Vua Lê Hoàn dùng cọp uy hiếp, sứ nhà Tống hết dám ngông nghênh

Trần Đình Chủ nhật, ngày 19/12/2021 18:31 PM (GMT+7)
Việc “phô trương” binh lực cả trong bang giao của Lê Hoàn cũng là một sáng tạo trong nghệ thuật tiếp sứ và giao tế quốc gia chứ chẳng thường đâu.
Bình luận 0

Không chỉ làm cho sứ Tống khâm phục Đại Cồ Việt dù là nước nhỏ nhưng nhân tài khắp chốn, là nước văn vật phồn vinh, Lê Hoàn còn muốn tỏ rõ uy dũng của mình để cho nhà Tống phải kiêng dè nếu còn lòng dạ nhòm ngó nước Nam. 

Vua Lê Hoàn dùng cọp uy hiếp, sứ nhà Tống hết dám ngông nghênh - Ảnh 1.

Thế nên, năm Canh Dần (990), khi vua Tống Thái Tông sai Tả chính ngôn là Tống Cảo, Hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm cho Lê Hoàn hai chữ là “Đặc tiến”. Vua ta liền sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền, dẫn 300 người đến quân Thái Bình (sau đổi là Liêm Châu tức tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, quân là đơn vị hành chính đầu thời Tống) mà đón, theo cửa biển mà vào, nửa tháng thì đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi.

Tháng 9 năm ấy, đoàn sứ bộ nhà Tống đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu (thuộc Ninh Bình nay). Chuyến đi này, sứ thần nhà Tống sang phong cho vua ta nhưng nghi lễ giản đơn, bởi vậy Lê Hoàng lấy làm coi thường. Để đáp lại, vua cố tình lệnh cho việc đón tiếp sứ sơ sài, nơi sứ quán đồ cung cấp không được đầy đủ. Khi sứ bộ nhà Tống sắp vào thành thì mới có gian nhà lợp tranh đề chữ “Mao kính dịch” (trạm qua đường lợp tranh). Vua ra ngoài giao (ngoại vi đô thành) để đón. Muốn làm cho sứ khiếp sợ, liền cho bày đặt thủy quân và chiến cụ để khoe, cờ xí bay rợp trời. Vua cầm cương ngựa cùng đi với sứ thần. Đến cửa Minh Đức, vua bưng chế thư để lên trên điện nhưng không lạy, nói dối là năm vừa rồi đi đánh giặc Man, bị ngã ngựa đau chân. Tống Cảo và Chế Tắc chẳng biết vì sợ uy vua và quân đội Đại Cồ Việt đang rầm rầm trước mặt hay chăng mà bỏ qua luôn cả nghi lễ trọng đại góp phần tỏ rõ “ân uy” phương Bắc.

Ngày hôm sau, vua bày yến tiệc thết đãi, lại dẫn sứ ra bờ sông xem các trò chơi tiêu khiển. Để dọa sứ Tống, trong khi thết yến, vua cầm cần câu xuống sông để câu cá. Sau lại sai người đem đến một con rắn dài và hai con hổ dữ gọi là thưởng ngoạn dã thú. Sứ Tống nhìn thấy thì chân tay rụng rời, chỉ sợ bị rắn đớp, hổ vồ, còn đâu tinh thần mà ứng đối nữa. Nhân đó, vua liền bảo với Tống Cảo rằng:

- Sau này có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa.

Đương lúc lo sợ, Tống Cảo chỉ còn biết thuận lòng. Chuyến đi sứ ấy về, vua Tống bằng lòng với ý kiến của vua Nam. Về nước, có lẽ bực bội với thái độ đón tiếp ngạo mạn của vua Việt, nên Tống Cảo làm bài Hành lục lược thuật chuyến đi phương Nam. Bài Hành lục ấy, được Lê Tắc ghi lại trong An Nam chí lược, nội dung như sau:

Chúng tôi đi sứ về, nhân kể chuyện lại từng điều khoản thuộc về hình thế núi sông và sự tích của Lê Hoàn để trình lên: Cuối mùa thu năm ngoái, chúng tôi đến nơi địa giới Giao Chỉ thì có viên Đô chỉ huy sứ của Lê Hoàn là Đinh Thừa Chính đem chín chiếc thuyền và ba trăm lính đến châu Thái Bình đón tiếp, do cửa biển ra biển lớn, sóng to gió cả, vượt qua những cơn nguy hiểm, nửa tháng mới tới sông Bạch Đằng, theo thuỷ triều mà đi, nơi nào mà tạm nghỉ ban đêm, đều có quán trạm cả, lần đến Trường Châu rồi đến bản quốc. Lê Hoàn suất hết cả binh thuyền và chiến cụ, lấy cớ là tập trận. Từ đó, đi cả đêm, tới bờ biển chỉ cách Giao Chỉ hơn mười dặm. Bỗng chốc quân lính hộ vệ Lê Hoàn tới, làm lễ giao nghinh (nghĩa là ra tiếp rước long trọng ở ngoại ô). Hoàn dừng ngựa nghiêng mình, hỏi thăm sức khỏe của Hoàng đế, xong cùng chúng tôi đi ngựa về, thỉnh thoảng mời ăn cau trầu, đây là theo phong tục hậu đãi của xứ ấy vậy. Trong thành, không thấy cư dân, chỉ có trại lính, chỗ phủ thự của Hoàn cũng thấp thỏi hẹp hòi, trên cửa nhà có đề hai chữ: “Minh Đức”. Hoàn thọ chiếu không lạy, lấy cớ rằng năm gần đây ra mặt trận đánh giặc bị thương nơi chân vì té ngựa. Qua hôm sau, dọn bàn đãi tiệc tưng bừng, quân lính chầu hầu có 3.000 người đều khắc chữ “Thiên tử quân” trên trán. Các đồ binh khi chỉ có cung, nỏ, gươm giáo, tầm gỗ... yếu ớt không dùng gì được. Bọn quan thuộc hễ ai thạo việc, thì chọn vào ở thân cận, ai phạm chút lỗi gì, thì đánh đuổi đi, khi hết giận, thì cho khôi phục chức cũ. Chỗ Hoàn ở có một tháp bằng gỗ, hình thức vụng về quê kệch, có một hôm, mời tôi cùng lên, nhìn tôi mà hỏi: “Ở triều đình Trung Quốc, có tháp như thế này không?”. Xứ ấy không có khí lạnh, tháng chạp cũng mặc áo cánh và dùng quạt”.

Cứ qua lời bài Hành lục của Tống Cảo, thì y cũng thấy rõ ý đồ của vua Lê như thế nào khi đem chiến thuyền, quân lính vào tận đất Tống rước sư, lại “suất hết cả binh thuyền và chiến cụ” cho sứ được “mãn nhãn” với sức mạnh quân sự của nước Nam. Thành Hoa Lư quân lính đông hơn dân thường, cốt làm cho sứ nghĩ lực lượng quân đội của nhà Tiền Lê đông đảo, hùng mạnh. Kể ra, việc “phô trương” binh lực cả trong bang giao của Lê Hoàn cũng là một sáng tạo trong nghệ thuật tiếp sứ và giao tế quốc gia chứ chẳng thường đâu.

Bởi, sau này vào năm Ất Mùi (995), như Đại Việt sử ký toàn thư ghi “vua cậy có núi biển hiểm trở, hơi buông thả cho dân biên giới lấn cướp vào cõi của nhà Tống”, nhà Tống sau thất bại lần đầu tiên xâm lược đã ngại chuyện binh đao, không dám trách cứ vua Nam.

Trước đây, bọn Văn Dũng là dân ở trấn Triều Dương (thuộc tỉnh Quảng Ninh nay) nước ta làm loạn, giết người rồi trốn sang trấn Như Tích thuộc Khâm Châu của nhà Tống (trấn Như Tích liền với trấn Như Hồng), được trấn tướng ở đó là Trần Lệnh Đức chứa chấp. Lê Đại Hành sai trấn tướng Triều Dương và Hoàng Thành Nhã đuổi bắt. Lệnh Đức không chịu trả về. Quan nhà Tống là Nghiêu Tẩu đến Như Tích, tra ra được nguyên do việc chứa chấp ấy, đem hết trai gái, già trẻ đã chứa giấu tất cả 113 người gọi Thành Nhã sang giao cho nhận về. Vua ta cảm ơn nhà Tống, sai sứ sang tạ ơn, lại nói về việc đã bắt được giặc biển 27 người, giao trả cho chuyển vận sứ, và đã răn cấm các khe động không được quấy rối nữa. Vua Tống mừng lắm, lại sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho Lê Đại Hành. Khi Nhược Chuyết đến, vua ra đón ngoài thành, có ý ngạo mạn không làm lễ để tỏ ra cao quý khác thường, rồi bảo với Nhược Chuyết rằng:

- Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi?

Chắc rằng lời ấy sau này bay về tai Tống Thái Tông, nhưng nhà Tống cũng không dám ý kiến gì thêm dù đó là lời nhận lỗi, nhưng cũng là lời răn đe dành cho phương Bắc đừng có hồ đồ đụng tới bờ cõi nước Nam. Nhờ những lần tiếp sứ khác người và có phần kiêu ngạo ấy của Lê Đại Hành, nước ta dưới thời Tiền Lê mạn Bắc được yên, không lo nhà Tống dấy binh thêm lần nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem