1001 cách đón tết của nông dân có con xa quê

Mỵ Lương – Tùng Anh (thực hiện) Thứ năm, ngày 18/02/2016 07:03 AM (GMT+7)
Khi những cánh hoa đào bung nở, khắp làng trên xóm dưới chuyển mình bởi sắc cờ hoa, tiếng í ới bàn chuyện đụng lợn, làm giò chả, gói hộ bánh chưng lại khiến gia đình có con đi làm ăn xa quê thêm chộn rộn. Nhiều cách đón tết được áp dụng đã giúp gắn kết những người thân yêu dù cách xa nửa vòng Trái đất.
Bình luận 0

Quạnh quẽ ngày tết

Hai con gái và một con rể trong gia đình bà Nguyễn Thị Thoa (xã Thanh Hương, Thanh Liêm, Hà Nam) xuất cảnh sang Malaysia giúp việc gia đình từ đầu năm 2015. Nhắc đến con trong những ngày đang cận kề đón tết, bà Thoa không khỏi ngậm ngùi: “Các con dù đã xây dựng gia đình nhưng từ bé đến lớn chưa khi nào ăn tết xa nhà. Năm nay, gia đình đón tết trong không khí phảng phất buồn vì mọi người không được sum họp. Tôi nghĩ mà thương con ngày tết Việt vẫn phải làm. Thương cháu được hơn 1 tuổi phải xa bố mẹ. Lo lắng không biết con cái ở xa đón tết ra sao, nhớ nhà, nhớ con cũng buồn mà chẳng có tết vui”.

img

Những tấm hình con trai ông Võ Trung Hậu (xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Nghệ An) ăn tết tại Nhật gửi qua mạng về Việt Nam.  NVCC

Vì nhớ thương “một nửa” gia đình đón tết xa quê, bà Thoa năm nay cũng không sắm sửa nhiều đồ dùng ngày tết. Ngoài cân giò, chả được đặt vội ngoài hàng, bánh kẹo, hàng hóa sắm sửa năm nay cũng được gói gọn đến mức tối đa. “Như năm ngoái gia đình tôi và họ hàng có chung nhau thịt lợn vừa để ăn tết, gói bánh chưng. Năm nay, làm không có người ăn, để hỏng hoài phí. Vì vậy, tôi chỉ gửi gạo nếp nhờ chú em gói hộ mấy chiếc bánh chưng cho có không khí tết” – bà Thoa thở dài.

img

Khoảnh khắc cúng giao thừa được ông Trịnh Văn Gừng (Ninh Giang, Hải Dương) chụp lại gửi cho con trai độc đinh đang du học tại Nhật Bản.  NVCC

Để kết nối khoảng cách kéo dài vạn dặm, những ông bố, bà mẹ nông thôn cũng gom góp tiền mua điện thoại “xịn”, có 3G, có màn hình cảm ứng để dễ dàng tải ảnh, gửi ảnh và chát chít với con ở nơi xa. Có cha mẹ còn sắm hẳn một dàn vi tính để nhìn con ăn tết qua webcam.

 Có mạng rồi nhưng không có máy tính, ông Thắng lại mua thêm đầu thu mạng kết nối với màn hình tivi với giá gần 2 triệu đồng, thêm phụ kiện webcam và thu âm. Có mạng, có màn hình, có âm thanh. Ông Thắng nhờ đứa cháu họ lập cho tài khoản Skype để kết nối với các con.

Tết Bính Thân 2016 này con trai hiện đang lao động tại Nhật Bản không về, gia đình ông Võ Trung Hậu (xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vừa bận rộn sắm sửa đón tết, vừa dành một khoản tiền mua một chiếc thoại “xịn” tiện bề liên lạc với con. Ông Hậu cho biết, làng quê ở đây ngay từ ngày 25-26 tết, họ hàng người thân cùng nhau đụng thịt lợn được nuôi bằng cám gạo, rau khoai của nhà trồng.  “Con trai ở nhà đỡ đần được bố mẹ ít việc. Tuy nhiên, vắng nó thiếu đi cái tết vui. Mua được chiếc điện thoại đi chúc tết người thân, họ hàng. Bố sẽ gọi qua phần mềm ứng dụng facebook để con được trực tiếp gửi lời chúc đến họ hàng. Vui vẻ khi kết nối được, song nhiều lúc gọi phải giờ con làm việc, hoặc do sóng yếu không liên lạc được, bố mẹ, họ hàng đều buồn nhớ con, nhớ cháu” - ông Hậu cho biết.

Đón tết qua “cầu truyền hình”

Không có con đi du học hay làm việc ở nước ngoài, nhưng 5 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (Đông Hưng, Thái Bình) chưa năm nào có được 1 cái tết đoàn viên thực sự. Ông Thắng có 2 cô con gái đều đi lấy chồng xa quê. Cô cả lấy chồng Thanh Hóa cũng 5 năm nhưng chưa năm nào về ngoại đón tết. Năm ngoái, cô út cũng lên xe hoa lấy chồng Phú Thọ, cả hai cô đều cách nhà những 200km. “Chúng nó đều có con nhỏ, phương tiện đi lại khó khăn nên không thể đưa các cháu về quê ăn tết được. Nghĩ nhiều lúc thương con, nhớ cháu nhưng không biết phải làm sao” – ông Thắng nói. Vừa rồi, được chàng rể út “mách nước” ông Thắng nảy ra ý định, quyết tâm mang “cầu truyền hình” về tận nhà để giao thừa năm nay có thể đón tết cùng con cháu.

img

Anh Võ Trần Phú - con trai ông Võ Trung Hậu đang làm việc tại Nhật Bản. NVCC

Nói là làm, ông Thắng bàn với vợ, trích tiền bán lúa để lắp mạng Internet với gói cước 120.000 đồng/tháng. Có mạng rồi nhưng không có máy tính, ông Thắng lại mua thêm đầu thu mạng kết nối với màn hình tivi với giá gần 2 triệu đồng, thêm phụ kiện webcam và thu âm. Có mạng, có màn hình, có âm thanh. Ông Thắng nhờ đứa cháu họ lập cho tài khoản Skype để kết nối với các con. Là nông dân không biết nhiều về công nghệ máy tính, ông Thắng bỏ thời gian vài ngày làm đồng để ở nhà “nghiên cứu” học các thao tác vào mạng, nhập tài khoản và gọi cho các con.

“Vụ đầu tư này mất hẳn... nửa tấn lúa nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Từ hôm nối mạng, tối đến tôi lại gọi cho các con. Nhìn thấy chúng nó nô đùa gọi ông bà tíu tít trên màn hình tivi 40 inch thích lắm. Thú thật, ban đầu tôi làm bà nhà tôi cằn nhằn mất mấy hôm vì tiếc tiền, tiếc thóc. Nhưng giờ được trò chuyện với con, với cháu như thật nên bà ấy rất vui. Thế là tết này không chỉ có 2 ông bà già đơn độc đón tết với nhau nữa. Cả làng này chắc mới có nhà tôi là “đi đầu” cái món... truyền hình trực tiếp” – ông Thắng cười sảng khoái.

Với gia đình ông Trịnh Văn Gừng (Ninh Giang, Hải Dương), 3 năm liền đón tết vắng cậu con trai độc đinh hiện đang du học tại Nhật Bản. Mỗi dịp tết đến xuân về, nhớ con da diết, gia đình ông lại chuẩn bị sẵn các đặc sản của địa phương, bánh chưng, thịt bò khô - món ăn con thích để “canh chừng” dò hỏi xem có người quen, bạn bè về nước đón tết sẽ gửi “vị” tết cho con trai. “Ngày thường, con gọi điện về cũng ít vì bận học tập, làm thêm. Nhưng tháng tết, sợ con tủi thân, máy tính, điện thoại của những người trong gia đình, họ hàng luôn trong tình trạng chờ đợi cuộc gọi từ nước ngoài của con điện về. Giờ khắc giao thừa, mọi người xa mặt chứ không cách lòng vì gia đình ngồi quây quần nhìn thấy nhau trực tiếp. Thậm chí, tôi còn bê chiếc Ipad mini quay xung quanh nhà cho con nhìn ngắm nhà cửa trang hoàng dịp tết cho vơi bớt nhớ” - ông Gừng cho biết.

Nam tiến lập nghiệp

Hải Dương là tỉnh có số người đi lao động nước ngoài tương đối lớn. Từ nhiều năm nay, khi vợ đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, anh Nguyễn Xuân Dương xã Hồng Dụ (Ninh Giang, Hải Dương) đều ở nhà chăm con, chuẩn bị tết từ A-Z cho gia đình hai bên nội ngoại. Từ việc sắm đào trang trí nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm tết, mua quần áo mới cho con trai, anh Dương làm như "chạy sô" cho kịp Tết. "Dù thiếu vắng vợ nhưng tết với hai bố con vẫn phải đầy đủ để mọi người khỏi đùa cảnh gà trống nuôi con"- anh Dương tủm tỉm.

Cũng vì điều kiện kinh tế khó khăn, anh Nguyễn Văn Sĩ trú tại xã Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương) cùng vợ và hai con gái quyết định "Nam tiến" lập nghiệp. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Tiếp (73 tuổi) tại quê nhà ba năm liền đón tết xa con trưởng cùng các cháu. Bà Tiếp bùi ngùi bảo, buồn nhất cái tết năm đầu tiên con cháu vắng nhà. Ngày tết, mọi người đến mừng tuổi đầu năm khiến tôi buồn phát khóc. "Cũng từ  ngày xa con, xa cháu tôi biết dùng điện thoại để nghe, gọi chúng những lúc rảnh rỗi. Trò chuyện với con cháu qua điện thoại, các cháu thường kể chuyện học tập trên lớp, tết này lại biết đọc thơ chúc tết bà. Tôi cũng thấy nguôi ngoai, mong qua tết gia đình được đoàn tụ sớm"- bà Tiếp khoe.  /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem