tôi vay 10 triệu làm nhà cho thằng cả mới lấy vợ. Lấy tiền xong, tôi lại bắt xe về quê, coi như đi du lịch”.

Ngồi trên chuyến xe hồi hương với những người lam lũ, bỗng thấy thương thương đến lạ! Con người ta dù sang giàu hay nghèo khốn gì cũng có một quê hương để mà nhớ, mà về. Gác hết lo toan lại, mừng một mùa xuân trên quê hương thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem