Việt Nam có 5 vùng chịu ảnh hưởng mạnh của siêu bão

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 07/10/2014 14:37 PM (GMT+7)
Sáng nay (7.10), tại Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó bão mạnh, siêu bão, đại diện Bộ TNMT đã đưa ra cảnh báo: Việt Nam có 5 vùng chịu tác động mạnh của bão, siêu bão. 
Bình luận 0

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, những năm gần đây trên thế giới xảy ra nhiều trận bão mạnh, siêu bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản như: Bão Katrina đổ bộ vào Hoa Kỳ năm 2005, bão Nargis đổ bộ vào Myanmar năm 2008, bão Bopha đổ bộ vào Philippines năm 2012… Đặc biệt, siêu bão Haiyan năm 2013 là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines với gió mạnh trên cấp 17, nước dâng cao tới 7 mét, khiến hơn 6.000 người chết và phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng khu vực bão đổ bộ.

img

Báo cáo của Bộ TNMT cho thấy: Dựa vào các tiêu chí như mùa bão, các tháng nhiều bão trong năm; tần số bão trong năm; tình hình mưa do bão, khu vực ven biển nước ta được chia thành 5 vùng chịu sự ảnh hưởng khác nhau của bão mạnh và siêu bão gồm: Quảng Ninh – Thanh Hóa, Nghệ An – Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng – Bình Định; Phú Yên – Khánh Hòa; Ninh Thuận – Cà Mau. Trong đó, vùng Quảng Ninh – Thanh Hóa đã từng ghi nhận cường độ bão cấp 15. Khi bão mạnh hoặc xảy ra siêu bão, vùng ven biển nước ta sẽ chịu ảnh hưởng của bão với cường độ từ cấp 12, cấp 13 đến cấp 15, cấp 16 kèm theo nước dâng do bão từ 3 mét đến 6 mét. Ở các tỉnh ven biển và vùng trũng thấp như Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải ứng phó với nguy cơ gió mạnh và ngập lụt do nước biển dâng; các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải ứng phó với gió mạnh và mưa lũ sau bão…

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, với cường độ lớn, diễn biến phức tạp, bão mạnh và siêu bão sẽ gây thiệt hại nặng nề khu vực bão đổ bộ, vì vậy, các phương án, kế hoạch và kịch bản ứng phó với bão phải thật chi tiết, cụ thể. Các địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống bão, chủ động xây dựng bản đồ cảnh báo những khu vực nguy hiểm xảy ra nước biển dâng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời phải có phương án sơ tán dân khi tình huống xấu xảy ra...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Có 3 nhóm vấn đề, thứ nhất là phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, với mỗi cơn bão, với mỗi triều cường ở mỗi vùng là khác nhau, cho nên chúng ta không thể có sẵn được kịch bản. Thứ hai là nâng cao khả năng tự ứng phó của nhân dân, cung cấp thông tin để người dân hiểu được bão mạnh, siêu bão khi bão vào tác động đến từng vùng như thế nào. Thứ ba là rất nhiều vùng, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà tránh trú bão, khi bão xảy ra nhất là khi nước biển dâng để người dân có chỗ tránh trú”. 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Trong ứng phó với bão mạnh và siêu bão, các biện pháp và phương án phải được triển khai khẩn trương và kịp thời, trên cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó của mỗi địa phương, phù hợp với đặc thù tự nhiên của từng vùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem