Vụ tín dụng đen ở Cà Mau: Chủ tịch tỉnh yêu cầu công an quyết liệt xử lý

Hoàng Hạnh Thứ năm, ngày 10/03/2016 17:54 PM (GMT+7)
Chiều nay (10.3), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng lãnh đạo các sở Công an; Tư pháp; TAND tỉnh; Viện KSND; Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức họp báo về thông tin báo chí nêu việc có nhiều người dân ở Cà Mau trắng tay vì vay “tín dụng đen” (Dân Việt đã phản ánh bài “Dân trắng tay với thủ đoạn hợp đồng giả cách” vào sáng cùng ngày – PV).
Bình luận 0

>>> XEM THÊM: Dân trắng tay với thủ đoạn “hợp đồng giả cách”<<<

Xuất hiện loại tội phạm mới

Mở đầu cuộc họp, ông Hải cho biết: Sau khi báo đài phản ánh việc tín dụng đen ở Cà Mau diễn ra hết sức phức tạp, có nhiều hộ dân có thể mất nhà, mất đất vì tín dụng đen cho vay nặng lãi; khiến những người đi vay rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, không thể trả được tiền vay (vốn và lãi) cho nên phải giao nhà, giao đất cho người cho vay…, ông đã có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, tối qua (9.3), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gọi điện cho ông Hải chỉ đạo phải kiểm tra ngay tình hình này, nhằm có hướng xử lý nghiêm túc.

“Đồng chí phó Thủ tướng chỉ đạo cho tôi phải chỉ đạo cho ngành công an, nếu như có thật tình trạng cho vay nặng lãi mà có sử dụng xã hội đen để hành hung, trấn áp, buộc con nợ phải giao nhà, giao đất, hoặc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân thì phải bắt ngay” – ông Hải nói.

Tại cuộc họp, Đại tá Trương Ngọc Danh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết: Năm 2015, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp nhận 3 đơn yêu cầu của người dân yêu cầu xử lý hành vi cho vay nặng lãi, và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Bé Tám (56 tuổi, ngụ ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). “Theo các nạn nhân, bằng hình thức chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) khi vay tiền, và nâng khống số tiền khi ghi trong hợp đồng chuyển nhượng tài sản, bà Tám đã chiếm đoạt tài sản của họ” – Đại tá Danh thông tin.

img

Đại tá Trương Ngọc Danh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau nói về hành vi cho vay của bà Tám. H.H

Theo Công an tỉnh này, đơn vị đã làm việc với bà Trần Thị Thoại (50 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, cò mồi của bà Tám). Bà Thoại thừa nhận, từ năm 2013 đến nay, bà đã giới thiệu cho 24 trường hợp đến vay tiền của bà Tám, với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Đồng thời, bà Thoại cung cấp 64 giấy chứng nhận QSDĐ của 60 người dân vay tiền và đã làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà Tám.

Báo cáo của Công an tỉnh nổi cộm lên việc và Thoại bị chém vào ngày 31.1 khi đang điều khiển xe máy trên đường Lê Lai (phường 2, TP. Cà Mau) khiến bà Thoại bị thương nặng (sau khi bà này có tường trình về hành vi của bà Tám gởi cơ quan chức năng – PV).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau cho biết, giữa bà Tám và các hộ dân có sự quan hệ cho vay và thế chấp tài sản với nhau. Hiện có phát sinh tranh chấp nên các bên tiến hành khởi kiện, đang được tòa án thụ lý. Công an tỉnh kiến nghị TAND các cấp khẩn trương đưa các vụ án khởi kiện tranh chấp dân sự có liên quan đến bà Tám ra xét xử dứt điểm, để có đủ căn cứ, điều kiện xác định dân sự hay hình sự, nhằm tạo điều kiện cho Công an tỉnh làm rõ trong thời gian sớm nhất.

Tình trạng cho vay là có thật

Theo ông Hải, qua báo cáo của Công an tỉnh, của các địa phương (huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình và TP. Cà Mau) và ngành tòa án cho thấy tình trạng cho vay trên địa bàn tỉnh đối với một số đối tượng là có thật (trong đó có bà Nguyễn Thị Bé Tám).

Ông Hải chỉ đạo Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau phối hợp ngay với các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh, tổ chức tuyên truyền pháp luật về vấn đề tín dụng, vấn đề cho vay đối với người cho vay và người đi vay…, hiểu về các quy định của pháp luật để không phạm pháp.

img

Ông Nguyễn Tiến Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an tỉnh và các ngành vào cuộc điều tra ngay thông tin báo nêu.H.H

“Sở Tư pháp phải kiểm tra và chấn chỉnh công tác công chứng của các tổ chức công chứng, để thực hiện việc công chứng đúng quy định của pháp luật, chánh những sơ hở hoặc bị lợi dụng dẫn đến công chứng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân” – ông Hải nhấn mạnh.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau đề nghị Ngân hàng Nhà nước và chính quyền các địa phương cần phải rà soát lại những người dân có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo các quy định của Nhà nước để hướng dẫn và tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay tiền. Việc nhày nhằm giúp cho những người nghèo không phải vì khó khăn trong cuộc sống mà phải đi vay tiền của các đối tượng bên ngoài, với lãi suất cao.

Đặc biệt, ông Hải đề nghị Công an tỉnh Cà Mau phải vào cuộc quyết liệt, để rà soát, điều tra nắm thật chặt tình hình, thật kỷ từng vụ việc. Phải phối hợp với các địa phương, tòa án tỉnh, tòa án nhân dân các huyện, thành phố, và phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau, xem lại các vụ việc có liên quan đến yêu cầu, khiếu kiện của công dân qua các án dân sự có tranh chấp tài sản, thế chấp tài sản vay tiền, hợp đồng chuyển nhượng tài sản…, mà tòa án đã thụ lý, giải quyết xong, hiện đã chuyển cơ quan thi hành án dân sự để xem có liên quan đến vấn đề vay và cho vay nặng lãi hay không…, và báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra lại các vụ việc đến UBND tỉnh trong tuần sau để có hướng xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem