Vụ tiêu chuẩn nước mắm: Có quyền nghi ngờ “tham nhũng chính sách”?

Vinh Hải - Đình Việt Thứ tư, ngày 13/03/2019 10:37 AM (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo về tiêu chuẩn nước mắm nếu được ban hành sẽ “bóp chết” nước mắm truyền thống và đánh đồng giữa mắm truyền thống - mắm công nghiệp, bảo vệ lợi ích cho các tập đoàn sản xuất nước chấm công nghiệp. Luật sư đã đưa ra nhận định về vấn đề này.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, sau khi Bộ Khoa học Công nghệ yêu cầu Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tạm dừng công bố tiêu chuẩn nước mắm, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển nông sản phải tạm dừng việc thực hiện tiếp các quy trình xây dựng tiêu chuẩn đối với nước mắm để kiểm tra kỹ lưỡng và xin ý kiến các bên liên quan.

img

Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc cho biết, sẽ tạm dừng công bố tiêu chuẩn quy phạm thực hành sản xuất nước mắm để lấy thêm ý kiến của nhân dân.

Trước đó, dự thảo tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm TCVN 12607: 2019 được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản xây dựng đã bị dư luận xã hội cũng như các chủ doanh nghiệp, chủ hộ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống phản ứng gay gắt suốt nhiều ngày qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo khi được ban hành sẽ “bóp chết” nước mắm truyền thống và đánh đồng giữa mắm truyền thống và mắm công nghiệp, bảo vệ lợi ích cho các tập đoàn sản xuất nước chấm công nghiệp.

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, mục đích xây dựng các quy chuẩn chất lượng đều có ý nghĩa cao đẹp là nhằm nâng cao, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Trong vụ việc liên quan đến tiêu chuẩn nước mắm, luật sư Tuấn Anh cho rằng: "Tôi không khẳng định bộ tiêu chuẩn mới được soạn thảo là nhằm có lợi cho nước mắm công nghiệp hay không. Ở đây cũng chưa thể làm rõ được việc những người soạn thảo bộ tiêu chuẩn này vì một động cơ nào đó mà cố tình gây bất lợi cho nước mắm truyền thống hay không?".

Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn Anh trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn không loại trừ trường hợp có “tham nhũng chính sách”. Tức là có những doanh nghiệp, đơn vị rất mạnh trong lĩnh vực liên quan đến bộ tiêu chuẩn sẵn sàng chi một nguồn tài chính lớn để xây dựng một chính sách pháp luật có lợi cho mình và gây bất lợi cho đối thủ cạnh tranh.

Ở Việt Nam chưa phát hiện ra trường hợp nào như vậy, tuy nhiên đây cũng là một nghi vấn mà những người gặp bất lợi có thể đặt ra. Trong vụ việc này, theo luật sư Tuấn Anh các bên tham gia vẫn có quyền đưa ra ý kiến, vì bộ tiêu chuẩn vẫn đang trong quá trình dự thảo, chưa ban hành.

“Trong quá trình dự thảo, các bên liên quan có quyền ý kiến, ví dụ những người kinh doanh nước mắm truyền thống là những người hiểu vấn đề nhất nên tập hợp nhau lại rồi gửi văn bản kiến nghị lên các cấp chính quyền để xây dựng được một tiêu chuẩn phù hợp nhất với thực tế và người tiêu dùng.

Tôi nghĩ đây là mục tiêu tối cao của người kinh doanh nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Ở đây, nếu cả hai bên đều có mục tiêu chung là vì sức khỏe người tiêu dùng thì có thể giải quyết được câu chuyện mâu thuẫn này”, luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Trần Tuấn Anh không đánh giá việc ban hành bộ tiêu chuẩn này là để bảo vệ lợi ích của ai. Bởi có hay không vấn đề “không trong sáng” phải trải qua quá trình điều tra mới biết được. Ở đây, đơn thuần là câu chuyện phải đưa ra chỉ tiêu phù hợp với sức khỏe con người.

Vị luật sư này nói thêm, để xây dựng được bộ tiêu chuẩn phải dựa trên các chỉ số khoa học đánh giá của các lĩnh vực chuyên môn. Việc dừng công bố bộ tiêu chuẩn về nước mắm, vị luật sư cho rằng,"dừng" không phải để xây dựng bộ tiêu chuẩn khác, mà cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến, điều chỉnh những điều chưa phù hợp sau đó sẽ công bố lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem