3 đời nặng nợ với Hoàng Sa

Công Xuân Thứ hai, ngày 15/02/2016 06:20 AM (GMT+7)
5 năm hành nghề thì đến 4 lần bị tàu nước ngoài bắt giữ. Không một gia đình ngư dân nào can trường như câu chuyện về gia đình ông Tiêu Viết Là.
Bình luận 0

Thực ra, chuyện ngư dân nhiều lần gặp nạn nhưng vẫn ra Hoàng Sa khai thác ở Quảng Ngãi thì nhiều "vô thiên lủng". Thế nhưng với gia đình giàu truyền thống, còn bản thân 4 lần bị nước ngoài bắt, đánh đập trái phép nhưng vẫn tiếp tục bám Hoàng Sa như lão ngư Tiêu Viết Là (54 tuổi), ở thôn Châu thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn thì chỉ tính trên đầu ngón tay.

img

Lão ngư Là (bên phải) và con trai là Tiêu Viết Lành. Ảnh: C.X.

4 lần bị nước ngoài bắt giữ

Một chiều đầu năm, trong căn nhà khá khang trang nằm ngay bên đường ở thôn Châu Thuận,  khi nghe hỏi về chuyện bám biển Hoàng Sa của gia đình và bản thân mình, đôi mắt của lão ngư Là như bừng sáng. Cũng như nhiều ngư dân cùng lứa khác ở trong vùng, ngay từ thời tóc còn để chỏm những câu chuyện đầy mê hoặc về vùng biển Hoàng Sa giàu tôm cá, lắm sản vật-nơi mà bao thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương vượt sóng dữ ra bảo vệ, khẳng định chủ quyền từ lời kể của người cha, luôn thu hút và in đậm trong tâm trí; nuôi dưỡng khao khát được “chinh phục” vùng biển đảo này của Tổ quốc đối với đứa trẻ tên Là.

Vì vậy khi đến tuổi "bẻ gãy sừng trâu", cùng với quyết định nối nghiệp người cha để trở thành ngư dân, vùng biển mà người thanh niên Tiêu Viết Là chọn để đến đầu tiên đó là Hoàng Sa. Hơn 20 năm năm trôi qua, với hàng trăm chuyến ra khơi đánh bắt tại đây. Cùng với những chuyến trở về với khoang thuyền đầy ắp cá tôm, mang lại cuộc sống khá sung túc cho gia đình; ông Là cũng là ngư dân gặp nhiều khốn đốn nhiều "nhất nhì" ở Quảng Ngãi vì bị nước ngoài bắt giữ, đánh đập và tịch thu tài sản trái phép khi đang hoạt động khai thác tại Hoàng Sa.

Ông Là kể: Lần đầu tiên là năm 2006, khi đưa phương tiện chạy vào núp gió Tây Nam tại khu vực đảo Phú Lâm, đã bị phía nước ngoài cho canô ra thu sạch máy móc, dụng cụ, gạo, cá.... Ngoài số tiền thiệt hại khoảng 150 triệu đồng, cả tàu phải nhịn đói chạy về. Năm sau, cũng vào Hoàng Sa núp gió lại bị tàu nước ngoài xông ra. Sợ bị "trấn lột", thuyền trưởng Là nổ máy bỏ chạy liền bị tàu lạ đuổi theo và xả súng vào tàu làm 6 ngư dân bị thương, trong đó anh Huỳnh Văn Hưng bị bắn gãy xương tàn phế một cánh tay đến tận bây giờ. Chuyến đi đó tàu ông Là bị nước ngoài bắt và viết giấy phạt 6 vạn nhân dân tệ, nhưng sau  "đổi ý" không phạt mà thu chiếc tàu trị giá trên 300 triệu. Đến năm 2009, thì bị bắt, cướp sạch tài sản: Thiết bị, ngư cụ... nhưng trả lại phương tiện. Và lần cuối cùng là tháng 3.2010, bị phạt gần 300 triệu đồng.

Không riêng gì tôi, hay cha mình; mà sau này đến đời con của mình nếu chọn nghề đi biển, tôi tin rằng nó cũng sẽ tiếp tục ra Hoàng Sa”.
Anh Tiêu Viết Lành

Con trai tiếp bước

Hơn 2/3 cuộc đời gắn mình với vùng biển Hoàng Sa và 4 lần gặp nạn vì nước ngoài, nên không ít thời điểm gia đình lão ngư Là lâm vào cảnh khốn đốn, túng quẫn. Thế nhưng khi nghe câu hỏi nếu được quay trở lại thời trai trẻ, lão ngư Là không chút đắn đo và suy nghĩ: "Vẫn chọn làm ngư dân và vùng biển Hoàng Sa vẫn là ngư trường để đánh bắt".

Do đau yếu nên còn đủ sức khỏe để theo tàu ra khơi, với những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời tại Hoàng Sa như ngày trước; thế nhưng khát vọng bám biển Hoàng Sa hôm nào của lão ngư Là nay đã truyền cho những người con trai của mình. Anh Tiêu Viết Lành (30 tuổi), 1 trong 2 đứa con của ông Là tâm sự: Không phải đến bây giờ mà ngày bắt đầu đi biển cách đây hơn 10 năm về trước, tôi cũng đã chọn vùng biển Hoàng Sa để làm nơi hành nghề. Vào năm 2010, tôi cũng đã bị nước ngoài bắt giữ, nhốt trái phép tại Hoàng Sa cùng với cha ruột rồi.  Không riêng gì tôi, hay cha mình; mà sau này đến đời con của mình nếu chọn nghề đi biển, tôi tin rằng nó cũng sẽ tiếp tục ra Hoàng Sa. Như cha, ông nội và những thế hệ đi trước nó đã từng chọn lựa./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem