Vụ thu “tô” bãi triều Phú Hải: Đừng để..."con giun xéo mãi cũng oằn”

Nguyễn Quý Thứ hai, ngày 13/08/2018 13:45 PM (GMT+7)
Như Dân Việt đã phản ánh về việc hàng trăm ha bãi triều ở xã Phú Hải, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) bị lấn chiếm đóng cọc, quây lưới làm nơi nuôi thả nghêu ngao, hoặc chỉ để đánh dấu chủ quyền. Ngư dân muốn vào đây đánh bắt sá sùng phải nộp “tô”, hoặc phải bán lại cho chủ bãi với giá rẻ mạt, nếu không chấp nhận sẽ bị hành hung.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt vào sáng nay (13.8), ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết, huyện đang vào cuộc tích cực để giải quyết triệt để “điểm nóng” này.

Từ việc buông lỏng quản lý...

img

Hàng trăm ha ô, bãi đã được cắm cọc, quây lưới và những chòi canh được dựng lên để nuôi ngao, nghêu. Nhiều hộ không nuôi nhưng cũng không cho phép người dân vào đào sá sùng, hoặc muốn vào phải nộp "tô". Ảnh: Nguyễn Quý.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, vào năm 2010 UBND huyện Hải Hà đã quy hoạch diện tích đất bãi triều xã Phú Hải thành vùng chuyên nuôi trồng thủy sản và vùng khai thác thủy sản tự nhiên. Khu vực đất bãi triều xã Phú Hải được quy hoạch nuôi trồng thủy sản gồm 11 lô đất với 207 ô có tổng diện tích là 410,6 ha.

Phần đất bãi triều còn lại để cho các hộ dân khai thác thủy sản tự nhiên. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng đất bãi triều Phú Hải, đã có hàng chục hộ dân được giao đất nhưng lẫn chiếm thêm, cộng thêm nhiều hộ khác tự ý cắm cọc, quây lưới để chiếm đất bãi triều trái phép. Chính từ việc thiếu quản lý của chính quyền địa phương đã dẫn đến mâu thuẫn xung đột giữa các hộ dân nuôi trồng thủy sản và người dân khai thác tự nhiên.

Theo phản ánh, từ khoảng 3 năm nay người dân phải nộp một khoản phí cho các ông chủ để được vào bãi (vốn là bãi tự nhiên) đánh bắt con sá sùng. Hoặc phải bán lại sản vật quý giá từ biển này cho họ với giá rẻ mạt. Một số người dân đã bị đánh, đe dọa khi không thực hiện những “quy định” ngang ngược này.

img

Nhiều người dân khai thác tự nhiên tại bãi triều xã Phú Hải vẫn còn sợ sệt khi tố cáo bị chủ bãi cho người hành hung, bắt nộp "tô". Ảnh: Nguyễn Quý.

Quá bức xúc, rất đông người dân đã kéo đến trụ sở tiếp dân của UBND huyện Hải Hà để kiến nghị, đòi hỏi bảo vệ quyền lợi. Nếu không được tập trung giải quyết dứt điểm, vụ việc trên dễ trở thành điểm nóng, phức tạp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Trao đổi với Dân Việt vào sáng 13.8, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết: “Vừa qua, tôi đã chủ trì buổi làm việc với 22 hộ dân nuôi trồng thủy sản lấn chiếm đất bãi triều trái phép tại xã Phú Hải. Tại buổi làm việc, sau khi được chính quyền chỉ ra những vi phạm trong việc lấn chiếm đất bãi triều trái phép, các hộ dân đã nhận rõ những vi phạm của mình và đề nghị được chính quyền tạo điều kiện giao đất để tiếp tục nuôi trồng thủy sản.

Phó chủ tịch yêu cầu xử lý dứt điểm

Nhiều người dân khai thác thủy sản tự nhiên (nhiều nhất là khai thác sá sùng) tại bãi triều Phú Hải tiếp tục phản ánh: Thời điểm hiện tại, mặc dù đã có rất nhiều đoàn kiểm tra xuống bãi triều Phú Hải, nhưng chưa thấy hộ lấn chiếm nào tháo dỡ, trả lại bãi triều cho người dân khai thác tự nhiên.

Thậm chí, nhiều hộ vẫn tiếp tục xuống giống mới; vẫn diễn ra tình trạng “thu tô”, hoặc bắt ăn chia 50/50 với chủ các bãi. Nhiều người đã phải bỏ bãi đi khai thác tại Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái...

Anh Phạm Văn Đ (một người dân đánh bắt sá sùng tự nhiên) bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện. Nhất là thời gian gần đây, hàng chục người dân đã kéo lên trụ sở UBND huyện Hải Hà đòi bảo về quyền lợi. Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ tiếp tục lên huyện vào ngày gần đây...”.

img

Người dân đào sá sùng tự nhiên tại bãi triều Phu Hải. Ảnh: Hữu Việt.

Để tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, giải quyết dứt điểm những tồn tại, UBND huyện Hải Hà đã thống nhất yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các hộ dân lấn chiếm thực hiện một số nội dung.

Theo đó, đối với 9 hộ dân được giao đất bãi triều nuôi trồng thủy sản nhưng lấn chiếm thêm, UBND huyện yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ cọc, lưới quây và trả lại diện tích lấn chiếm trước 30.8.2018.

Đối với 13 hộ dân không được giao đất mà tự ý lấn chiếm đất bãi triều, để tránh gây thiệt hại về đầu tư và tạo điều kiện cho các hộ dân có đất bãi triều để nuôi trồng thủy sản, UBND huyện cho các hộ dân lựa chọn 2 phương án.

img

Bãi triều Phú Hải ngày càng bị thu hẹp diện tích khai thác tự nhiên vì sự lẫn chiếm của các ông chủ bãi nuôi nghêu, ngao. Ảnh: Nguyễn Quý.

Thứ nhất, đối với các hộ dân có nhu cầu được giao đất bãi triều để tiếp tục nuôi trồng thủy sản, yêu cầu các hộ dân viết đơn đề nghị, đồng thời di chuyển con giống về vùng nuôi trồng mới trong năm 2018 nếu được giao đất bãi triều.

Thứ hai, đối với các hộ dân không có nhu cầu được giao đất bãi triều, yêu cầu các hộ viết cam kết tự tháo dỡ cọc, lưới quây, thu hoạch thủy sản để trả lại toàn bộ diện tích đất bãi triều đã lẫn chiếm trái phép trước 31.12.2019.

Ông Thái khẳng định: “Nếu các hộ không thực hiện theo nội dung đã thông báo trên, huyện sẽ thực hiện biện pháp cứng rắn là cưỡng chế”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem