Vụ cầm dao khống chế 3 cháu bé ở trường mầm non: Ngáo đá vẫn bị xử lý hình sự

Quang Trung Thứ bảy, ngày 02/03/2024 12:12 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc sử dụng trái phép chất ma túy vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Cầm dao vào trường mầm non khống chế 3 cháu bé do ngáo đá

Liên quan vụ bắt giữ đối tượng ngáo đá uy hiếp trẻ em xảy ra tại trường mầm non T.T.T, trú phường 5, TP Mỹ Tho, Công an tỉnh Tiền Giang đã có thông tin chính thức.

Theo công an, đối tượng là Nguyễn Bá Quân (37 tuổi, ngụ thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) làm nghề tự do tại TP.HCM, anh ta có sử dụng ma túy tổng hợp nhưng không thường xuyên. Quân từng có vợ tại tỉnh Sóc Trăng nhưng không còn chung sống.

Vụ cầm dao khống chế 3 cháu bé ở trường mầm non: Ngáo đá vẫn bị xử lý hình sự- Ảnh 1.

Hình ảnh Quân khống chế các cháu bé trong phòng. Ảnh: TL

Sau đó, Quân có quen và sống chung như vợ chồng với một người phụ nữ tại TP Mỹ Tho, cả hai có con chung là một bé trai 5 tuổi. Thời điểm xảy ra vụ việc, Quân không còn sống chung với người phụ nữ nói trên.

Tối 29/2, Quân sử dụng ma túy tổng hợp. Đối tượng khai nhận vào sáng 1/3, do bị ảo giác "cha, mẹ, vợ, con bị giết" nên đã dẫn con đi trốn và gây ra vụ việc nói trên.

Sáng cùng ngày, Quân dẫn theo con ruột đến tiệm tạp hóa (đối diện với trường mầm non) trên đường Đoàn Thị Nghiệp, phường 5, TP Mỹ Tho.

Tại đây, đối tượng lấy con dao dài khoảng 50cm đang để trong tiệm tạp hóa. Sau đó, dẫn theo con trai và cầm dao vào trường mầm non hăm dọa, cướp điện thoại di động của cô giáo...

Quân bắt 2 cháu bé 4 tuổi đưa vào phòng, đồng thời dùng dao kề sát cổ, hăm dọa sẽ giết một cháu bé, khi đó gã trong trạng thái kích động, la hét, mất kiểm soát. Quân ra yêu cầu một chiếc xe đạp và để bên ngoài cửa phòng, nơi đối tượng đang khống chế các cháu bé.

Đối tượng vừa khống chế cháu và bước về hướng cửa phòng thì bị lực lượng cảnh sát bất ngờ tước hung khí, khống chế.

Ngáo đá vẫn bị xử lý hình sự

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Ủy viên BCH Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi của đối tượng này là nguy hiểm cho xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của các em học sinh và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của giáo viên, hành vi có dấu hiệu của tội cướp tài sản và tội đe dọa giết người.

Mặc dù kết quả xác minh ban đầu cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng đang mất khả năng kiểm soát hành vi vì sử dụng trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, theo quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc sử dụng trái phép chất ma túy vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vì thế, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi giật điện thoại của giáo viên được thực hiện như thế nào, hành vi có thể hiện mục đích để chiếm đoạt tài sản hay không.

Nếu có việc dùng vũ lực để lấy điện thoại của nạn nhân, đây là hành vi cướp tài sản, đối tượng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 168 Bộ luật hình sự về tội cướp tài sản.

Còn đối với hành vi đe dọa giết người, nếu hành vi này khiến cho nạn nhân sợ hãi và những người khác lo sợ hậu quả chết người có thể xảy ra thì thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội đe dọa giết người quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.

Với hành vi giữ người trái pháp luật, cơ quan chức năng sẽ làm rõ, có thể hành vi này bị hút vào tội đe dọa giết người chứ không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội độc lập.

Theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng, hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ xử lý về tội danh đó.

Nếu một hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội danh, sẽ xử lý ở tội danh có mức hình phạt cao hơn. Nếu có những hành vi không thỏa mãn dấu hiệu định tội nhưng có thể xem xét là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc dấu hiệu tăng nặng cũng áp dụng để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với đối tượng.

"Với diễn biến của sự việc như trên, thấy hành vi đoạn đe dọa giết người là rõ nhất và có thể xử lý về tội danh này. Còn đối với hành vi giật điện thoại phải làm rõ hành vi có thể hiện mục đích chiếm đoạt hay không, có làm hư hỏng chiếc điện thoại hay không để xem xét xử lý về tội danh nào cho phù hợp" – ông Cường nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem