Học nhiều, “hành” ít

Thứ hai, ngày 08/11/2010 03:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều người học, ít người “hành” là thực trạng về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Đà Nẵng nhiều năm nay. Bên cạnh đó, việc đào tạo “trọng nam, khinh nữ” cũng là một bất cập của hoạt động này.
Bình luận 0

Học nhiều nhưng “hành” không dễ

Ở TP Đà Nẵng, các trung tâm dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có cả của Hội Nông dân, quanh năm rộng cửa đón học viên.

img
Các lớp học trồng nấm, cây cảnh chủ yếu là nam giới theo học.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa Vang đào tạo nghề cho 474 học viên, Trung tâm Dạy nghề Liên Chiểu đào tạo hơn 400 học viên. Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cũng mở 8 lớp đào tạo các nghề trồng nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi và kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh cho 240 học viên. Ngoài ra, hàng chục lớp do các đơn vị khác mở cũng thu hút hàng trăm học viên.

Tính ra mỗi năm, hàng nghìn nông dân ở Đà Nẵng được đào tạo nghề. Đó là chưa kể nhiều lớp tập huấn ngắn hạn. Trẻ thì học các nghề may công nghiệp, điện dân dụng, điện công nghiệp, gia công cơ khí, điện tử. Trung niên thì học sản xuất nấm ăn, kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh, nấu ăn, nuôi trồng thủy-hải sản...

Ông Ông Văn Hoàng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang cho biết, chỉ cần đến lớp đều đặn, sau 3-4 tháng là bà con có một nghề trong tay, lại không mất khoản chi phí nào. Thế nhưng, điều đáng nói là sau những khóa học như vậy, phần nhiều học viên “trả chữ cho thầy”. Ông Hoàng cho rằng, nguyên nhân chính là do học viên không tâm huyết, ít nỗ lực trong sản xuất kinh doanh. Nhiều người hài lòng với cuộc sống không lấy gì làm khá giả hiện tại. Việc thu hút học viên là đối tượng nông dân đã khó, để họ phát huy nghề đã học còn khó hơn.

Những lớp học “dương thịnh, âm suy”

Theo ông Nguyễn Phú Ban - Chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng, trong các lớp đào tạo nghề, nam giới luôn chiếm tỷ lệ cao. Từ đầu năm đến nay, trong 1.200 học viên nông dân được cả 4 trung tâm dạy nghề Hoà Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn), Thanh Khê (quận Thanh Khê) đào tạo ra thì chỉ có 200 học viên là nữ.

Nguyên nhân của thực trạng này là do quan niệm “đàn ông làm kinh tế, đàn bà chăm gia đình”, và phụ nữ phải lo trăm thứ việc trong nhà, không còn thời gian để đến lớp học nghề.

Chị Nguyễn Thị Tường Vi (43 tuổi, xã Hoà Phú) đang theo một lớp học làm nấm, cho biết chị phải học đến khóa thứ 3 mới “tốt nghiệp” được vì học hành chắp vá do bị chi phối bởi công việc gia đình. “Phụ nữ nhà nông chúng tôi bao nhiêu là việc không tên, đâu yên tâm học cả ngày, cả tuần được” - chị tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Kim Yến (30 tuổi, Thanh Khê), bị thu hồi đất, nghe có lớp dạy cắt may, háo hức muốn đi lắm nhưng chồng... không cho, đành chịu. “Bà đi ở nhà cơm nước, con cái ai lo?” - chị thuật lại lời chồng.

Phụ nữ nông thôn chịu khó, cần cù, nhưng lại mất đi nhiều cơ hội được đào tạo nghề, đó là một thua thiệt đối với họ cũng như gia đình họ. Trong khi đàn ông nhiều cơ hội kiếm được việc làm phổ thông và cũng có quá nhiều cơ hội được học nghề, rốt cuộc nhiều “ông” có học nhưng không “hành”, còn phụ nữ khao khát được học, muốn có nghề lại không được học.

Mấy năm lại đây, chỉ tính riêng nghề làm nấm tại Đà Nẵng đã có hàng chục lớp với cả ngàn học viên nông thôn. Thế nhưng, số học viên “ra trường” về làm nấm mấy năm đầu được 400, nay cả thành phố còn chưa đến 100. Trong khi đó, nấm ăn vẫn đang là mặt hàng dễ tiêu thụ và có giá trên thị trường.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem