Điểm danh 10 thiết bị quân sự đắt đỏ nhất hành tinh

Minh Anh Thứ ba, ngày 22/03/2016 08:23 AM (GMT+7)
Lợi thế về công nghệ đã trở thành một yếu tố cần thiết trong lĩnh vực quốc phòng và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ngân sách dành cho quân sự của thế giới ngày càng tốn kém.
Bình luận 0

Với các mối đe dọa về khủng bố, an ninh trong nước hay bảo vệ biên giới, chính quyền các nước không ngần ngại bỏ ra ngày càng nhiều tiền để mua những thiết bị quân sự đắt đỏ.

Dưới đây là danh sách 10 thiết bị quân sự đắt đỏ nhất thế giới theo thống kê của tờ Jargan Post (Ấn Độ).

1. Tàu sân bay USS Gerald Ford – 13,1 tỉ USD:

img

Đây là chiếc tàu sân bay được chế tạo với chi phí đắt nhất từ trước tới nay và chuẩn bị được biên chế vào hải quân Mỹ.  Tàu có khả năng tạo ra lượng điện năng lớn gấp 3 lần các tàu lớp cũ. Lượng điện này sẽ được tàu Ford sử dụng cho hệ thống phóng máy bay bằng điện từ trường (EMALS), giúp tăng thêm 25% số lượng chuyến bay cất cánh mỗi ngày (220 chuyến) so với hệ thống phóng bằng hơi nước trước đó.

2. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth – 9,1 tỉ USD:

img

Chiếc tàu sân bay này sẽ gia nhập hải quân Anh vào năm 2019. Tàu nặng 65.000 tấn, dài 280 m, rộng 70 m và sức chứa 1.600 thủy thủ cùng nhân viên. Tàu có tầm hoạt động tới 10.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu. 

3. Tàu khu trục DDG 1000 lớp Zumwalt – 7 tỉ USD:

img

Tàu lớp Zumwalt có lượng giãn nước 14.564 tấn, dài 182,9m, rộng 24,6m, mớn nước 8,4m, tốc độ tối đa 30 hải lí/h (55,6 km/h), thủy thủ đoàn 148 người. Tàu khu trục lớp Zumwalt còn mang theo tối đa 2 máy bay trực thăng hải quân đa nhiệm Sikorsky SH-60 Sea Hawk và 3 UAV MQ-8 Fire Scout.

4. Tàu ngầm HMS Astute – 5,4 tỉ USD:

img

Đây là tàu ngầm hạt nhân đắt nhất trong lịch sử hải quân Anh. Tàu ngầm hạt nhân tấn công Astute có lượng giãn nước toàn tải khi lặn tới 7.400 tấn, dài 97m, rộng 11,3m và mớn nước 10m. Tàu được vận hành bởi thủy thủ đoàn chỉ gồm 98 người, điều đó cho thấy con tàu có tính tự động hóa rất cao. Tàu không những có thể đạt vận tốc 30 hải lý/giờ khi lặn dưới đại dương mà còn cho phép nó có thể hoạt động liên tục suốt 25 năm mà không cần phải tiếp nhiên liệu.

5. Tàu sân bay Charles de Gaulle: 4,1 tỷ USD:

img

Với lượng giãn nước lên tới 42.000 tấn, Charles de Gaulle được xem là tàu sân bay hạt nhân lớn thứ 2 thế giới hiện nay. Con tàu có chiều dài tổng thể 261,5m, chỗ rộng nhất 64,36m, mớn nước 9,43m. Con tàu có khả năng chở 28-40 máy bay các loại gồm: tiêm kích Rafale M; cường kích Super Etendard; máy bay cảnh báo sớm E-2C, trực thăng đa năng Dauphin, Caracal, Cougar. Charles de Gaulle được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân K15 công suất 30MW cung cấp năng lượng cho con tàu hoạt động liên tục 20-25 năm, tốc độ bơi tối đa 50km/h. Thủy thủ đoàn của tàu gần 2.000 người (600 người thuộc không quân).

6. Tàu tấn công đổ bộ USS America - 3,5 tỷ USD:

img

Đây là chiếc tàu đổ bộ tấn công đầu tiên thuộc lớp America của Hải quân Mỹ, mới gia nhập biên chế ngày 1.4.2014 với mục đích thay thế cho tàu đổ bộ tấn công LHA-5 Peleliu lớp Tarawa chuẩn bị ngừng hoạt động. LHA-6 America có chiều dài 257 m; rộng 32 m; mớn nước 7,9 m; lượng giãn nước đầy tải 45.693 tấn. Biên chế của tàu gồm 65 sĩ quan, 994 thủy thủ và có thể mang theo 1.687 lính thủy đánh bộ. Vũ khí trang bị của America gồm 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe, 2 bệ phóng tên lửa Sea Sparrow, 2 hệ thống CIWS Phalanx và 7 súng máy 12,7 mm nòng kép.

7. Tàu ngầm lớp Virginia: 2,5 tỷ USD:

img

Tàu ngầm lớp Virginia có lượng giãn nước đầy tải 7.800 tấn; chiều dài 114,9 m; chiều rộng 10,3 m; lặn sâu tối đa 244 m; thủy thủ đoàn 134 người. Tàu sử dụng lò phản ứng hạt nhân S9G do General Electric chế tạo, cho phép chạy với tốc độ tối đa 25 hải lý/h (46 km/h) khi nổi hoặc 32 hải lý/h (59 km/h) khi lặn, tầm hoạt động không giới hạn, có thể làm việc liên tục 33 năm mà không cần tái nạp nhiên liệu. Vũ khí trang bị của tàu gồm 12 ống phóng thẳng đứng với cơ số 16 tên lửa hành trình đối đất UGM-109 Tomahawk. Bên cạnh đó là 4 ống phóng lôi cỡ 533 mm, tương thích với ngư lôi hạng nặng Mk 48 hoặc tên lửa chống tàu Sub Harpoon (dự trữ 26 tên lửa và ngư lôi).

8. Tàu chiến Varyag: 2,4 tỷ USD:

img

Sau khi Liên-xô tan ra, tàu sân bay Varyag thuộc về Ukraine. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc đã mua lại và tái trang bị, cùng đổi tên thành Liêu Ninh. Tàu sân bay này có đường băng thiết kế kiểu cầu bật như các tàu do Liên-xô chế tạo.

9. Máy bay B-2 Spirit -  2,4 tỷ USD

img

B-2 Spirit là máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất của Mỹ hiện nay, được trang bị công nghệ tàng hình trước radar. B-2 có sải cánh 52,4m, chiều dài thân, 21m, trọng lượng không tải 45 tấn và trọng lượng tối đa khi tải là 170 tấn. Nó có thể đạt vận tốc tối đa 2.146 km/h, tầm bay gần 10.000km trong khi chỉ cần điều khiển bởi một tổ lái 2 người.

10. Tàu sân bay INS Vikramaditya - 2,3 tỷ USD:

img

Chiếc tàu này có lượng giãn nước 45.000 tấn này dài 284 m, có khả năng chở theo chiến đấu cơ MiG-29K, cùng mẫu trực thăng trinh sát và chống tàu ngầm Kamov 31 và Kamov 28. Tàu sở hữu tốc độ tuần tra 18 hải lý/h, tối đa 32 hải lý, phạm vi hoạt động lên đến 13.500 hải lý (tương đương 25.000 km). Tàu sân bay có thể chứa 1.600 tới 2.000 nhân viên, hơn 30 máy bay chiến đấu, trực thăng và nhiều loại máy bay khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem