Vụ BOT Cai Lậy, Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang làm chưa hết trách nhiệm

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 05/12/2017 13:30 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia chính trị, pháp luật, việc để xảy ra căng thẳng kéo dài tại trạm thu phí BOT Cai Lậy đến mức Thủ tướng phải vào cuộc chỉ đạo, rõ ràng Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang đã làm không hết trách nhiệm.
Bình luận 0

img

Trạm thu phí Cai Lậy căng thẳng trong nhiều ngày qua. Ảnh: VNE.

Nếu không phù hợp thực tiễn phải sửa

Đánh giá về chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi yêu cầu trạm dừng thu phí 1 -2 tháng tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng: Quyết định của Thủ tướng là rất kịp thời để tháo gỡ tình trạng căng thẳng trong những ngày qua.

Tại buổi làm việc tối qua (4.12) với lãnh đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cùng với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp cho trạm thu phí BOT Cai Lậy, Thủ tướng đã lưu ý, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.

img

Nhiều người đổ ra đường khi nghe tin Thủ tướng yêu cầu tạm dừng thu phí tại trạm Cai Lậy. Ảnh: VNE.

“Những người ban hành pháp luật hay chính sách phải luôn nhớ luật sẽ bị chậm hơn so với thực tiễn, bởi thực tiễn luôn vận động. Những vấn đề, sự việc đưa ra theo quy trình là đúng nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thấy không phù hợp, người dân phản ứng thì phải xem xét. Pháp luật hay chính sách là hướng tới xã hội, để quản lý, tạo ra trật tự xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Thế nhưng khi đưa ra áp dụng chủ thể là người dân họ thấy không phù hợp, không chấp nhận mà chính quyền vẫn muốn giữ thì không đúng với tinh thần chính quyền kiến tạo”, ông Lê Việt Trường nói.

Bộ và địa phương giải quyết chậm

Theo ông Lê Việt Trường, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã xảy ra căng thẳng từ trước (tài xế dùng tiền lẻ qua trạm khiến ùn tắc giao thông, trạm thu phí đã phải tạm dừng 3 tháng rưỡi, sau đó hoạt động lại vào ngày 30.11), phản ứng chính sách của Bộ, ngành và chính quyền địa phương kém nên mới tái diễn tình trạng căng thẳng khi trạm thu phí hoạt động trở lại.

“Lẽ ra Bộ GTVT tự giải quyết được chứ không cần phải người đứng đầu Chính phủ vào cuộc chỉ đạo. Một trạm BOT như Cai Lậy mà phải để Thủ tướng chỉ đạo mới có lời giải, như thế nghĩa là Bộ GTVT, chính quyền địa phương đã xử lý chậm. Nếu các công việc khác, các lĩnh vực khác trên cả nước khi phát sinh những vụ việc căng thẳng tất cả cùng chờ Thủ tướng thì Bộ trưởng làm gì. Tôi cho rằng Thủ tướng cần phải hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT khi để xảy ra kéo dài như ở trạm thu phí Cai Lậy”, ông Trường nêu quan điểm.

Có cùng nhìn nhận như ông Trường, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: Việc người đứng Chính phủ vào cuộc để chỉ đạo xử lý là rất kịp thời. Vụ việc này không phải mới, lẽ ra Bộ GTVT, chính quyền địa phương phải xử lý từ trước. “Vụ BOT Cai Lậy mà không giải quyết được, để căng thẳng kéo dài có thể phản ứng thành dây chuyền đến các trạm thu phí BOT khác. Như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế”, TS Kiêm nhìn nhận.

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vụ việc trạm thu phí Cai Lây, Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang không giải quyết được phải Thủ tướng vào cuộc rõ ràng hai cơ quan này đã làm không hết trách nhiệm. Để xảy căng thẳng kéo dài, lặp đi, lặp lại gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội về hình ảnh của BOT.

TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng, trong vụ việc này, phía cơ quan chức năng cũng đưa ra các giải pháp không đem lại hiệu quả, chứng tỏ nguyên nhân ở đây có sự bất hợp lý cần phải có chỉnh sửa kịp thời.

Theo ĐB Xuyền, trong cuộc họp chỉ đạo những yêu cầu của Thủ tướng cũng là nguyện vọng của người dân. Thứ nhất dự án phải công khai, minh bạch dự án, nhà đầu tư đã làm những, kết quả của dự án ra sao. Nếu cho rằng đặt trạm thu phí ở vị trí như hiện nay là đúng thì đúng ở chỗ nào, cần phải giải thích cho người dân biết.

“Liên quan đến vấn đề BOT hiện nay có rất nhiều hạn chế, bật cập. Qua công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra hàng loạt những hạn chế. Các dự án BOT cần phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế như Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hôi đã nêu thì khi làm mới đảm bảo bền vững, được người dân đồng thuận”, ĐB Xuyền nói.

Một trong những hạn chế, bất cập được Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) nêu ra:

Các quy định của pháp luật và thực tế triển khai về thu phí (giá) sử dụng dịch vụ đường bộ, vị trí đặt trạm thu phí còn chưa hợp lý dẫn đến việc một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc quy định, thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về dự án còn bất cập. Công tác thông tin tuyên truyền còn thiếu thống nhất dẫn đến sự thiếu đồng thuận và có cách hiểu khác nhau trong xã hội đối với các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem