Vụ doanh nghiệp kiện Quản lý thị trường TP.Hà Nội: Tại anh, tại ả...

Lương Kết Thứ năm, ngày 25/09/2014 07:23 AM (GMT+7)
Sau hai ngày xét xử (23, 24.9), vụ án Công ty TNHH Mạnh Cầm (Công ty Mạnh Cầm, Hà Nội) kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) kết thúc phần tranh luận.
Bình luận 0

Tại phiên tòa, đại diện cho Công ty Mạnh Cầm thừa nhận có vi phạm nhãn hàng hóa đối với sản phẩm sữa Danlait, nhưng cho rằng hành vi này chỉ đáng bị nhắc nhở chứ không đến mức xử phạt hành chính. Bên cạnh đó theo Công ty Mạnh Cầm, khi lô hàng sữa Danlait đang bị tạm giữ để chờ kết quả kiểm tra về chất lượng, ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội đã thông tin trước báo chí sản phẩm sữa dê Danlait không đạt chất lượng (không đủ 34% độ đạm). Đến khi có kết quả kiểm tra sữa Danlait đạt chất lượng của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế, lực lượng QLTT cũng không thông báo cho Công ty Mạnh Cầm và báo chí suốt hơn 3 tháng kể từ ngày công ty bị kiểm tra, gây bất lợi cho doanh nghiệp.

img

Bà Nguyễn Thị Sinh, đại diện pháp lý cho Công ty TNHH Mạnh Cầm trước tòa. Ảnh: BizLIVE

Bên cạnh đó số lon sữa của công ty bị đội QLTT số 12 thu giữ về để trong kho trong điều kiện bảo quản không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khiến hàng bị ẩm mốc, bao bì rách nát nên nhận hàng về, công ty không thể bán những sản phẩm này vì bị khách hàng tẩy chay.

Theo lý giải của đại diện QLTT tại tòa, đối với nhãn phụ của hàng hóa của sữa Danlait bắt buộc phải chú thích thêm khuyến cáo là pha chế bằng cốc chén, muỗng và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Thế nhưng trên các sản phẩm sữa của Công ty Mạnh Cầm không hề có nội dung này. Vi phạm tiếp theo là trên nhãn phụ của sản phẩm đã có sự ghi chú sai lệch về hàm lượng kali so với đăng ký chất lượng sản phẩm. Trong đăng ký chất lượng sản phẩm, sữa Danlait được xác định là thực phẩm bổ sung, nhưng trên tờ khai hải quan lại ghi là sữa.

Một điểm đáng chú ý là quá trình kiểm tra QLTT đã phát hiện ra sự chênh lệch rất lớn giữa giá trị sản phẩm ghi trong phiếu xuất kho và giá trị sữa ghi trong hóa đơn VAT của doanh nghiệp. Nghi ngờ Công ty Mạnh Cầm có dấu hiệu trốn thuế nên QLTT Hà Nội chuyển 190 tờ phiếu xuất kho cho cơ quan thuế để làm rõ. Tại tòa, Công ty Mạnh Cầm đề nghị tòa buộc QLTT bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng về thiệt hại kinh tế doanh nghiệp phải gánh chịu.

Sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã nghị án kéo dài và dự kiến đến chiều ngày 27.9 bản án mới được tuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem